15/11/2024

Nên tính miễn giảm chứ không chỉ giãn thuế mùa dịch

Nên tính miễn giảm chứ không chỉ giãn thuế mùa dịch

Nhiều ý kiến mong mỏi Việt Nam (VN) cần xem xét cách tiếp cận của các gói hỗ trợ khi tình hình đã thay đổi nhiều. Nên miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế, chứ không chỉ gia hạn.

 

Nên tính miễn giảm chứ không chỉ giãn thuế mùa dịch - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiêp vận tải đang gặp khó khăn. Trong ảnh: bến xe Miền Đông, TP.HCM vắng khách đến mua vé – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuối tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Mong chính sách mạnh mẽ hơn

Ông V.V.L., chủ Công ty CP du lịch và vận tải L.V (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chia sẻ từ đầu tháng 3 phải cho 23 lao động tạm nghỉ việc vì không lấy đâu ra nguồn để trả lương. Thực tế, hai tháng nay doanh nghiệp (DN) không nộp đồng thuế nào vì không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chi trả nhiều chi phí, lãi vay ngân hàng…

Tìm mọi cách để cứu DN, ông V.V.L. cho hay đã xem rất kỹ quy định của Bộ Tài chính về miễn giảm, gia hạn tiền thuế và công văn 897 để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 mà Tổng cục Thuế vừa ban hành. Tuy nhiên, để được gia hạn tiền thuế thì DN phải bị thiệt hại, tổn thất về tài sản như máy móc, thiết bị, nhà xưởng và phải quy ra được bằng tiền, phải nộp biên bản kiểm kê…

“DN không thể đáp ứng. Vì doanh thu không có đồng nào. Khi Sơn Lôi bị phong tỏa thì đối tác còn từ chối nhận chứng từ dù chuyển phát nhanh” – ông V.V.L. than thở.

Do đó, ông V.V.L. mong muốn Chính phủ cần có giải pháp mạnh tay hơn, như miễn giảm tiền thuê đất. Việc gia hạn tiền đất mà đến cuối năm vẫn phải đóng thì DN chưa biết lấy nguồn ở đâu. Ngay việc gia hạn thời gian nộp thuế VAT nhiều DN chả được lợi gì vì có bán được hàng hóa, dịch vụ đâu. Với lãi suất ngân hàng giảm 1% nhưng vẫn ở mức 7%/năm là áp lực rất lớn với DN.

Tiết kiệm chi để hỗ trợ “tiền tươi”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Chiểu – ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội – cho rằng giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất với nền kinh tế và DN lúc này là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Chính phủ nên tính toán, cân nhắc có gói hỗ trợ người lao động ở khu vực DN khi họ bị giảm thu nhập do giảm giờ làm, DN đóng cửa.

“Về tiền hỗ trợ chi an sinh xã hội, cho người lao động, Chính phủ có thể lấy từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước, từ tiết kiệm chi… Hiện các nước từ lớn mạnh nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc… đến các nước láng giềng như Singapore hay cả Campuchia cũng đã tuyên bố các biện pháp bằng các gói “tiền tươi thóc thật” để giúp DN chi lương cho công nhân khi sản xuất bị đình trệ rồi” – ông Chiểu gợi mở.

L.THANH
TTO