Xuất khẩu khó khăn vì nhiều đơn hàng bị hoãn, giãn, huỷ
Xuất khẩu khó khăn vì nhiều đơn hàng bị hoãn, giãn, huỷ
Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định chưa có chuyện các cơ quan chức năng của EU, Mỹ cấm hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhưng thực tế là nhiều đơn hàng bị hoãn, huỷ, lùi do khó khăn của dịch bệnh.
Chiều 20.3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi làm việc với các vụ, cục thuộc bộ để bàn biện pháp đối phó với tình trạng sản xuất, xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu.
Theo ông Tuấn Anh, trong 2 – 3 ngày vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông trong nước lẫn quốc tế đ̀ề cập nhiều đến sự sụt giảm các đơn hàng với dệt may, da giày của Việt Nam, nhất là đi các thị trường lớn như EU, Mỹ.
“Thực tế thì chưa có chuyện cấm của cơ quan chức năng từ EU, Mỹ nhưng đúng là đã có thực tế các đơn hàng từ khu vực này đang bị hủy, hoãn, lùi trong khi để có thêm đơn hàng mới rất khó khăn”, ông Tuấn Anh nói và cho biết thêm, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may chỉ 6%, trong khi cùng kỳ các năm khác đều ở mức 2 con số.
Cũng trong 2 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt 8,4%, trong đó các ngành hàng chế biến chế tạo vẫn tăng tốt, thậm chí tốt hơn cùng kỳ, song đã cho thấy “nguy cơ rất lớn” với một số ngành trọng điểm của Việt Nam, không chỉ là da giày mà còn nông thuỷ sản, đồ gỗ.
“Đây là thách thức lớn bởi bất luận trường hợp nào cũng phải dành ưu tiên cao phát triển thị trường này. Nó không chỉ là khu vực đóng góp lớn tăng trưởng mà còn là đảm bảo đời sống người dân”, ông Tuấn Anh bày tỏ.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết thêm với dệt may, thị trường Mỹ và EU chiếm tới 70%. Do đó, lúc này để duy trì đơn hàng tối thiểu cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo cho việc duy trì sản xuất tối thiểu cũng là vấn đề khó.
Đặc biệt, đây là khối có rất nhiều lao động, với con số hàng triệu người nên an sinh xã hội với doanh nghiệp dệt may da giày là vấn đề rất lớn. “Tình trạng dừng đơn hàng cũng bắt đầu xảy ra với ngành đồ gỗ nhưng có đỡ hơn. Sắt thép, ô tô cũng giảm vì nhu cầu trong nước giảm”, ông Hoài bổ sung.
Ngoài ra, theo ông Hoài, hiện Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi sản xuất nên càng tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp Việt khi họ gia tăng bán hàng vào Việt Nam.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, doanh nghiệp phản ánh họ không chỉ khó khăn vì nhiều đơn hàng bị hoãn, giảm mà còn mắc kẹt là đã đưa hàng ra cảng để xuất đi, nhưng nay bị huỷ, hoãn khiến chi phí lưu kho bãi cũng là gánh nặng.
CHÍ HIẾU
TNO