Bắc Cực ‘nóng’ theo cạnh tranh Nga – Trung
Bắc Cực ‘nóng’ theo cạnh tranh Nga – Trung
Sự phụ thuộc và cạnh tranh lẫn nhau làm cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực trở nên phức tạp và khó lường trước.
Theo tờ The New York Times, Ủy ban Khoa học quốc tế về Bắc Cực ra thông báo Tuần lễ Hội nghị khoa học Bắc Cực sẽ chuyển sang tổ chức trực tuyến từ 27.3 – 2.4. Hoạt động nghiên cứu ở Bắc Cực đang bị dịch Covid-19 làm lắng xuống, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thiết lập ảnh hưởng tại khu vực này vẫn luôn căng thẳng, nhất là khi có thêm “tay chơi” Trung Quốc.
“Ngựa thành Troy” của Bắc Kinh
Không có bất kỳ phần lãnh thổ nào ở Bắc Cực, nên nghiên cứu khoa học là “ngựa thành Troy” giúp Trung Quốc đường đường chính chính có mặt ở vùng đất đang “nóng lên” này.
“Hợp tác khoa học đã mở đường cho sự tham gia của Trung Quốc vào Bắc Cực theo cách ít bị đe dọa hơn. Chúng ta cần phải hiểu được Trung Quốc tìm kiếm lợi ích gì ở đó”, tờ New Eastern Europe hôm cuối tháng 3 dẫn lời GS Rasmus Bertelsen, Đại học Bắc Cực Na Uy, nhận xét. Tự gọi mình là một quốc gia “cận Bắc Cực”, Trung Quốc cho rằng những thay đổi ở Bắc Cực có tác động rõ rệt đến hạ lưu nước này và Bắc Kinh cần có vai trò lớn hơn trong các vấn đề Bắc Cực.
Năm 2018, Trung Quốc ban hành Chính sách Bắc Cực như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. Vào giữa tháng 10.2019, tàu phá băng đầu tiên của Bắc Kinh là Tuyết Long 2 lên kế hoạch hỗ trợ cho chuyến thám hiểm MOSAiC – dự án nghiên cứu Bắc Cực được 20 quốc gia tài trợ trong đó có Trung Quốc. Trang bị các hệ thống giám sát và hải dương học tiên tiến để thực hiện các cuộc khảo sát dưới đáy biển và tài nguyên, Tuyết Long 2 có nhiệm vụ thúc đẩy ngoại giao khoa học tại khu vực Bắc Cực và Nam Cực.
Trung quốc vừa hợp tác…
Dẫu có động thái không ủng hộ sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực từ những ngày đầu, Nga dần cho thấy sự hợp tác nhiều hơn giữa hai nước đối với lợi ích khổng lồ của vùng này.
Khoảng 70% trữ lượng dầu khí của Nga ở trên lục địa ngoài khơi (chủ yếu ở Bắc Cực). Thứ hai, Nga có vị trí tốt trong việc phát triển các tuyến vận chuyển qua Bắc Cực khi lớp băng vĩnh viễn tan dần, giúp kết nối Đông Á và Tây Âu nhanh hơn 10 ngày so với tuyến đường Ấn Độ đi qua kênh đào Suez.
Liên quan chính sách Bắc Cực trong sáng kiến Vành đai và Con đường, nội dung của chính sách này dựa trên những lập luận chính được Viện Nghiên cứu Bắc Cực phân tích: vị trí địa lý của Bắc Cực nghiêng về châu Á và Trung Quốc có thể xem như quốc gia có liên quan, một phần của Bắc Cực là “tài sản” chung toàn cầu và Trung Quốc có quyền phát triển cũng như bảo vệ nó và cuối cùng là Trung Quốc có quyền thăm dò, nghiên cứu, khai thác ở khu vực đặc quyền kinh tế chung.
Sau khi bị Mỹ và EU liên tiếp cấm vận, Nga đã chuyển hướng sang xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc.
“Mặc dù Nga và Trung Quốc có thể là đối thủ cạnh tranh về tài nguyên và ảnh hưởng ở Bắc Cực nhưng họ đã bắt đầu hợp tác vì như vậy, họ mới có thể đánh bại phương Tây”, tờ The New York Times dẫn lời TS Agnia Griga, chuyên gia năng lượng ở Washington (Mỹ), nhận định.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã mua hơn 20% cổ phần dự án khai thác khí tự nhiên hóa lỏng Yamal (LNG) của Công ty Novatek của Nga, dự kiến cung cấp ít nhất 3 triệu tấn LNG mỗi năm cho Trung Quốc. Hằng năm, khoảng 200 triệu m3 gỗ xẻ và nguyên liệu thô khai thác ở vùng Viễn Đông cũng được xuất khẩu bằng tàu hỏa sang Trung Quốc.
Hai nước gần đây tuyên bố sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu chung để quan sát những thay đổi về băng đá dọc tuyến đường biển phía bắc.
…vừa cạnh tranh với Nga
Liên quan vấn đề trên, tờ The Diplomat đánh giá lợi ích Bắc Cực về địa lý không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với Bắc Kinh mà là tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc sẽ luôn luôn tăng lên, nhưng khả năng xuất khẩu của Nga là có hạn và họ không thể phụ thuộc vào đó mà buộc phải tìm cách sở hữu nhiều tài nguyên hơn.
Cơ quan Quản lý Bắc Cực và Nam Cực (CAA) và Viện Hải dương học đầu tiên (FIO), đều trực thuộc quản lý của Bộ Tài nguyên thiên nhiên (MNR) – cơ quan được Bắc Kinh thành lập tháng 3.2018. Năm 2019, FIO dẫn đầu chuyến thám hiểm, lắp đặt các cảm biến trên khắp Bắc Cực để cung cấp giám sát liên tục.
Tháng 6.2018, Bắc Kinh xây dựng kế hoạch chế tạo tàu phá băng 3.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên, biến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất ngoài Nga vận hành tàu phá băng hạt nhân. Một số chuyên gia cho rằng đây là bước đệm cho sự phát triển của tàu sân bay hạt nhân Type 003 đang được chế tạo sơ bộ.
Những nâng cấp đáng kể về tàu phá băng và kinh nghiệm của Trung Quốc ở các vùng cực sẽ không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào tàu hộ tống tàu phá băng của Nga, mà còn có thể mang lại cơ hội cạnh tranh thị phần. Hoạt động tàu hộ tống, dẫn đường do Nga nắm thế độc quyền từ lâu đang gặp khó vì thiếu vốn nâng cấp đội tàu cũ.
Ngoài ra, hàng trăm triệu người Trung Quốc sống ở khu vực biên giới, vùng Viễn Đông Nga có diện tích bằng 2/3 toàn bộ Trung Quốc, nhưng dân số chỉ có 6 triệu người và đang giảm dần.
NGỌC MINH KHUÊ
TNO