16/11/2024

‘Nước Đức không phải để bán’ :Đức khẳng định không bán nghiên cứu vắc xin COVID-19 cho Mỹ

‘Nước Đức không phải để bán’ :Đức khẳng định không bán nghiên cứu vắc xin COVID-19 cho Mỹ

Bộ Ngoại giao Đức khẳng định nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 “không phải để bán” sau khi có thông tin Tổng thống Donald Trump đề xuất mua lại bản quyền vắc xin từ công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức).
Nhân viên Philipp Hoffmann làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 ở thị trấn Tuebingen, Đức, ngày 12.3 /// Reuters

Nhân viên Philipp Hoffmann làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 ở thị trấn Tuebingen, Đức, ngày 12.3  Reuters
Cuộc chạy đua giành thế độc quyền giữa Đức và Mỹ diễn ra lúc các nhà khoa học nỗ phát triển vắc xin phòng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19, đến nay làm chết hơn 6.500 người trên thế giới.
“Các nhà nghiên cứu Đức đóng vai trò tiên phong trong phát triển thuốc và vắc xin. Chúng tôi không cho phép người khác tiếp cận kết quả nghiên cứu độc quyền của họ”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với tờ Funke ngày 16.3.
Tuyên bố được đưa ra sau khi tờ Die Welt dẫn lời nguồn tin chính phủ Đức tiết lộ Tổng thống Trump đã đề nghị “1 tỉ USD” để bảo đảm nghiên cứu vắc xin của công ty công nghệ sinh học Đức CureVac “chỉ dành riêng cho Mỹ”.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier thẳng thừng khẳng định: “Nước Đức không phải để bán”. Cùng lúc, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết chính phủ sẽ có cuộc họp, thảo luận về vấn đề độc quyền trong nghiên cứu vắc xin.
Trong một thông báo, CureVac tuyên bố không bình luận về những suy đoán và bác bỏ các cáo buộc về việc đề nghị mua lại công ty hoặc công nghệ của công ty này. “Hiện tại hợp tác quốc tế là quan trọng, không phải vì lợi ích của một quốc gia riêng lẻ”, ông Erwin Rueddel, nhà lập pháp bảo thủ thuộc ủy ban y tế của quốc hội Đức, nói.
Trong khi đó, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng truyền thông Đức “làm quá sự việc”. “Chính phủ Mỹ đã thảo luận với hơn 25 công ty tuyên bố có thể phát triển vắc xin. Hầu hết những công ty này đã nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Mỹ”, vị quan chức nói thêm.
Quan chức Mỹ cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng Washington đang tìm cách “giữ vắc xin phòng COVID-19 cho riêng nước Mỹ”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với bất kỳ công ty nào tuyên bố có thể phát triển thành công vắc xin. Mọi giải pháp hiệu quả sẽ được chia sẻ với thế giới”.

CureVac không bán vắc xin cho một quốc gia riêng lẻ

Được thành lập năm 2000, công ty CureVac có văn phòng ở thành phố Frankfurt (Đức) và Boston (Mỹ). CureVac quảng cáo là “công ty chuyên phát triển liệu pháp điều trị ung thư dựa trên kháng thể, bệnh hiếm và vắc xin dự phòng”.
“Chính phủ Đức rất quan tâm đến việc phát triển vắc xin và hoạt chất chống lại SARS-CoV-2. Chính phủ Đức đang đàm phán với CureVac về vấn đề phát triển vắc xin phòng COVID-19”, một người phát ngôn viên của Bộ Y tế nói với tờ Die Welt.
Tổng giám đốc điều hành CureVac Daniel Menichella đã được mời đến gặp Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C hôm 2.3.
Trong cuộc họp, Tổng thống Trump đã thảo luận với đại diện của những hãng dược lớn nhằm tìm kiếm biện pháp ứng phó đại dịch COVID-19. Công ty CureVac cũng đã xác nhận chuyến thăm Mỹ của ông Menichella.
“Chúng tôi rất tự tin có thể phát triển thành công vắc xin phòng COVID-19 trong vòng vài tháng tới”, ông Menichella cho biết sau chuyến thăm Mỹ. Đáng chú ý là vào ngày 11.3, ông Menichella đã bàn giao lại chức tổng giám đốc điều hành cho ông Ingmar Hoerr, vốn là nhà sáng lập CureVac.
Ngày 15.3, các nhà đầu tư của CureVac tuyên bố họ sẽ không bán vắc xin cho một quốc gia riêng lẻ. “Nếu chúng tôi phát triển thành công thì vắc xin phòng COVID-19 sẽ giúp và bảo vệ mọi người trên toàn thế giới”, ông Dietmar Hopp, giám đốc điều hành quỹ đầu tư của công ty Hopp Biotech Holding-nhà đầu tư chính cho CureVac, cho biết.
Đáp lại, Bộ trưởng Kinh tế Đức hoan nghênh tuyên bố này và gọi đó là “một quyết định tuyệt vời“.
PHÚC DUY
TNO