Đông Nam Á ứng phó đại dịch COVID-19
Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Đông Nam Á trong những tuần gần đây, buộc một số quốc gia áp dụng nhiều biện pháp từ lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại cho đến đóng cửa biên giới, theo AFP.
“Nhiều cụm lây nhiễm trong cộng đồng đang được xác nhận tại khu vực. Chính vì thế, các chính phủ cần phải tăng cường biện pháp dập dịch, bao gồm truy vết, mở rộng xét nghiệm. Toàn xã hội cũng phải tham gia để ngăn chặn sự lây lan của vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19”, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh nói.
“Điểm nóng” Malaysia
Hiện Malaysia có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á với 900 trường hợp và 2 ca tử vong. Nhiều ca nhiễm ở Malaysia có liên quan đến một sự kiện Hồi giáo diễn ra từ 27.2 – 1.3 với sự tham gia của gần 16.000 người, trong đó có khoảng 14.500 người Malaysia, 1.500 người nước ngoài, bao gồm 130 người Việt Nam, theo tờ The Straits Times. Nhà chức trách Malaysia đang truy vết những người tham dự sự kiện này và khuyến khích họ tự khai báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ y tế và xét nghiệm.
Trước diễn biến phức tạp, Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần (từ ngày 18.3). Theo đó, Malaysia đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, đóng cửa tất cả trường học và yêu cầu các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa trong 14 ngày tới, đồng thời cấm công dân đi nước ngoài.
Theo Bloomberg, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ điều động quân đội để đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm do vẫn còn ghi nhận nhiều người dân không chấp hành. “Mọi người hãy ở nhà và tuân thủ lệnh phong tỏa để bảo vệ chính mình cùng gia đình. Chúng ta có cơ hội mong manh để phá vỡ đường lây nhiễm. Thất bại không phải là một lựa chọn ở đây. Nếu vẫn duy trì thái độ thờ ơ, chúng ta sẽ phải đối mặt làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19, lớn hơn sóng thần”, Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah viết trên Facebook.
|
Các nước tất bật vào cuộc
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo chỉ đạo tăng cường số lượng bộ kit và trung tâm xét nghiệm để đảm bảo phát hiện kịp thời, ngăn chặn đường lây lan của Covid-19, sau khi số ca nhiễm tăng vọt lên hơn 300 với 25 người chết ở nước này.
Trong khi đó, cảnh sát Indonesia giám sát và yêu cầu các nhà bán lẻ phân phối đều nhu yếu phẩm, giới hạn số lượng bán cho từng người để tránh tình trạng người dân hoảng loạn mua tích trữ quá mức.
Rút kinh nghiệm từ Malaysia, chính quyền Indonesia hôm qua yêu cầu đình chỉ sự kiện cầu nguyện Hồi giáo ở thị trấn Gowa. Hơn 8.600 người hành hương từ khắp nơi ở Indonesia, châu Á và Trung Đông đã có mặt tại thị trấn này. Người tổ chức sự kiện Mustari Bahranuddin tuyên bố không sợ Covid-19, quyết tiến hành lễ cầu nguyện, nhưng sau đó nghe lời động viên của giới chức địa phương nên đã hủy bỏ sự kiện.
Tại Thái Lan, với hơn 270 ca nhiễm và 1 người chết, chính phủ yêu cầu người dân hạn chế đi lại, ra lệnh đóng cửa tất cả trường học, quán bar, rạp chiếu phim và trung tâm giải trí khác.
Dù Lào không ghi nhận ca nhiễm nhưng đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Myanmar. Trong khi đó, Myanmar chuẩn bị ngân sách 200.000 USD để mua trang thiết bị y tế phòng khi có dịch.
Philippines đã sớm ban bố tình trạng khẩn cấp, tiến hành phong tỏa thủ đô Manila và toàn bộ đảo Luzon.
Campuchia có 37 ca nhiễm, đã tuyên bố đóng cửa trường học ở Phnom Penh và địa điểm du lịch tại Siem Reap, đồng thời cấm nhập cảnh hành khách từ Mỹ và một số nước châu Âu trong 30 ngày. Tại Brunei, với gần 75 ca nhiễm, nước này cấm toàn bộ công dân lẫn người nước ngoài xuất cảnh nhằm ngăn dịch.
Singapore hiện đã có hơn 310 ca nhiễm, buộc chính phủ yêu cầu người đến từ nước ngoài phải tự cách ly 14 ngày.
Việt Nam đề nghị lùi Hội nghị Cấp cao ASEAN đến tháng 6
Tối 19.3, Bộ Ngoại giao ra thông báo: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN và New Zealand đề nghị lùi thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN – New Zealand dự kiến vào ngày 8 – 9.4.2020 tại Đà Nẵng tới cuối tháng 6.2020.
Trong thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam tới nay đã cơ bản hoàn tất công tác tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng sự điều chỉnh thời gian họp của hội nghị là cần thiết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng trong khu vực và trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Vũ Hân
TNO