24/12/2024

Căng thẳng quân sự tăng cao ở eo biển Đài Loan

Căng thẳng quân sự tăng cao ở eo biển Đài Loan

Giữa cao trào dịch bệnh Covid-19, tình hình Đài Loan vẫn tiếp tục căng thẳng sau hàng loạt hoạt động quân sự từ nhiều phía.
KJ-500 của Trung Quốc, loại máy bay tham gia tập trận gần Đài Loan vào giữa tháng 3 /// Chinamil.com.cn

KJ-500 của Trung Quốc, loại máy bay tham gia tập trận gần Đài Loan vào giữa tháng 3  Chinamil.com.cn
Ngày 31.3, trang thông tin Focus Taiwan đưa tin Mỹ đã có tổng cộng 4 lần điều chiến đấu cơ bay qua khu vực gần Đài Loan trong tháng 3. Các lần hoạt động này được triển khai với nhiều loại máy bay quân sự khác nhau, từ máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho đến oanh tạc cơ chiến lược B-52, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135… Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã điều động tàu khu trục USS McCampbell ngày 25.3 có mặt tại khu vực gần Đài Loan, khiến Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Washington đang “trêu chọc” Bắc Kinh.

Tập trận răn đe lẫn nhau

Theo giới quan sát, những động thái trên của Washington nhằm “cảnh báo” và “răn đe” Trung Quốc đại lục, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc do tình hình quanh eo biển Đài Loan căng thẳng.
Ngày 30.3, tờ South China Morning Post dẫn lời quan chức cấp cao của Lực lượng phòng vệ Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẵn sàng đối phó bất cứ cuộc tấn công nào do Bắc Kinh phát động, ngay cả khi đang phải ứng phó với dịch Covid-19.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã phải điều động máy bay chiến đấu để can thiệp, ngăn chặn một cuộc tập trận không quân Trung Quốc thực hiện ở gần đảo Đài Loan vào khuya 16.3, với sự tham gia của các tiêm kích J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500. Liên quan không quân, hồi tháng 2, Đài Loan cũng đã điều chiến đấu cơ ngăn chặn một cuộc tập trận khác của không quân Trung Quốc. Cụ thể, máy bay tiêm kích F-16 đã xuất kích để “kiềm chế” các máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc triển khai tập trận gần đảo Đài Loan. Tính trong tháng 2.2020, Trung Quốc có đến 3 lần điều động chiến đấu cơ gồm nhiều loại tham gia các cuộc tập trận “sát nách” Đài Loan.
Đến ngày 24.3, CNA đưa tin Đài Loan vừa tiến hành tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ F-16. Nội dung tập trận là tổ chức đánh chặn từ xa, với mục tiêu mô phỏng là một cuộc tấn công quy mô lớn được tiến hành bởi Trung Quốc.
Căng thẳng quân sự tăng cao ở eo biển Đài Loan1

Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan xuất kích tập trận hồi cuối tháng 3  Ảnh: MNA

Căng thẳng kéo dài

Trả lời Thanh Niên ngày 1.4 về tình hình Đài Loan, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định kể từ khi bà Thái Anh Văn làm lãnh đạo Đài Loan, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép lên Đài Bắc. Trung Quốc đại lục thuyết phục một số đảo quốc ở nam Thái Bình Dương như Solomon, Kiribati, Vanuatu thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan chuyển sang Trung Quốc đại lục. Tháng 11.2019, tàu sân bay Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan như một cách thể hiện sức mạnh quân sự. Những diễn biến này không hề dịu đi ngay cả khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Bắc Kinh đã cản trở Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chỉ đồng ý sau khi có tác động từ Mỹ cùng Nhật Bản. Đến cuối tháng 3, tàu Trung Quốc đại lục đã đâm vào tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Đài Loan.
“Giữa các diễn biến trên, Mỹ đã tăng cường hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Đài Bắc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan. Nhật Bản cũng đã phối hợp khắng khít hơn với Đài Loan trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc. Trong công tác ứng phó dịch bệnh, Đài Loan điều động máy bay giúp sơ tán công dân Nhật khỏi Peru, còn Nhật thì dùng máy bay sơ tán người dân Đài Loan khỏi Ấn Độ”, TS Nagao chia sẻ.

Giai đoạn cực kỳ bất ổn

Cùng ngày 1.4, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá quan hệ quanh eo biển Đài Loan đang bước vào giai đoạn cực kỳ bất ổn. Theo ông, thành công của Đài Loan trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh của Trung Quốc đại lục vốn bị thiệt hại rất nặng.
“Trong bối cảnh như vậy, cùng với việc Mỹ thông qua đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan, Bắc Kinh có thể sẽ chuyển hướng dư luận sang Đài Loan nhằm che mờ đi các vấn đề kinh tế, xã hội nội tại của đại lục. Chính vì thế, Đài Bắc trong giai đoạn hiện nay phải khôn khéo ứng xử để phòng bị việc Bắc Kinh củng cố quyền kiểm soát đối với đảo này”, PGS Nagy nhận định.
Các hợp đồng vũ khí “khủng”
Tháng 3, trong bối cảnh căng thẳng quanh eo biển Đài Loan, tờ Hoàn Cầu thời báo đã có bài viết chỉ trích về các hợp đồng vũ khí mà Washington cung cấp cho Đài Bắc. Cụ thể, giữa năm ngoái, Mỹ đã lần lượt thông qua 2 hợp đồng vũ khí bán cho Đài Loan với giá trị lớn. Trong đó, một hợp đồng giá trị khoảng 2,2 tỉ USD bao gồm 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams và 250 tên lửa đối không Stinger. Hợp đồng thứ hai trị giá hơn 8 tỉ USD gồm 66 chiến đấu cơ F-16 thuộc thế hệ mới.
NGÔ MINH TRÍ
TNO