26/12/2024

Liệu Coronavirus có chấm dứt Toàn Cầu Hóa như chúng ta biết hiện nay không?

Khi những nhà hoạch định kế hoạch của thế giới đối phó với trận đại dịch này và những hệ quả của nó, họ có thể phải nhìn thẳng vào điểm là nền kinh tế thế giới có thế không hoạt động như họ nghĩ.

Liệu Coronavirus có chấm dứt Toàn Cầu Hóa
như chúng ta biết hiện nay không?

Henry Farrel & Abraham Newman

 

(Bản dịch bài “Will the Coronavirus End Globalization as We Know It? “ của Henry Farrel & Abraham Newman, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, 16/03/2020).

Trận đại dịch COVID-19 đang đặt toàn cầu hóa vào một thử thách rất lớn. Khi chuỗi cung gián đoạn và các quốc gia đang thu gom các tiếp liệu y tế và hạn chế đi lại, khủng hoảng này đã làm người ta phải đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế thế giới hiện đang gắn kết với nhau. Không những việc toàn cầu hóa làm cho bệnh tật lây lan nhanh chóng khi có bệnh truyền nhiễm, nó còn làm cho các công ty và quốc gia tùy thuộc lẫn nhau, dễ sụp đổ khi có những biến động bất thường. Nay, các công ty và quốc gia đã hiểu ra là họ dễ bị sụp đổ như thế nào.

Nhưng bài học từ trận đại dịch do con vi khuẩn mới này không phải là toàn cầu hóa thất bại. Bài học ở đây là toàn cầu hóa dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động, mặc dù có những ích lợi (hay chính vì có những ích lợi). Trong nhiều thập niên vừa qua, các công ty cố gắng không ngừng để làm giảm những giai đoạn không cần thiết và từ đó đạt giá trị tài sản cao chưa từng thấy trước đây. Nhưng những cố gắng này cũng làm giảm những nguồn sản xuất bình thường không dùng tới – các kinh tế gia gọi là “slack” – khi ta quan sát toàn thể kinh tế thế giới. Trong lúc bình thường, các công ty thường xem “slack” như độ đo lường về khả năng sản xuất đang nằm không, thậm chí đang phí phạm. Nhưng trong những lúc khủng hoảng, slack lại làm toàn bộ hệ thống tiếp tục vận hành, như những van an toàn.

Thiếu những van an toàn như vậy có thể làm gián đoạn chuỗi cung, như ta đã thấy trong vài lãnh vực y tế khi trận đại dịch này xẩy ra. Các nhà sản xuất tiếp liệu y tế thiết yếu, bỗng nhiên thấy sự tăng vọt của chuỗi cầu thế giới, thấy quốc gia này cạnh tranh với quốc gia kia để tìm nguồn cung. Kết quả là ta thấy có sự thay đổi quyền lực của các khối kinh tế quốc gia lớn trên thế giới, khi những quốc gia đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến đấu với trận đại dịch này thì hoặc là đã thu gom được nguồn cung vật liệu cho chính họ hoặc là để giúp cho các quốc gia khác. Kết quả là họ có thể mở rộng ảnh hưởng của họ trên bàn cờ thế giới.

HIỆU QUẢ HƠN NHƯNG CŨNG DỄ SỤP ĐỔ HƠN

Thông thường, ta nghĩ về toàn cầu hóa như là nó sẽ tạo ra một sân chơi thế giới, cho phép các nhà sản xuất có thể xây dựng được những chuỗi cung không cứng nhắc bằng cách thay một nhà cung cấp này bằng một nhà cung cấp khác, nếu cần thiết. Sự giàu có của quốc gia, như Adam Smith đề cập về quốc gia, cũng trở thành sự giàu có của thế giới khi các doanh nghiệp lợi dụng được sự phân bố lao động toàn cầu. Chuyên môn hóa sẽ làm hiệu quả hơn, và hiệu quả hơn sẽ nâng cao lợi nhuận và phát triển hơn.

Nhưng toàn cầu hóa cũng tạo nên một hệ thống tùy thuộc vào nhau phức tạp. Mọi công ty đều ôm lấy chuỗi cung toàn cầu này và làm hệ thống sản xuất thế giới như một lưới nhện đan các quốc gia vào nhau. Một sản phẩm có thể có những bộ phận làm từ hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới. Việc chuyên môn hóa như vậy làm cho việc thay thế trở thành khó khăn nhất là với những sản phẩm đặc biệt. Và khi việc sản suất trở thành toàn cầu, các quốc gia sẽ tùy thuộc vào nhau nhiều hơn, vì không có quốc gia nào có thể kiếm soát toàn bộ nguyên liệu hay các thành phần sản xuất mà nền kinh tế quốc gia đó cần. Mọi nền kinh tế quốc gia đều quyện vào một hệ thống chuỗi cung toàn cầu.

Trận đại dịch COVID-19, do con vi khuẩn mới này, đã cho ta thấy hệ thống toàn cầu dễ sụp đổ như thế nào. Một vài khu vực kinh tế, đặc biệt những khu vực hoạt động kinh tế có những thành phần “dư thừa” và việc sản xuất trải ra trên nhiều quốc gia thì có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này tương đối dễ. Còn những nền kinh tế khác thỉ có thể trên đà sụp đổ nếu trận đại dịch này làm một nhà cung cấp duy nhất trong một quốc gia duy nhất ngừng sản xuất một thành phần  quan trọng và được xử dụng rộng rãi. Thí dụ các nhà sản xuất xe hơi tại Tây Âu đang lo lắng về sự thiếu hụt các bộ phận điện tử nhỏ trong xe hơi vì một nhà sản xuất duy nhất, MTA Advance Automoticve Solutions, đã bắt buộc phải dừng sản xuất tại một trong những nhà máy tại Ý.

Trước đây, các nhà sản xuất có thể xây những kho chứa đồ tiếp liệu để khỏi bị gián đoạn những lúc như thế này. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, rất nhiều doanh nghiệp đã làm theo lời tuyên bố vàng ngọc của Tổng Giám Đốc Apple, Tim Cook: ”Lập kho chứa là sai căn bản”. Thay vì tốn tiền để lập kho chứa những linh kiện mà họ cần để sản xuất một sản phẩm nào đó, những công ty này tùy thuộc vào chuỗi cung “đúng thời điểm”. Nhưng giữa cơn đại dịch toàn cầu “đúng thời điểm” lại dễ dàng trở thành quá trễ. Nhiều vấn đề, trong đó vấn đề về chuỗi cung, làm việc sản xuất máy tính laptop giảm 50% trong tháng 2/2020 và điện thoại di động thì có thể giảm 12% trong quý tới. Cả hai sản phẩm này đều được sản xuất bởi những nhà sản xuất châu Á chuyên biệt.

THIẾU HỤT NHỮNG TIẾP LIỆU TỐI CẦN THIẾT

Giống như chuyện tắc nghẽn trong việc sản xuất đồ điện tử, chuyện tắc nghẽn trong sản xuất tiếp liệu y tế cũng làm ngăn trở cuộc chiến đấu chống lại con vi khuẩn mới này. Những đồ tiếp liệu tối cần như reagent, một thành phần căn bản trong việc chế tạo bộ thử nghiệm vi khuẩn mà các phòng thí nghiệm dùng để tìm ra RNA của vi khuẩn, bị thiếu hụt tại nhiều quốc gia. Việc chế tạo reagent cần thiết trên thế giới đã tập trung vào hai công ty: công ty Qiagen của Hòa Lan, mà đại công ty dược phẩm Thermo Fisher Scientific của Mỹ mới mua lại, và hãng bào chế Roche Laboratories, trụ sở ở Thụy Sĩ. Cả hai đều không đáp ứng được với chuỗi Cầu tăng đột ngột. Sự thiếu hụt này đã làm chậm trễ việc sản xuất bộ thử nghiệm vi khuẩn ở Mỹ, vì Mỹ cũng phải xếp hàng sau các quốc gia khác chờ đến lượt mình mua hóa chất cần thiết.

Khi trận đại dịch mới bộc phát, vài chính phủ đã hành động theo bản năng  xấu xa của họ. Trước cơn đại  dịch COVID-19 bộc phát, các nhà sản xuất Trung Quốc chế tạo phân nửa số mặt nạ dùng trong y tế trên thế giới. Những nhà sản xuất này đã tăng cường sản xuất vì cuộc khủng hoảng nhưng chính phủ Trung Quốc đã mua toàn bộ số mặt nạ sản xuất, đồng thời nhập khẩu mặt nạ và máy thở ở các nước khác với số lượng lớn. Trung Quốc chắc chắn là cần những món đó nhưng chuyện mua ào ạt như vậy là làm nghẹt chuỗi cung và làm trở ngại các quốc gia khác trong việc chiến đấu với cơn đại dịch này.

Các quốc gia châu Âu cũng không cư xử khá hơn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất khẩu mặt nạ y tế và máy thở. Đức cũng làm tương tự, dù là một thành viên của Liên Âu, với quy chế thị trường duy nhất, mậu dịch tự do giữa những quốc gia thành viên. Chính phủ Pháp thì đơn giản hơn, sung công toàn bộ mặt nạ y tế. Giới chức Liên Âu than phiền là những hành động như vậy đã làm mất đi tinh thần liên đới và ngăn trở Liên Âu áp dụng một sách lược chung trong việc chiến đấu với  con vi khuẩn mới này, nhưng những lời than phiền của họ bị bỏ ngoài tai.

Những chiêu thức “đánh què thằng hàng xóm” có nguy cơ gia tăng hơn khi cơn khủng hoảng kéo dài, chặn nguồn cung cho những nhu cầu y tế cấp thiết. Vấn đề này tại nước Mỹ còn u ám hơn vì Mỹ đã chậm trễ cho việc đối phó cơn đại dịch này một cách nhất quán và thiếu nhiều tiếp liệu y tế. Nước Mỹ có nguồn dự trữ quốc gia về mặt nạ y tế nhưng không được bổ sung thêm từ 2009 và nó chỉ chứa một phần của số lượng cần thiết. Cũng không ngạc nhiên gì khi cố vấn thương mại của TT Trump, Peter Navarro, đã dùng chuyện này và chuyện thiếu hụt những tiếp liệu khác để đe dọa đồng minh và biện minh cho chính sách rút khỏi thương mại toàn cầu hơn nữa, bảo rằng nước Mỹ cần mang khả năng sản xuất và những chuỗi cung  các tiếp liệu ý tế thiết yếu về lại nước Mỹ. Kết quả, như đã tiết lộ, Đức lo lắng khi hành pháp Trump đi một bước táo bạo, định mua đứt một loại thuốc chủng mới đang thí nghiệm từ công ty dược phẩm Curavac của Đức, đưa về công ty về Mỹ và sử dụng thuốc chủng cho người Mỹ. Berlin đã tính chuyện đưa giá mua cao hơn hoặc là cấm chuyện mua này của Mỹ.

TÌM ẢNH HƯỞNG TỪ TRẬN DỊCH

Trong khi hành pháp Trump đã dùng cơn đại dịch này để thối lui khỏi việc hội nhập toàn cầu, Trung Quốc lại dùng nó để chứng tỏ thiện chí lãnh đạo việc hội nhập này. Là quốc gia đầu tiên bị trận đại dịch, Trung Quốc đã  chịu nhiều khốn khổ trong 3 tháng vừa qua. Nhưng nay Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục trong khi phần còn lại của thế giới đang phải chịu đựng. Nay các nhà sản xuất Trung Quốc, đa số đã hồi phục và tiếp tục sản xuất, nhưng chuỗi cầu từ những quốc gia đang bị đại dịch sút giảm. Tuy nhiên điều này cho họ có một lợi thế ngắn hạn to lớn trong việc ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Mặc dù mắc phải những lỗi lầm lúc đầu có lẽ làm thiệt hại hàng ngàn nhân mạng, Trung Quốc đã học cách chống lại con vi khuẩn này và có kho tích trữ các dụng cụ y tế. Đây là những thứ vô giá và Bắc Kinh đã khéo léo sử dụng.

Đầu tháng 3, Ý kêu gọi các quốc gia Liên Âu khác cung cấp khẩn cấp các dụng cụ y tế vì sự thiếu hụt những thứ này ở Ý đến nỗi phải làm các bác sĩ phải có những quyết định đau lòng với bệnh nhân: chọn ai để cứu và ai để chết. Không quốc gia nào đáp ứng lời kêu gọi này. Nhưng Trung Quốc đáp ứng, sẵn sàng bán máy thở, mặt nạ, đồ bảo hộ và bông thử nghiệm. Như Rush Doshi và Julian Gewirtz, chuyên gia về Trung Quốc, đã từng tranh luận, Bắc Kinh muốn cho thế giới nhìn họ như lãnh tụ trong cuộc chiến chống con vi khuẩn mới, đế chứng tỏ thiện chí và gia tăng ảnh hưởng của họ.

Điều này gây lúng túng cho hành pháp Trump, vốn đã chậm trễ trong việc đáp ứng với con vi khuẩn này, khi nghĩ rằng cấm du khách từ Âu Châu là cách phòng thủ tốt nhất cho một cơn bệnh vốn đã lây lan nhanh chóng trên chính đất Mỹ. Thay vi là một nước cung cấp vật phẩm cho thế giới, Mỹ lại thiếu những thứ có thể giúp thế giới. Thêm muối sát vào vết thương, nước Mỹ có thể phải nhận quà từ thiện từ Trung Quốc: tỉ phú Jack Ma, đồng sáng lập công ty Alibaba đã mở lời “viện trợ” 500,000 bộ thử nghiệm vi khuẩn và 1 triệu mặt nạ cho Mỹ.

ĐỊA CHÍNH TRỊ MỚI CỦA TOÀN CẦU HÓA

Khi những nhà hoạch định kế hoạch của thế giới đối phó với trận đại dịch này và những hệ quả của nó, họ có thể phải  nhìn thẳng vào điểm là nền kinh tế thế giới có thế không hoạt động như họ nghĩ. Toàn cầu hóa khiến con người càng ngày càng chuyên môn hóa, một mô hình tạo ra những hiệu quả phi thường nhưng nó cũng tạo ra những chỗ yếu dễ đổ vỡ phi thường. Những lúc bất thường trắc trở như trận đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những chỗ yếu như vậy. Một nguồn cung duy nhất hay một vùng trên thế giới chuyên về một sản phẩm nào đó, có thế tạo những chỗ yếu  gây đổ vỡ mà không ai đoán trước được trong lúc khủng hoảng, gây đổ vỡ cho cả chuỗi cung. Trong những ngày tháng sắp tới, sẽ còn bộc lộ thêm nhiều chỗ yếu như vậy.

Kết quả có thể làm thay đổi chính trị thế giới. Khi sức khỏe và an toàn của người dân bị nguy hiểm, các quốc gia có thể ngăn xuất khẩu hoặc sung công các đồ tiếp liệu thiết yếu, ngay cả khi hành động này sẽ có hại cho đồng minh hoặc láng giềng. Khi toàn cầu hóa lui bước như thế, những quốc gia nếu có điều kiện, sẽ càng dùng lòng quảng đại để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Cho tới nay, Mỹ không phải ở vị trí lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến của thế giới với cơn đại dịch này và Mỹ đã nhường một phần vị trí lãnh đạo thế giới này cho Trung Quốc. Trận đại dịch này đang vẽ lại địa chính trị của toàn cầu hóa nhưng Mỹ vẫn chưa thích ứng được. Thay vào đó, nước Mỹ còn đang bệnh và đang vùi xuống cát để giấu mình.

 

Mặc Lý (dịch)

(17/03/2020)

 

Nguồn:  https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

Trích từ: viet-studies.net