27/12/2024

Tinh giản chương trình: Học sinh lớp 12 sẽ học như thế nào?

Tinh giản chương trình: Học sinh lớp 12 sẽ học như thế nào?

Học sinh cuối cấp THPT sẽ học và ôn thi thế nào sau khi Bộ GD-ĐT công bố nội dung giảm tải và đề thi minh họa? Đây là lúc mỗi nhà trường và học sinh bắt đầu phải tăng tốc xây dựng kế hoạch thực hiện.

 

Tinh giản chương trình: Học sinh lớp 12 sẽ học như thế nào? - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trước giờ thi môn toán – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo nhận xét của các giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM, mỗi môn học thuộc khối 12 có cách giảm tải khác nhau. Cụ thể, ở ba môn chính, môn toán hầu như không giảm, còn môn ngữ văn và tiếng Anh thì được cho là giảm nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh dự thi THPT quốc gia sẽ “nhẹ” một phần đáng kể.

Giảm tải, bớt lo

“Việc điều chỉnh với môn toán không nhiều do tính liền mạch của các nội dung. Với lớp 12 gần như không có sự cắt giảm” – thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên của hệ thống Học mãi (Hà Nội), nhận xét về môn toán. “Do tinh giản ít nên học sinh vẫn cần tập trung ôn tập theo đúng tiến độ, kế hoạch và lộ trình đã thực hiện trước đó” – thầy Tùng lưu ý với học sinh.

Cũng có ý kiến tương tự, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ: “Phần kiến thức mà bộ quyết định tinh giản trên thực tế một số giáo viên đã tự “lướt” qua rồi. Bộ giữ nguyên các nội dung kiến thức cơ bản của học kỳ 2 nhưng không yêu cầu phải đào sâu, nâng cao nên có thể hiểu đây cũng là một cách giảm tải”.

Với cấu trúc và nội dung của đề thi minh họa môn toán THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, các giáo viên dạy toán hi vọng học sinh dự thi THPT quốc gia môn toán năm nay sẽ tiếp nhận một đề thi “cơ bản hơn”, tỉ lệ câu hỏi vận dụng, nâng cao sẽ giảm bớt. Sự cạnh tranh để có kết quả cao trong tuyển sinh đại học sẽ không phải là những “câu hỏi khó” mà lại nằm ở việc chỉn chu, chính xác tuyệt đối ở những câu hỏi cơ bản để không mất điểm.

Ở môn ngữ văn, thầy Trần Văn Đúng – giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM – chia sẻ: “Thực tế ở môn văn là có những đơn vị bài học Bộ GD-ĐT hướng dẫn sẽ dạy trong ba tiết nhưng giáo viên phải dạy từ 6 – 8 tiết mới có thể chuyển tải đủ những ý mình mong muốn, đồng thời rèn cho học sinh những kỹ năng cần thiết mà bài học đặt ra.

Nhiều người rất lo khi thấy học sinh nghỉ học dài ngày. Nhưng khi bộ đã tinh giản chương trình và công bố đề thi minh họa thì chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tính ra cả học kỳ 2, học sinh khối 12 chỉ học ba tác phẩm chính: Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa. Đa số các trường THPT đều đã giảng dạy tác phẩm Vợ chồng A Phủ từ trước Tết Nguyên đán. Như vậy, giáo viên chỉ dạy thêm hai tác phẩm nữa là xong phần văn học. Bên cạnh đó, phần lý thuyết tiếng Việt cũng được tinh giản rất nhiều”.

Đừng buông phần “tự học có hướng dẫn”

Theo thầy Đặng Ngọc Khương – giáo viên Trường THPT chuyên ngữ – ĐHQG Hà Nội, các nội dung nằm trong yêu cầu “tự học có hướng dẫn” học sinh vẫn phải lưu ý, đừng nhầm lẫn sang phần kiến thức giảm tải nằm ngoài đề thi.

Đó là các bài học sinh tự đọc văn bản, tài liệu để giảm bớt thời lượng dạy học, nhưng các phần kiến thức đó có liên quan tới bài dạy trên lớp. Ví dụ bài “Hồn Trương Ba da hàng thịt” trước đây có hai tiết. Nhưng sau khi giảm tải còn một tiết trên lớp, một tiết học sinh phải tự đọc, tóm tắt văn bản, trả lời các câu hỏi cần thiết.

Ở môn tiếng Anh, cô Lê Thị Phương Thoa – tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM – cho rằng: “Môn tiếng Anh giảm tải quá nhiều, khiến một số giáo viên băn khoăn, nhất là phần ngữ pháp cũng được đưa vào tinh giản.

Tiếng Anh là môn học đặc thù, ngữ pháp của bài này có khi liên quan đến bài kia. Vì vậy, một số nội dung tuy thuộc phần “tự học có hướng dẫn” nhưng tôi sẽ sắp xếp để phụ đạo cho học sinh nắm được nội dung cơ bản”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT, với học sinh trung học, các phần đưa về “tự học” có hai dạng. Một dạng khuyến khích học sinh đọc, nghiên cứu, thực hiện nhưng không bắt buộc và không có trong nội dung kiểm tra và đề thi THPT quốc gia.

Một dạng “tự học có hướng dẫn”, có nghĩa giáo viên phải là người hướng dẫn học sinh tự học (tự đọc, tự nghiên cứu, thực hiện bài tập) và có biện pháp kiểm tra kết quả tự học. Nội dung này sẽ có thể là nội dung được kiểm tra định kỳ hoặc thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết thêm khi thực hiện tinh giản chương trình, tất cả từ lớp 1- 12 đều thực hiện theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên, có một số nội dung cần thiết ở các lớp từ 1-11 có thể tạm lược bỏ, nhưng bổ sung vào lớp học trên ở năm học sau.

Riêng lớp 12, học sinh sẽ kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông nên không có cơ hội bổ sung. Vì thế, việc giảm tải chỉ có thể lược bỏ hẳn những nội dung không cần thiết, còn những nội dung vẫn cần để đảm bảo học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng tiếp tục học lên đại học, cao đẳng thì vẫn phải giữ.

Đây cũng là lý do chương trình lớp 12 giảm tải ít hơn các lớp khác.

Dành thời gian ôn thi

nh-van6 - 12 2(read-only)

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong giờ học môn văn – Ảnh: NH.HÙNG

Hầu hết các trường THPT đều tổ chức họp gấp sau khi Bộ GD-ĐT công bố nội dung giảm tải và đề thi minh họa THPT quốc gia. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, cho biết: “Hiện tại học sinh lớp 12 của trường tôi học qua truyền hình buổi sáng, còn buổi chiều thì học trực tuyến với các giáo viên bộ môn.

Khác với lớp 10, 11 học trực tuyến kiến thức mới theo thời khóa biểu, học sinh lớp 12 trong buổi học trực tuyến được giáo viên hệ thống lại, giải đáp khúc mắc và luyện tập kiến thức đã học. Với tiến độ đang làm có những môn học chúng tôi có thể hoàn thành được trong tháng 5, tháng 6” – cô Nhiếp chia sẻ.

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, một trường dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu sớm nhất ở Hà Nội, cũng cho biết dự kiến có thể dạy hết chương trình (sau khi đã giảm tải) vào giữa tháng 6-2020. Như vậy, so với mốc thời gian muộn nhất Bộ GD-ĐT đặt ra là 15-7 thì các trường chủ động được việc dạy học có thể kết thúc sớm hơn từ 15 ngày đến 1 tháng, dành thời gian cho học sinh ôn thi.

Tại TP.HCM, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết: “Trường chúng tôi dạy từ xa theo hình thức ghi hình bài giảng, dựng lại phim cho rõ ràng, dễ hiểu rồi post trên fanpage của hiệu trưởng nhà trường. Do vậy đến thời điểm này, riêng môn hóa đã hoàn thành chương trình cho khối 12. Tức là bài dạy đã có đầy đủ trên fanpage. Các môn còn lại cũng chỉ còn vài bài là xong chương trình”.

Thầy Phú phân tích: “Nhưng nói như thế không có nghĩa là trường chúng tôi đã hoàn thành chương trình học kỳ 2 mà dạy từ xa chỉ là giải pháp tình thế. Bài giảng đã post lên nhưng học sinh có xem hay không, xem rồi các em có hiểu không… Thế nên, khi học sinh quay lại trường, giáo viên vẫn phải dạy lại để các em nắm được bài”.

Câu hỏi khó không nằm trong học kỳ 2

Theo nhận xét của nhiều giáo viên khối 12 ở TP.HCM, hầu hết nội dung đề thi minh họa THPT quốc gia đều có chung một đặc điểm: câu hỏi dạng nâng cao dùng để phân loại thí sinh có giảm độ khó so với năm trước. Đặc biệt, những câu hỏi này thuộc phần kiến thức học kỳ 1 của lớp 12. Phần lớn những câu hỏi thuộc phần kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 đều thuộc dạng nhận biết và thông hiểu, học sinh trung bình có học bài là làm được.

Không kiểm tra trực tuyến

Trao đổi về mốc thời gian kết thúc năm học của các trường, đặc biệt là khối 12, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Nếu các trường có đủ minh chứng dạy học thực tế, đủ điều kiện để công nhận kết quả dạy học qua Internet và dạy qua truyền hình thì có thể rút ngắn thời gian năm học”. Tuy nhiên theo ông Thành, việc kiểm tra định kỳ đối với tất cả các môn học vẫn phải thực hiện khi học sinh quay lại trường chứ không kiểm tra trực tuyến.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ
TTO