04/01/2025

Tỏi ngâm mật ong tăng đề kháng, dùng sao cho đúng?

Tỏi ngâm mật ong tăng đề kháng, dùng sao cho đúng?

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Sau khẩu trang, nước rửa tay… các gia đình cũng chú ý đến các biện pháp tăng cường sức đề kháng. Một trong số đó là dùng tỏi ngâm mật ong.

 

 

Tỏi ngâm mật ong tăng đề kháng, dùng sao cho đúng? - Ảnh 1.

“Công thức” đúng ngâm tỏi mật ong là 15g tỏi cho 100ml mật ong – Ảnh: DIỆU NGUYỄN

Tỏi ngâm mật ong là bài thuốc với hai nguyên liệu chính là tỏi và mật ong, cả hai đều có công dụng tăng cường sức đề kháng. Trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan, nhiều người làm thử cho gia đình dùng.

“Hai tuần trước mình được tặng 1kg tỏi cô đơn Lý Sơn. Hàng thật tận nguồn nên có giá khá cao, dùng nấu ăn thì sợ phí, ngâm tỏi chua ngọt lại ngại mất đi các chất có lợi của tỏi. Sẵn nhà có hũ mật ong rừng, mình lấy ra ngâm tỏi để cả gia đình dùng phòng chống COVID-19”, chị Thu Nga (quận 3, TP.HCM) chia sẻ.

Trong khi đó chị Thanh Lan (quận Tân Phú, TP.HCM) có sẵn hũ tỏi ngâm mật ong do mẹ chồng gửi ngoài quê vô từ khi chị sinh con đầu lòng. Chị nói theo lời mẹ chồng thì mật ong để càng lâu càng tốt nên chị cứ để dành xài đã… 5 năm nay.

Theo bác sĩ đông y Nguyễn Minh Nhiên, mật ong có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống nhiễm trùng, cảm cúm, bồi bổ cho cơ thể, phục hồi sức khỏe sau khi ốm, trị ho, sổ mũi, viêm loét dạ dày, tá tràng, khắc phục chứng tưa lưỡi ở trẻ em do nấm…

Trong khi đó tỏi có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Đặc tính kháng sinh của tỏi là kết quả trực tiếp của lượng allicin được sản sinh từ tỏi tươi nghiền nhỏ. Chất này bị vô hiệu hóa khi được nấu chín.

“Công thức” đúng ngâm tỏi mật ong là 15g tỏi cho 100ml mật ong. Tỏi thì loại nào cũng được nhưng tỏi vỏ tím tốt hơn vì hàm lượng allicin (chất giúp tăng sức đề kháng) cao hơn. Còn mật ong thì mật ong rừng là tốt nhất; mật nuôi cũng được nhưng phải là mật ong, không pha, không biến chất.

Sau khi ngâm tỏi với mật ong, đậy kín nắp lọ (hũ) và đặt ở nhiệt độ phòng ít nhất 14 – 20 ngày là có thể dùng. Muốn bảo quản lâu thì nên cho bình tỏi ngâm vào ngăn mát tủ lạnh rồi dùng dần.

“Vì là thực phẩm bổ sung nên có thể sử dụng hằng ngày liên tục trong 7 ngày đến khi bạn cảm thấy cơ thể mình khỏe hơn. Tùy vào điều kiện bảo quản mà có thể sử dụng đến 1 năm (để tủ lạnh). Không dùng khi sản phẩm có hiện tượng đổi màu hay có mùi vị lạ so với ban đầu để tránh bị ngộ độc thực phẩm (triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn)”, bác sĩ Nhiên lưu ý.

Dùng bao nhiêu tỏi ngâm mật ong là vừa? Bác sĩ Nhiên cho biết mỗi ngày chỉ nên dùng 15 – 30 gram tỏi ngâm. Khi dùng pha với nước ấm, uống vào buổi sáng trước ăn 30 phút. Lưu ý không dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ có thai, người bị huyết áp thấp, người mới phẫu thuật, người bị xơ gan, bệnh nhân tiểu đường, người bị rối loạn chức năng tiêu hóa và người bị dị ứng với các thành phần nguyên liệu.

Làm sao phân biệt mật ong thật, và có phải để càng lâu càng tốt?

Mật ong được tạo thành từ những tinh chất mà ong thu thập được từ hoa các loài. Mật ong có màu hổ phách hoặc nâu đen, trong, hơi dính nhớt, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng. Vào mùa hè, mật ong thường sáng bóng và trong như dầu. Mùa đông, mật có hiện tượng kết tinh thành các hạt li ti, sánh đặc khi nhiệt độ giảm.

Tùy vào từng mùa mà mật cũng có thay đổi một số tính chất vật lý. Có thể phân biệt mật ong chất lượng tốt hay kém bằng cách để vào tủ lạnh ngăn mát, nếu chỉ sánh lại chứ không biến đổi màu, tính chất thì đó là loại tốt.

Nên sử dụng mật ong ngay sau khi thu hoạch hoặc mua, không nên để lâu vì để càng lâu thành phần đường trong mật ong sẽ bị oxy hóa làm mật ong bị đen và đắng. Nếu ở xứ nóng thì nên chú ý vì trong mật ong có chất HMF (Hydroxy Methyl Furfurol, là một chất độc có khả năng gây chết chuột thí nghiệm), chất này sinh ra khi để mật ong ở nhiệt độ trên 30 độ C.

DIỆU NGUYỄN
TTO