Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết đầu tiên về đại dịch
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi “hợp tác quốc tế” và “chủ nghĩa đa phương”. Trong khi đó, ngân hàng ADB dự báo về thiệt hại do COVID-19 và cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Á sẽ giảm mạnh.
Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết đầu tiên về đại dịch
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi “hợp tác quốc tế” và “chủ nghĩa đa phương”. Trong khi đó, ngân hàng ADB dự báo về thiệt hại do COVID-19 và cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Á sẽ giảm mạnh.
Trung Quốc tổ chức tưởng niệm các nạn nhân COVID-19
Chính phủ Trung Quốc ngày 3-4 cho biết nước này sẽ tổ chức hoạt động tưởng niệm những công dân đã thiệt mạng trong đại dịch COVID-19 vào ngày mai 4-4. Trong suốt khoảng thời gian này, Trung Quốc sẽ treo cờ rủ trên toàn quốc và tại tất cả đại sứ quán, lãnh sự quán ở nước ngoài.
Từ 10h sáng 4-4, người dân trên toàn quốc sẽ dừng mọi hoạt động để dành 3 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân, trong khi tiếng còi ôtô, tàu hỏa và thuyền sẽ vang lên cùng lúc. Tính đến ngày 3-4, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 81.620 ca nhiễm và 3.322 ca tử vong do COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Anh: Anh sẽ chạm đỉnh dịch trong vài tuần tới
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 3-4 cho biết đỉnh dịch COVID-19 ở Anh sẽ đến sớm hơn một chút so với dự đoán trước đây và sẽ đến trong vài tuần tới. Ông cũng nhấn mạnh đỉnh dịch sẽ phụ thuộc việc mọi người tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội ra sao.
Cùng ngày, chính phủ Anh cho biết họ đang gấp rút xây thêm các bệnh viện dã chiến giữa bối cảnh số ca nhiễm được dự đoán sẽ tăng nhanh, khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt.
Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết đầu tiên liên quan COVID-19
Ngày 3-4 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi “hợp tác quốc tế” và “chủ nghĩa đa phương” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế này về COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, theo hãng tin AFP.
Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đã đệ trình dự thảo nghị quyết này. Dự thảo đã nhận được sự phê chuẩn của 188/193 quốc gia thành viên.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh “sự cần thiết của việc tôn trọng quyền con người” và “không có chỗ cho bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại nào trong phản ứng với đại dịch”.
Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng mang tính thách thức nhất mà thế giới đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2”.
Không giống các nghị quyết được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, nghị quyết được Đại hội đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, nghị quyết này mang giá trị chính trị mạnh mẽ.
ADB: COVID-19 gây thiệt hại 4.000 tỉ USD
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3-4 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 4.100 tỉ USD, khi gây tác động mạnh lên Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế lớn khác. Tác động này tương đương với mức thiệt hại gần 5% GDP toàn cầu.
Báo cáo “Triển vọng phát triển của châu Á” công bố ngày 3-4 của ADB cũng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2020 sẽ giảm mạnh do COVID-19.
Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, so với mức dự báo 5,5% được ADB đưa ra vào tháng 9-2019. Tình hình sẽ phục hồi vào năm 2021.
Trung Quốc khuyên các nhà ngoại giao nước khác ngừng tới Bắc Kinh
Ngày 3-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các nhà ngoại giao nước khác nên ngừng đến Bắc Kinh sau khi Trung Quốc tạm thời cấm hầu hết người ngoại quốc tới nước này để ngăn dịch “tràn ngược” từ nước ngoài.
Bà Hoa nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nắm được thông tin một số nhà ngoại giao nước khác ở Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona chủng mới.
50% dân số toàn cầu ở nhà do COVID-19
Theo thống kê của hãng tin AFP, đến nay có hơn 3,9 tỉ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang được kêu gọi ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Các biện pháp – trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly – đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mới nhất là trường hợp Thái Lan, với lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 3-4, nâng tổng số người trên toàn cầu phải ở nhà vượt qua mốc 50% trong tổng số 7,8 tỉ dân.