18/11/2024

Quy hoạch xây dựng TPHCM mới, động lực cho khu Đông phát triển

Quy hoạch xây dựng TPHCM mới, động lực cho khu Đông phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 430 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, quy hoạch sẽ có sự điều chỉnh để giúp khu Đông TP.HCM phát triển.
Hệ thống hạ tầng được đầu tư thêm sẽ giúp khu Đông thêm động lực phát triển /// Độc Lập

Hệ thống hạ tầng được đầu tư thêm sẽ giúp khu Đông thêm động lực phát triển  Độc Lập

Điều chỉnh 3 khu vực

Nội dung điều chỉnh bao gồm các khu vực: Đường Vành đai 3 – TP.HCM, khu vực phường Long Phước, Long Bình, Long Thạnh Mỹ (Q.9). Đối với đường Vành đai 3, TP cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu về hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Bên cạnh đó, các chức năng sử dụng đất tại quy hoạch năm 2010 nằm trong lộ giới đường thuộc đoạn tuyến điều chỉnh cập nhật được chuyển đổi thành đất giao thông.
Tại khu vực P.Long Phước (Q.9), bổ sung chức năng Khu công nghệ cao (Khu công viên khoa học và công nghệ) quy mô hơn 166 ha, với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là cơ sở nghiên cứu khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía đông TP (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức). Đồng thời, bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, điều chỉnh hướng tuyến của tuyến đường chính nội đô dự kiến được định hướng tại quy hoạch năm 2010 và bổ sung cầu qua sông Tắc nhằm kết nối với đường Vành đai 3 – TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM hiện hữu.
Đối với khu vực phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ (Q.9), thay đổi định hướng quy hoạch đất khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới để thực hiện các điều chỉnh. Trước hết là bổ sung chức năng đất khu ở phát triển mới quy mô trên 135 ha. Bố trí đầy đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó, điều chỉnh vị trí và tăng quy mô khu cây xanh công viên thể dục thể thao cấp đô thị từ 3,7 ha thành 36 ha. Điều chỉnh vị trí và tăng quy mô khu công cộng cấp đô thị từ 9,7 ha thành 13,1 ha. Trong đó, diện tích đất y tế khoảng 5,8 ha và diện tích đất trường học khoảng 7,3 ha.
Bổ sung tuyến đường Vành đai 3 – TP.HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đường chính đô thị, điều chỉnh các tuyến đường giao thông khu vực để kết nối đồng bộ với các khu khác của TP.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo cập nhật nội dung điều chỉnh cục bộ vào hồ sơ đồ án quy hoạch năm 2010. UBND TP.HCM chịu trách nhiệm rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng theo thẩm quyền tại khu vực liên quan đến các nội dung được điều chỉnh cục bộ.

Đẩy nhanh đường vành đai 3

Theo KTS Trần Tuấn, mới đây các địa phương như TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thống nhất cao kiến nghị cấp thẩm quyền về sự cần thiết và tính cấp bách đầu tư khép kín đường Vành đai 3 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo quy hoạch chi tiết, tuyến đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 89,3 km, với quy mô 6 – 8 làn xe cao tốc. Tuyến đường này được chia làm 4 đoạn, trong đó tỉnh Bình Dương đã đầu tư đoạn 2 (giai đoạn 1) dài 16,3 km. Còn lại 3 đoạn có tổng chiều dài 73 km chưa được đầu tư do vướng thủ tục. Do đó các địa phương đã thống nhất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín đường Vành đai 3 – TP.HCM. Nếu sớm đầu tư khép kín được tuyến đường Vành đai 3 – TP.HCM sẽ là động lực giúp phát triển kinh tế không chỉ của riêng TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Các doanh nghiệp bất động sản rất hồ hởi với bản quy hoạch mới, bởi hệ thống hạ tầng ở khu vực phía đông tiếp tục được đầu tư và kết nối với hệ thống hạ tầng hiện hữu sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản khu Đông bừng sáng. Không những vậy, điều chỉnh quy hoạch cũng bổ sung chức năng đất khu ở phát triển mới quy mô trên 135 ha sẽ tạo thêm nguồn lực cho TP khai thác quỹ đất phục vụ nhu cầu an cư của người dân cũng như phát triển kinh tế của TP.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết khu Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức trước nay hạ tầng đã được đầu tư khá chỉn chu, nay có sự điều chỉnh bổ sung thêm một số công trình, dự án trọng điểm sẽ càng giúp khu vực này có thêm nhiều lợi thế để phát triển. Theo ông, thời gian tới khi một số công trình trọng điểm, nhất là tuyến metro số 1 hoàn thành và đưa vào sử dụng, cộng với việc TP đầu tư thêm tuyến đường Vành đai 3 kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, khu Đông sẽ có nhiều yếu tố kích cầu thị trường bất động sản phát triển.
Xây dựng đề án thành lập thành phố phía đông
Ngày 1.4, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký Văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập TP trực thuộc TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập TP phía đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Theo dự kiến, sau khi được thành lập, TP phía đông của TP.HCM sẽ có diện tích tự nhiên là 211,57 km2, quy mô hơn 1,169 triệu dân. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%. Tuy nhiên, việc sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ (nếu sáp nhập 3 quận để thành lập một quận mới thì phù hợp chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 653). Nếu thực hiện được TP phía đông, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “TP thuộc TP trực thuộc T.Ư”. Do chưa có hướng dẫn thực hiện nên UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng sớm phúc đáp về việc thực hiện hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị với trường hợp TP.HCM sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP.
ĐÌNH SƠN
TNO