Giá dầu thế giới đến hôm qua (25.3) tăng nhẹ so với cuối tuần trước, nhưng vẫn ở mức thấp, dao động từ 25 – 30 USD/thùng.
Trước diễn biến “lao đốc” của giá dầu, trong văn bản đánh giá tác động của
dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp (DN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết DN này đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động kép giá dầu giảm và dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu năm 2020 ước tính sẽ bị mất khoảng 2,35 tỉ USD do giá dầu từ 60 USD/thùng (thời điểm lên kế hoạch doanh thu năm 2020) nay đã xuống dưới 30 USD/thùng. Theo đó, nộp ngân sách của PVN ước giảm 800 triệu USD. Ngoài ra, PVN cũng cho biết việc khai thác dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp như hiện nay là thiệt hại về kinh tế, nên khi lên phương án nhập khẩu vì giá dầu thấp, cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng hay giảm.
Giá giảm, mua vào
PGS-TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính – Học viện Tài chính, đồng ý với phương án nhập khẩu dầu thô dự trữ lúc này và lấy dẫn chứng ngay cả nước Mỹ còn tính phương án tăng nhập khi giá dầu thô thấp để dự trữ. Ông Cường nhận xét: “Quan trọng là cân đối
tài chính của DN thế nào. Theo tôi, giá dầu hiện tại đã quá thấp rồi, cũng khó có thể thấp hơn nữa do ảnh hưởng từ dịch cúm đã kéo dài 2 tháng nay”. Ngoài việc đồng tình quan điểm tăng mua dự trữ, PGS-TS Cường cũng cho rằng chi phí sản xuất dầu của Việt Nam và một số nước hiện đang cao hơn giá dầu của thế giới, nên việc giảm sản lượng khai thác lúc này cũng nên được tính toán song song.
Quan điểm chung của tôi là giá giảm sâu, mua vào, giảm nữa, mua vào tiếp. Giá hiện tại rất rẻ, tại sao lại không mua trong khi chi phí khai thác nay đã cao hơn giá mua vào rồi.
Ông Nguyễn Nam Sơn, chuyên gia tư vấn đầu tư
Là nhà đầu tư tài chính quốc tế, ông Nguyễn Nam Sơn, chuyên gia tư vấn đầu tư – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partner, cũng ủng hộ việc tăng mua dự trữ dầu lúc này. Ông nhận định giá dầu trước đây là mức giá hợp lý, còn mức giá hiện tại hoàn toàn không hợp lý chút nào cả. Thế nên, dựa trên một điều không hợp lý để đưa ra quyết định đầu tư tính ra lại hợp lý. “25 USD/thùng, giá dầu thế giới hiện tại cực kỳ hấp dẫn, hiếm khi nào giá lại giảm sâu đến vậy. Tôi luôn nhìn thị trường với cái nhìn dài hạn 3 – 5 năm, nên thị trường lúc này nếu có nguồn tài chính tốt, nên chọn mặt hàng nhiên liệu để đầu tư”, ông Sơn nói.
Ông Vũ Sỹ Cường nói thêm nhu cầu đi lại giảm là có thực, nhưng chỉ với máy bay. Còn ô tô, tàu thủy vẫn phải hoạt động, không phải ngưng hẳn, nên giá dầu nếu có cuộc họp thỏa thuận thành công giữa các nhà khai thác dầu mỏ thế giới, rất khó giảm sâu hơn.
Nhập lãi ít còn hơn xuất lỗ
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, người có hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư cho các tập đoàn đa quốc gia, phân tích khối lượng mua phụ thuộc vào sức chứa của kho và diễn biến thị trường. Quan trọng là vốn, nếu vốn đi vay, mua dự trữ sau vài tháng dầu vẫn chưa tăng mà còn giảm hoặc đi ngang thì rủi ro sẽ rất lớn, chưa tính biến động tỷ giá.
“Dầu cũng như vàng, khi giảm tăng mua vào là điều tốt. Trong đầu tư, lý tưởng là chờ giá về đáy để mua, nhưng giá dầu hiện nay không ai dám chắc là đáy nằm ở đâu, cận đáy thì có thể, nên nói chờ xuống đáy mới mua là điều không tưởng”, ông Trần Sĩ Chương nói.
Cũng cho rằng mua trữ dầu lúc giá giảm là tốt, hợp lý, nhưng một chuyên gia
kinh tế là thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ cũng nhấn mạnh đến yếu tố rủi ro. “Nếu giá dầu thế giới còn tiếp tục giảm nữa, về 15 USD, hay 10 USD mỗi thùng là DN sẽ thua trắng. Điều này vẫn có thể xảy ra. Vì thế phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định chuyển từ xuất sang nhập dầu thô”, vị này khuyến cáo.
NGUYÊN NGA
TNO