06/01/2025

Ưu đãi khó tới doanh nghiệp nhỏ

Ưu đãi khó tới doanh nghiệp nhỏ

Theo dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như “không liên quan” đến gói ưu đãi này.
DN sản xuất kinh doanh nhỏ khó hưởng ưu đãi giãn nộp thuế theo dự thảo nghị định /// Ảnh: Phạm Hùng

DN sản xuất kinh doanh nhỏ khó hưởng ưu đãi giãn nộp thuế theo dự thảo nghị định  Ảnh: Phạm Hùng
Dự thảo nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo, quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với các đối tượng doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế “bị ảnh hưởng của dịch Covid-19” như: nông lâm nghiệp thủy sản, sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may da giày, điện tử, vi tính, lắp ráp ô tô, vận tải đường sắt đường bộ, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống…
Thuế GTGT và thuê đất của DN sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề nói trên sẽ được gia hạn 5 tháng với số thuế phải đóng từ tháng 3 – 6 năm nay. Theo ước tính của Bộ Tài chính, thuế GTGT của khối DN nhỏ và siêu nhỏ được giãn khoảng 10.900 tỉ đồng.

Gói ưu đãi “loại” DN nhỏ?

Bà Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (H.Hóc Môn, TP.HCM), cho biết công ty chuyên kinh doanh các loại trái cây khô sấy, doanh số giảm 80% vì không xuất sang Trung Quốc được, khách hàng các tỉnh mua cũng giảm sút mạnh do không có khách du lịch.
“Không bán được hàng, không xuất hóa đơn, không có tiền về, lấy gì có thuế GTGT mà giữ giùm đó để gia hạn?”, bà Vân chia sẻ và cũng cho biết, DN có nhà xưởng nhỏ riêng, không thuê đất ai, nên cũng không hưởng được gói ưu đãi này.
Tương tự, chủ trường mầm non G.B tại Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng cho hay DN đang thuê 2 mặt bằng trên địa bàn quận với tổng tiền thuê 70 triệu đồng mỗi tháng.
Hơn 1 tháng nay trường đóng cửa vì dịch Covid-19, DN vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương cơ bản cho các cô giáo. “Soi” các quy định trong dự thảo, DN không nằm trong chính sách ưu đãi. “Cả tháng nay như ngồi trên đống lửa, không hoạt động kinh doanh mà mỗi tháng phải chạy trang trải chi phí gần 100 triệu đồng. Cơ sở chúng tôi thuê từ nhà ở tư nhân, có hợp đồng đầy đủ nhưng cũng đâu phải đối tượng được giãn tiền thuê đất”, vị này than thở.
Không bán được hàng, không có thuế GTGT để được hưởng ưu đãi “giãn nợ thuế”, nhưng tiền thuê mặt bằng kinh doanh lại rất cao. Chính vì lẽ đó, hiện rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đã và đang lặng lẽ đóng cửa, trả mặt bằng với tỷ lệ ngày một cao. Bà Đặng Diệu Hồng, chủ DN tư nhân kinh doanh hàng may mặc H.D (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, hiện các đầu mối cung cấp vải, áo quần may sẵn từ Trung Quốc cho bà đã ngưng gửi hàng vào TP.HCM từ sau tết đến nay. DN của bà phải đặt hàng tại một vài cơ sở may trong nước nhưng hàng không đẹp, giá cao hơn nhiều, rất khó bán.
“Dịch bệnh Covid-19 không có người đến chợ đã đành, nhưng có đến mình cũng không có hàng để bán. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng phải trả là 16 triệu đồng/tháng/m2, thuế khoán là 3,8 triệu đồng/tháng, tiền thuê 2 nhân viên phụ bán 12 triệu đồng/tháng bao luôn tiền ăn 3 bữa mỗi ngày, rồi tiền điện nước. Hiện tại tiền bán hàng mỗi ngày không đủ chi phí và ăn tiêu trong nhà phải lấy tiền vốn mà ăn”, bà Hồng cho biết và thắc mắc: “Với trường hợp cụ thể như tôi, thuế khoán, không bán được hàng nên không có xuất hóa đơn, không có giữ tiền thuế GTGT của ai, mặt bằng đi thuê tư nhân. Vậy sẽ được ưu đãi gì theo nghị định này?”.

Không nên “khoanh vùng” ngành nghề ưu đãi

Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trên 1.200 DN về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh mới đây cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN có thể sẽ phá sản.
Trong khi đó, theo Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam thì có đến 95% DN của Việt Nam là từ nhỏ đến rất nhỏ. Như vậy, rõ ràng khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ hiện là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bị tổn thương nhất trong dịch cúm này.
Luật sư Trần Xoa (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng “gói ưu đãi” cho DN thuộc các ngành nghề sản xuất không liên quan đến đối tượng là DN nhỏ và siêu nhỏ. Ông nói: “Thuế GTGT chỉ có khi nào bán hàng nhiều mới nhiều. Cho DN giữ lại số tiền này để xài trước, trả sau nhưng họ có bán được hàng bao nhiêu đâu mà có để giữ lại? Dịch vụ du lịch đông cứng. Nhà hàng khách sạn vắng hoe, dịch vụ ăn uống theo thống kê giảm đến 70 – 80%… Còn chính sách liên quan chậm trả tiền thuê đất, DN nhỏ có thuê đất nhà nước đâu mà đưa ra chính sách này? Chính sách liên quan tiền thuê bất động sản chỉ nhắm cho các DN sản xuất lớn, cực lớn, thuê đất nhà nước hoặc mấy “ông” đầu tư kinh doanh bất động sản, thuê đất nhà nước xây cao ốc… Mà số này thì quá ít”.
Theo luật sư Trần Xoa, không nên đưa cụ thể các ngành nghề kinh doanh sản xuất sẽ được hưởng ưu đãi gia hạn nộp thuế trong dự thảo nghị định này. Bởi thực tế dịch Covid-19 hiện ảnh hưởng toàn xã hội, mọi nhà, cá nhân, tổ chức có hoạt động đầu tư kinh doanh. Nếu khoanh vùng DN dệt may, vận tải, du lịch… thì cửa đâu cho DN siêu nhỏ? Dự thảo nghị định đã và đang bỏ sót đối tượng cần được hỗ trợ nhưng lại không nhận được hỗ trợ.
Nên có chính sách cụ thể, chẳng hạn miễn tiền thuế cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng 2 – 3 tháng hoặc giảm 50% thuế khoán. Với DN nhỏ và siêu nhỏ, chính sách cần giãn nhưng phải có giảm vì họ không kinh doanh, không có doanh thu thì cho nợ tiền thuế vẫn khiến DN thiệt thòi nhiều, không “ngóc đầu” lên nổi sau dịch.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Hãng luật IAM (Đoàn luật sư TP.HCM)
NGUYÊN NGA
TNO