‘Bom nổ chậm’ của ông Trump
‘Bom nổ chậm’ của ông Trump
Lịch sử cho thấy cơ hội tái cử cho một tổng thống luôn gói gọn ở sức khoẻ của nền kinh tế và của người dân.
“Cần phải nhìn xem con virus corona ảnh hưởng ra sao đến kinh tế Mỹ. Nếu mọi chuyện chuyển hướng xấu vào tháng 9 tới thì có thể sẽ gây phức tạp cho chuyện tái cử của Donald Trump.
Bà CANDI WOLFF (phó giám đốc điều hành ở Citigroup)
Cách đây hơn một tháng, mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dịch bệnh COVID-19 lúc đó ngỡ chỉ là đòn giáng thêm cho đối thủ Trung Quốc. Ông Trump vẫn còn liên tục khoe các kỳ tích về kỷ lục trên thị trường chứng khoán, về tăng trưởng, về tỉ lệ thất nghiệp giảm…
Thế rồi khi con virus corona chủng mới bò sang quậy phá châu Âu và lăm le vào Mỹ thì tình hình xoay chuyển theo mức ngày một, ngày hai. Ông Trump từ mức còn hài hước về chuyện lây nhiễm cho bản thân và tiếp tục thực hiện các cuộc gặp gỡ, vận động chính trị đã buộc phải chịu thực hiện xét nghiệm (kết quả hiện là âm tính).
Đến khi dịch bệnh liên tục tung ra những cú đấm choáng váng cho thị trường chứng khoán – trái tim kinh tế của nước Mỹ, hẳn ông Trump đã phải thay đổi sắc mặt lẫn thái độ.
Bóng ma suy thoái kinh tế đã lởn vởn trên bầu trời Mỹ thì ông Trump buộc phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp để có những quyết sách nhanh chóng và mạnh mẽ, trước mắt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân Mỹ, dù rằng vẫn có người nghĩ nhằm bảo vệ sức khỏe nền kinh tế là nhiều hơn.
Một thăm dò của ĐH Quinnipiac (thực hiện trước tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” của ông Trump) cho thấy 43% dân Mỹ khẳng định hài lòng về cách điều hành của tổng thống (tức cả trong chuyện chống dịch bệnh đến lúc bấy giờ), nhưng có đến 49% không thấy được thuyết phục.
Bà Candi Wolff – phó giám đốc điều hành ở Citigroup – từng nói rằng có hai yếu tố quyết định cho chuyện tái cử của tổng thống ở Mỹ là tỉ lệ ủng hộ của cử tri (phải đạt ít nhất 50%) và sức khỏe nền kinh tế. “Chuyện điều hành chống dịch lần này (của chính quyền Trump) sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của cử tri”, bà Wolff nhấn mạnh.
Chuyện đó cũng không khó đoán, nhưng kết quả ra sao trong thời gian ngắn sắp tới là điều không dễ đoán. Thị trường chứng khoán ở Mỹ đã lội ngược dòng nhanh chóng sau quyết định mạnh của ông Trump, nhưng chuyện ngăn chặn được dịch bệnh lây lan và giữ cho nhịp sống người dân không bị xáo trộn mới là thách thức không nhỏ.
Sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhiều chính trị gia Đảng Dân chủ đối thủ và nhiều chuyên gia y tế ở Mỹ vẫn cho rằng ông Trump đã “xem thường” chuyện dịch bệnh và phản ứng chậm. Thậm chí họ còn moi móc chuyện ông đã cho giải tán “Đội phản ứng nhanh” với dịch bệnh (có từ thời Obama) vào năm 2018, để minh chứng cho chuyện phản ứng chậm lần này.
Nhưng theo cách của mình, ông Trump có vẻ đang cho tiến hành những giải pháp cấp bách để lấy lại những gì đã mất. Người ta tính rằng đến ngày 11-3 vừa qua, chỉ mới có 8.000 người Mỹ (trong tổng dân số hơn 300 triệu) được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đây là tỉ lệ thấp hơn 15 lần so với ở Anh và thấp hơn 150 lần so với ở Hàn Quốc. Nhưng đến tối 13-3, tức sau khi công bố tình hình khẩn cấp, thì con số được xét nghiệm đã tăng lên gấp đôi.
Ông Trump còn hứa cung cấp ngay nửa triệu bộ xét nghiệm cho người dân chỉ trong một tuần nhờ cho đối tác tư nhân nhảy vào hợp tác. Rồi thì các điểm xét nghiệm lưu động như ở Hàn Quốc cũng đã được thiết lập nhanh chóng, và bắt tay vào việc trong những ngày cuối tuần với bộ xét nghiệm nhanh của Hãng dược Roche.
Giải pháp đóng cửa biên giới với các nước tạm thời được xem nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng chắc chắn sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Nếu vượt qua được cú sốc nhanh chóng để mọi thứ trở lại đường ray thì ảnh hưởng sẽ không đáng kể.
Ngân hàng JPMorgan đã đưa ra dự báo về việc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra với Mỹ và châu Âu vào tháng 7 tới. Nhưng nếu các thị trường kịp hồi phục vào tháng 9 thì ảnh hưởng từ “quả bom nổ chậm” mang tên COVID-19 sẽ không lớn cho khả năng tái cử của ông Trump.
Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence – “trưởng ban phòng chống dịch” – cho biết đang xem xét một số hạn chế đối với việc đi lại trong nước, đặc biệt là đối với khu vực hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bùng phát.