27/01/2025

Đại dịch và xung đột

Đại dịch và xung đột

Bảo trợ chính trị, quân sự, kinh tế thì có thể được đấy. Nhưng đảm bảo chống được dịch COVID-19 cho các đồng minh thì có lẽ cho đến nay, chưa một cường quốc thế giới nào dám khẳng định làm được.

 

Đại dịch và xung đột - Ảnh 1.

Một binh sĩ thuộc lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chụp ảnh trong một cuộc biểu tình ở tỉnh Idlib, Syria hôm 15-3, nhằm phản đối thỏa thuận tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Reuters

khi đang phải cật lực đối phó với hiểm họa bệnh dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyib Erdogan về chiến sự ở Syria và Libya – đều liên quan trực tiếp đến chính quyền Ankara.

Hai nguyên thủ quốc gia đồng quan điểm cho rằng điều quan trọng hiện nay hơn bất cứ lúc nào hết, đối với các quốc gia đang có xung đột như tại Syria và Libya, là tôn trọng ngừng bắn và hành động tiến tới một giải pháp hòa bình.

Cho đến nay, chính quyền Syria mới chỉ công bố số người rất ít đã nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Nhưng công luận cảnh báo rằng chính quyền Damascus không kiểm soát được tình hình trong nước nói chung, nên không thể nắm bắt chính xác tình trạng lây nhiễm trong dân chúng. Đặc biệt tại tỉnh Idlib, nơi hiện có khoảng 1 triệu người lánh nạn đang tập trung ở khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong hoàn cảnh sống dưới mọi tiêu chuẩn tối thiểu.

Mặc dù đã có thỏa thuận ngưng bắn tại Idlib được ký kết giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan ngày 5-3, quân đội Syria vẫn luôn trong tình trạng quyết tâm thu hồi địa bàn cuối cùng này của lực lượng đối lập vũ trang. Thổ Nhĩ Kỳ, bên bảo trợ trực tiếp cho quân nổi dậy bị bao vây, đang phải gồng mình để bảo vệ lệnh ngưng bắn, nhằm tránh nguy cơ Idlib mất hoàn toàn vào tay quân chính phủ.

Còn ở Libya, chiến tranh ác liệt vẫn tiếp diễn giữa lực lượng của chính phủ chuyển tiếp được Liên Hiệp Quốc công nhận, đang cố thủ ở thủ đô Tripoli, với quân đội của tướng Khaleefa Hafta’r được sự trợ giúp và cảm thông từ một số quốc gia Ả Rập và châu Âu, kể cả Nga. Trong hoàn cảnh chiến sự hỗn mang như áp sát thủ đô như thế, chính phủ chuyển tiếp ở Tripoli chỉ chăm chăm tìm cách tồn tại, làm gì còn tâm trí nào mà nghĩ tới đại dịch!

Một lệnh ngưng bắn cũng đã được thỏa thuận tại Libya. Nhưng chiến sự chưa một ngày nào ngưng ở khu vực bao quanh thủ đô nước này. Bên chủ động không tôn trọng lệnh ngừng bắn có Nga là đồng minh. Bên đang bị tấn công lại được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.

Thế là, ở cả Syria và Libya đều có xung khắc gián tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ở cả hai chiến trường này, Thổ Nhĩ Kỳ đều bảo vệ bên bị tấn công và đang phải đối phó với nguy cơ thua cuộc.

Tổng thống Erdogan, với vai trò bảo trợ chính cho cả hai lực lượng đang thất thế ở Syria và Libya, lại phải cầu cạnh đến vai trò của Mỹ, bám lấy nguy cơ bệnh dịch để kêu gọi “tôn trọng ngừng bắn” ở Syria và Libya. Thực chất của lời kêu gọi này nhắm đến Nga – bên bảo trợ cho cả hai thế lực đang nắm thế thượng phong trong xung đột ở hai quốc gia Ả Rập trên.

Erdogan phải cầu cạnh đến Trump trong hoàn cảnh này bởi chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang vật lộn khốn khổ với COVID-19. Nga cũng không giàu mạnh đến mức có thể bao cả cho thế lực mà họ đỡ đầu ở Syria và họ ủng hộ ở Libya để đảm bảo miễn nhiễm với đại dịch.

Bảo trợ chính trị, quân sự, kinh tế thì có thể được đấy. Nhưng đảm bảo chống được dịch COVID-19 cho các đồng minh thì có lẽ cho đến nay, chưa một cường quốc thế giới nào dám khẳng định làm được.

Bởi thế, cầu cạnh vào vai trò của Mỹ ở Syria và Libya, lấy cớ chống đại dịch, có lẽ không giúp gì cho Erdogan khi chủ đích là cứu vãn các đồng minh mà Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo trợ ở hai quốc gia Ả Rập này.

Nhân tố quyết định để giảm thiểu thảm họa trước nguy cơ COVID-19 ở Syria và Libya, cũng như tại các quốc gia đang có xung đột quân sự khốc liệt khác, như Afghanistan, Yemen…, chính là các lực lượng tranh chấp nội tại ở những quốc gia ấy.

Tận dụng khi cả thế giới đang ngụp lặn trong đại dịch, các cường quốc cũng đang vật lộn tự cứu mình, để đẩy mạnh chiến tranh, mong giành phần thắng về mình là hành động tội ác kinh tởm, dù là từ phía nào.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
TTO