26/12/2024

Gói kích thích kinh tế: Chống dịch trước, lo kinh tế sau

Gói kích thích kinh tế: Chống dịch trước, lo kinh tế sau

Việc thực thi gói hỗ trợ kích thích kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp cũng như đời sống người dân như hiện nay rõ ràng là chuyện cần thiết. Nhưng làm sao cho hiệu quả?

 

 

Gói kích thích kinh tế: Chống dịch trước, lo kinh tế sau - Ảnh 1.

Ống xét nghiệm virus corona chủng mới – Ảnh: Reuters

Những ngày qua, thông tin chính quyền các nước tung ra gói hỗ trợ kinh tế trong đại dịch COVID-19 gần như xuất hiện liên tục, thậm chí nhiều nước đã tung ra gói cứu trợ lần thứ hai. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: liệu những gói kích thích đó sẽ phát huy tác dụng đến đâu nếu dịch bệnh chưa được chặn đứng?

Bài học từ nước ngoài cho thấy nguy cơ lớn nhất với nền kinh tế của chúng ta là không làm mọi điều có thể để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Bà Rebecca White (lãnh đạo Công Đảng ở bang Tasmania, Úc)

Hỗ trợ doanh nghiệp, cứu trợ người dân

Theo trang Axios, Nhà Trắng đang đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản ngân sách lên tới 1.000 tỉ USD cho gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.

Để so sánh, Chính phủ Mỹ từng đưa ra mức cam kết ban đầu gói cứu trợ hơn 900 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế nước này trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.

Theo Đài PBS, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh rằng nếu Quốc hội hành động đủ nhanh, người dân Mỹ sẽ được nhận tiền (có thể lên tới 1.000 USD mỗi người) trong hai tuần tới đây. Tổng số tiền chi cho khoản này, theo trang Axios, vào khoảng 500 tỉ USD và dự kiến chia làm hai đợt 6-4 và 18-5.

Việc hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình và người lao động cũng đã được nhiều chính phủ tính tới. Theo Đài Channel NewsAsia, Chính phủ Nhật đang xem xét đề xuất hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình như một phần của gói kích thích kinh tế hơn 30.000 tỉ yen (hơn 276 tỉ USD) của nước này.

Để so sánh, tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật đã đề xuất gói kích thích kinh tế 26.000 tỉ yen để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến Mỹ – Trung với nền kinh tế vốn lệ thuộc vào xuất khẩu của Nhật.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura cho biết gói kích thích này chắc chắn sẽ được Chính phủ lên kế hoạch chi tiết trong tháng 4. Ông Nishimura cho rằng đây sẽ là chính sách đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 mà theo ông, mức độ nghiêm trọng của nó có lẽ còn lớn hơn cả sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngày 13-3, Indonesia cũng công bố gói kích thích kinh tế khẩn cấp thứ hai trị giá 8 tỉ USD sau khi đã tung gói cứu trợ lần đầu trong tháng 2 với 725 triệu USD. Trong gói kích thích mới nhất của Indonesia có 324 triệu USD hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp.

“Chúng tôi sẽ không để ai phải ở lại phía sau”, Hãng tin AA dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez, ngày 17-3 khi công bố gói cứu trợ 220 tỉ USD (tương đương 1/5 GDP). Chính phủ Tây Ban Nha cam kết tất cả những người kinh doanh cá thể bị sập tiệm vì dịch bệnh sẽ nhận được sự giúp đỡ đặc biệt.

Ngoài ra, gói cứu trợ cũng bao gồm chính sách hoãn nợ mua nhà trả góp, đảm bảo cung cấp đủ điện, nước, Internet cho những hộ gia đình khó khăn…

Tại Canada, khoản tiền cứu trợ kinh tế có một phần quyền lợi chăm sóc khẩn cấp cho những người lao động không đủ tiêu chuẩn hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng bị bệnh COVID-19, bị cách ly y tế hoặc phải chăm sóc người thân trong nhà mắc COVID-19. Khoản hỗ trợ này sẽ được trả hai tuần một lần và liên tục trong 14 tuần với mức giá trị tương đương với tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Ottawa cũng dành tới 3,8 tỉ CAD (2,64 tỉ USD) tiền trợ cấp các doanh nghiệp nhỏ theo hình thức hỗ trợ lương tạm thời, tương đương 10% mức lương các doanh nghiệp này trả cho nhân viên, trong 3 tháng để giữ chân những người lao động thuộc diện hưởng lương thường xuyên của công ty. Khoản trợ cấp này tối đa 1.375 CAD (957 USD) với mỗi người lao động và tối đa 25.000 CAD (17.401 USD) với chủ doanh nghiệp.

Gói kích thích kinh tế: Chống dịch trước, lo kinh tế sau - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KHANH

Lo thâm hụt ngân sách, tăng nợ công

Tờ New Strait Times (Malaysia) dẫn lời ông Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hồi giáo Malaysia Berhad, khuyến cáo rằng chỉ số quản lý sức mua (PMI) – một chỉ số quan trọng đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất ở cấp độ toàn cầu – đã giảm xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 2.

Điều này cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đang cảm thấy bi quan về viễn cảnh kinh tế toàn cầu trước ảnh hưởng tiêu cực và khó lường của dịch bệnh. “Điều này có nghĩa các doanh nghiệp có thể sẽ không tăng thêm nhân sự và tạm ngừng triển khai các khoản chi phí đầu tư lúc này” – ông Abdul Rashid nói tiếp.

Gần nhất, theo trang Taslabor, lãnh đạo Công đảng ở bang Tasmania (Úc), bà Rebecca White, nhấn mạnh rằng sẽ không có gói kích thích kinh tế nào có thể bảo vệ bang này khỏi dịch bệnh COVID-19 trừ khi nó được triển khai đồng thời với những biện pháp khả thi mạnh mẽ nhất để ngăn chặn dịch bệnh.

Bà White nói chính quyền phải “hành động nhanh chóng, quyết liệt để bảo vệ biên giới, buộc những người nhập cảnh tự cách ly 14 ngày, giảm tụ tập đông người và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng tự cách ly”.

Theo đó, bà cảnh báo nếu không thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bằng các biện pháp quyết liệt đó, tình thế “sẽ biến gói kích thích kinh tế thành gói hồi phục kinh tế, với những tổn thất không tính hết trong quá trình đó”.

D. KIM THOA
TTO