27/12/2024

Quá khổ với dịch bệnh, mong dừng tiếng súng

Quá khổ với dịch bệnh, mong dừng tiếng súng

Những lời kêu gọi liên tiếp của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lẫn Giáo hoàng đang hướng đến việc các phe phái buông súng ở một số điểm nóng trên thế giới khi dịch bệnh đang đe doạ.

 

Quá khổ với dịch bệnh, mong dừng tiếng súng - Ảnh 1.

Cậu bé Afghanistan khóc thương người thân thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố, lễ tang tổ chức ở thủ đô Kabul ngày 26-3 – Ảnh: Reuters

Quyết định ngừng bắn là hành động hướng đến đoàn kết dân tộc và dựa trên các nguyên tắc nhân đạo trong bối cảnh có tình trạng y tế khẩn cấp.

Lực lượng đối lập Quân đội nhân dân mới (NPA) ở Philippines giải thích cho quyết định ngưng bắn đến hết ngày 15-4

“Đây là lúc phải đặt sự xung đột quân sự dưới tầm kiểm soát và cùng nhau tập trung sức lực cho cuộc chiến thực sự bảo vệ mạng sống của chúng ta”.

Theo báo Washington Post, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi đình chiến trên toàn cầu để các nước đang bị chiến tranh tàn phá tập trung chống chọi với đại dịch COVID-19.

Có tiến bộ, nhưng…

“Nhiều bên tham chiến đã lắng nghe và hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của tôi. Các tay súng tại Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Libya, Myanmar, Philippines, Nam Sudan, Sudan, Syria, Ukraine và Yemen đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi” – Tổng thư ký Antonio Guterres nói trong cuộc họp báo trực tuyến từ trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).

Ông nhận định đã có một số tiến triển tích cực sau khi ông lên tiếng kêu gọi đình chiến lần đầu tiên vào ngày 23-3 vừa qua. Tuy nhiên, giao tranh vẫn xảy ra ở một số nước khiến chính quyền các nước sở tại rất khó tập trung đối phó với dịch COVID-19.

Tổng thư ký LHQ cảnh báo “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến”, đồng thời nói có sự khác biệt lớn giữa “tuyên bố và hành động, giữa việc biến ngôn từ thành hòa bình trên thực tế và trong cuộc sống của mỗi người”.

Thực tế là không ít phe nhóm vẫn chọn cách “thừa nước đục thả câu”. Theo Washington Post, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) – dù đã bị đánh tan tác trong thời gian qua – thông qua các kênh truyền thông của mình lại kêu gọi các tay súng trung thành ở khắp nơi tận dụng sự hỗn loạn để tiếp tục chiến sự.

Phe Taliban, sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ ở Afghanistan hồi tháng 2 vừa qua, lại đang phát động các cuộc tấn công lớn ở Afghanistan dù tiếp tục cung cấp mặt nạ, găng tay và xà phòng cho người dân ở khu vực mình chiếm đóng.

Zabiullah Mujahid – người phát ngôn của Taliban – biện hộ rằng “không thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công” bởi chính quyền Kabul khiến họ phải làm như thế! Phía Taliban cho rằng “chỉ khi virus lây lan trên toàn quốc thì họ mới có thể tính đến chuyện buông súng để kiểm soát tình hình”.

Không ngưng chiến, người dân lãnh đủ

Ý định chính trị của các bên xung đột vẫn được đặt cao hơn sinh mạng người dân. Điều đó càng làm cho tình hình thêm tệ hại. Đặc biệt khi lực lượng an ninh ở các nước phải đảm trách thêm nhiệm vụ mới là đảm bảo người dân thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội của chính quyền thì việc đối phó với phe chống đối yếu ớt đi. Những tay súng đối lập thừa hiểu tình hình “ngàn năm có một này” để lấn tới.

Bà Emily Estelle – nhà phân tích cao cấp của dự án Các mối đe dọa nghiêm trọng thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ trụ sở tại Washington (Mỹ) – chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông cực đoan đang gieo rắc tư tưởng virus corona như “một hình phạt của đấng bề trên”. Từ đó, những tay tuyển mộ người của IS và al-Qaeda tự nhận mình là “thuốc giải độc”. Bà cho rằng chúng sẽ đạt thêm thành công “nếu mọi người không hài lòng với chính phủ”.

Tuy nhiên thực tế cho thấy một số điểm nóng về xung đột quân sự, như tại Colombia, Cameroon và Philippines, đã có sự giảm nhiệt khi các bên chấp nhận lui quân để tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Bà Roudabeh Kishi – giám đốc nghiên cứu của dự án Dữ liệu và vị trí xung đột vũ trang, chuyên theo dõi các điểm nóng trên thế giới – ghi nhận đã thấy có sự giảm xung đột rõ ràng.

Dẫu sao đây cũng là một điểm sáng. Theo các chuyên gia y tế, trong các khu vực xung đột quân sự trên toàn cầu, các nhân viên y tế lo ngại nhất là mối đe dọa từ các hoạt động không kích, phục kích và cài bom bên đường khiến họ khó tiếp cận các nhóm dân thiệt thòi cần được bảo vệ sức khỏe.

Hồi đầu tháng 4, Tổng thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi thế giới dành 10% GDP toàn cầu, tương đương 9.000 tỉ USD, để chống lại ảnh hưởng của đại dịch. “Chúng ta cần phải làm mọi việc có thể để tìm kiếm hòa bình và đoàn kết trên toàn thế giới, những điều rất cần thiết để chiến đấu chống COVID-19. Chúng ta phải huy động mỗi gram năng lượng để đánh bại đại dịch” – ông Guterres kêu gọi.

Ý NGUYÊN
TTO