Trung Quốc đang mạo hiểm khi tái khởi động kinh tế giữa dịch?

Trung Quốc đang mạo hiểm khi tái khởi động kinh tế giữa dịch?

Liệu Trung Quốc có thể khởi động lại guồng máy kinh tế khổng lồ của họ mà không làm dịch COVID-19 bùng lên trở lại? Cả thế giới đang nhìn vào quốc gia này để tìm câu trả lời cho mình.

 

Trung Quốc đang mạo hiểm khi tái khởi động kinh tế giữa dịch? - Ảnh 1.

Công nhân đóng gói hàng ở một trung tâm hậu cần tại Bắc Kinh ngày 12-3 – Ảnh: Xinhua

Hôm nay 25-3, Trung Quốc dỡ lệnh phong tỏa tâm dịch Hồ Bắc, đánh dấu cột mốc đưa cuộc sống trên cả nước trở lại bình thường. Đây có thể nói là một canh bạc đắt đỏ vì không ai biết dịch COVID-19 có bùng lên lại không khi hơn 1,4 tỉ dân bắt đầu di chuyển.

Nếu thành công, Trung Quốc sẽ giảm được thiệt hại về kinh tế, nhưng nếu thua thì công cuộc chống dịch sẽ quay lại từ đầu với những tổn thất không thể đo đếm.

Bài toán nan giải Trung Quốc đang đối mặt cũng là thứ “giày vò” phần còn lại của thế giới: Nên phong tỏa, giới nghiêm trong bao lâu khi mà nguy cơ suy thoái đã đến trước cửa nhà, hàng triệu công ăn, việc làm đang biến mất theo mỗi ngày trôi qua…?

Không thể chịu đựng thêm

Nhờ các biện pháp cứng rắn áp dụng từ cuối tháng 1-2020, Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được tâm dịch Hồ Bắc, nhưng chế độ phong tỏa nghiêm ngặt cũng làm đóng băng phần lớn hoạt động sản xuất ở nền kinh tế số 2 thế giới.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc sẽ giảm 9% trong quý 1-2020, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục.

Theo nhà phân tích Laura He của Đài CNN, Chính phủ Trung Quốc hiểu rõ các biện pháp chống dịch phải trả giá bằng sức khỏe của nền kinh tế, nhưng thời điểm này là lúc sự chịu đựng đã vượt qua giới hạn.

“Tổn thất kinh tế đã trở nên không thể chịu nổi… Nhưng Chính phủ Trung Quốc cần thận trọng, tôi không nghĩ tái khởi động kinh doanh, sản xuất ngay khi con virus mới được kiểm soát là điều nên làm”, ông Xingdong Chen, kinh tế trưởng của Ngân hàng BNP Paribas, nhận xét.

Theo diễn biến mấy ngày qua, truyền thông Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục các doanh nghiệp rằng “cuộc sống đã trở lại bình thường”, mặc dù chính Bắc Kinh cũng thừa nhận rủi ro vẫn còn.

Có 2 nguy cơ chính: một là Trung Quốc “nhập khẩu” virus từ nước ngoài, hoặc khả năng mầm bệnh vẫn chưa bị dập hoàn toàn trong các cộng đồng.

“Theo nhận định của chúng tôi, nguy cơ dịch COVID-19 đợt 2 ở Trung Quốc đang gia tăng” – ông Ting Lu, kinh tế trưởng Trung Quốc của hãng tài chính Nomura, viết trong một báo cáo gần đây.

Trung Quốc đang mạo hiểm khi tái khởi động kinh tế giữa dịch? - Ảnh 2.

Dân văn phòng mang khẩu trang trên đường phố Bắc Kinh ngày 12-3 – Ảnh: CNN

Phương Tây nhìn về Trung Quốc

Hiện tại không thể biết quy mô “tái khởi động” của Trung Quốc đang ở mức nào nếu chỉ dựa trên vài dữ liệu công bố, nhất là khi giờ đây các thị trường xuất khẩu lớn của họ như Mỹ, châu Âu… đang gần như đóng băng.

Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo áp lực nối lại sản xuất và nỗi lo dịch bùng lên trở lại có thể làm méo mó bức tranh thực tế.

Theo các tờ báo Caijing và Caixin, một số công ty ở tỉnh Chiết Giang – nơi Chính phủ Trung Quốc nói sản xuất công nghiệp đã hồi phục – thực chất chỉ… mở đèn và cho máy chạy không để cho thấy là họ có sử dụng điện. Dù có muốn hoạt động lại, các công ty này cũng không kiếm đâu ra công nhân.

“Quan chức địa phương và doanh nghiệp biết rõ họ sẽ bị chính phủ trừng phạt nặng nếu để bệnh lây lan, một số chọn cách an toàn là trì hoãn việc nối lại sản xuất” – ông Victor Shih, giáo sư Đại học California, giải thích.

Dù sao đi nữa, việc Trung Quốc nhanh chóng vượt qua giai đoạn 1 của dịch COVID-19 cũng mang lại một chút hi vọng cho các quốc gia đang gặp khủng hoảng. Cách ly, phong tỏa là cần thiết, nhưng chính các biện pháp này đang đẩy thế giới vào suy thoái, nếu không muốn nói là khủng hoảng kinh tế.

Tương tự Trung Quốc, các quốc gia khác đang cân nhắc những đánh đổi khổng lồ khi chống dịch. Ở Mỹ – quốc gia có số người nhiễm chưa qua đỉnh như Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra mất kiên nhẫn, ông nói Mỹ phải mở cửa làm ăn lại “rất sớm” dù dịch “sẽ còn tồi tệ hơn”.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến hầu hết các chính phủ trên thế giới áp dụng các chính sách kích cầu như Trung Quốc đã làm, bao gồm đầu tư vào hạ tầng, chăm sóc y tế, giảm thuế…”, nhà nghiên cứu David Dollar thuộc Viện Brookings (Mỹ) dự báo.

Nhưng mô hình Trung Quốc chỉ gợi ý được đến chừng ấy, các chuyên gia nhận xét trên thế giới chỉ có mỗi nước này làm được những gì họ đã làm. Đặc thù chính trị, kinh tế, hạ tầng… là những yếu tố quyết định.

“Ở phương Tây, thách thức là làm sao thuyết phục người dân đi mua sắm, ăn uống, xem phim… thay vì dồn công nhân trở lại nhà máy như Trung Quốc. Đầu tư công chiếm ưu thế ở Trung Quốc và có thể dùng để kích thích nền kinh tế, nhưng ở phương Tây kinh tế tư nhân mới là chìa khóa, và nó phụ thuộc vào người tiêu dùng”, GS Shih của ĐH California giải thích.

PHÚC LONG
TTO