Giãn thuế, giãn nợ là chưa đủ
Giãn thuế, giãn nợ là chưa đủ
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch… cùng DN nhỏ và siêu nhỏ, cá nhân và hộ gia đình sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng.
Không bán được hàng
Là DN nhỏ với khoảng 70 lao động, doanh thu bán hàng của hệ thống K&K Fashion từ sau tết đến nay chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thuế GTGT cũng chỉ dao động khoảng 60 – 70 triệu đồng/tháng thay vì mức 200 – 300 triệu đồng/tháng như trước đây.
Nếu giãn được sau 5 tháng mới nộp thuế thì DN cũng sẽ được hỗ trợ phần nào trong hoạt động. Tuy nhiên, ông Lê Viết Thanh, Giám đốc K&K Fashion, cho rằng nếu như được giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì sẽ tốt hơn vì công ty mỗi tháng phải đóng gần 100 triệu đồng phí bảo hiểm, nhiều hơn tiền thuế GTGT. Đồng thời ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay chưa đến kỳ đáo hạn về bằng lãi suất được giảm cho khoản vay mới vì sẽ có nhiều công ty gặp khó khăn, không đảm bảo trả nợ.
“Doanh thu giảm thì thuế GTGT giảm theo nên chỉ riêng giải pháp giãn thuế này cũng chưa đủ, chưa hỗ trợ nhiều cho DN. Trong khi đó công ty vẫn phải trả lương, đóng BHXH vì phải đảm bảo đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, hầu hết DN nhỏ và siêu nhỏ cũng sử dụng vốn vay nhiều nên nếu kết hợp thêm nhiều giải pháp đồng bộ thì sẽ giúp các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay”, ông Lê Viết Thanh chia sẻ thêm.
Bày tỏ vui mừng trước giải pháp hỗ trợ của nhà nước nhưng ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh (sản xuất và xuất khẩu cà phê, tiêu…), phân tích: Thuế GTGT thì DN bán được hàng mới phát sinh, thu từ người tiêu dùng và nộp lại cho nhà nước. Nếu DN không bán được hàng thì cũng không có số thuế này.
Vì vậy, giải pháp này sẽ không hỗ trợ được cho nhiều DN đang lúc gặp khó khăn. Hơn nữa, mỗi nhóm DN tùy thuộc ngành nghề kinh doanh thì lại có nhu cầu khác nhau. Ví dụ, các công ty nông lâm thủy sản hay xuất khẩu thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ như trên thì các mức thuế cũng không nhiều.
Trong khi đó, đa số DN đều cần nguồn vốn để hoạt động, đặc biệt là các DN nhỏ vì có nghiên cứu cho rằng nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết quý 2 thì 74% DN vừa và nhỏ sẽ phá sản.
“Thực sự hiện nay các DN cần nhất là được giãn nợ, không ghi nợ xấu, đặc biệt cho các DN vừa và nhỏ, hộ gia đình. Đây cũng là lực lượng xương sống của nền kinh tế nên cần được quan tâm nhiều. Mà đa số các DN nhỏ đều vay vốn rất nhiều nên tôi cho rằng cần có thêm chính hỗ trợ liên quan đến vốn vay càng nhanh càng tốt”, ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Không có doanh thu để nộp thuế
Là 2 ngành hứng chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất, hàng không và du lịch đang đối mặt với khó khăn mang tính lịch sử. Cục Hàng không ước tính các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh này. Khi đó, các kịch bản được đưa ra mới chỉ tính tới việc mất toàn bộ thị trường Trung Quốc, cắt giảm các thị trường khu vực châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… chứ chưa lường tới tình hình dịch bệnh lan nhanh, mạnh tại khu vực châu Âu như hiện nay.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, doanh thu các hãng hàng không giảm tới 40% và đến nay mức giảm còn nặng nề hơn. Các giải pháp hỗ trợ về thuế như đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế GTGT thêm 5 tháng mà Bộ Tài chính mới đưa ra sẽ giúp DN phần nào giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là lượng khách.
“Trong bối cảnh hiện nay, thật sự là các DN hàng không đang vô cùng khó khăn, hầu hết đều tập trung lo cắt giảm tối đa chi phí để cầm cự. Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu nhưng quan trọng nhất vẫn là giải tỏa tâm lý của người dân. Không có khách, không có doanh thu thì chính sách hỗ trợ này cũng không mang lại nhiều tác dụng”, ông Thành nói.
Để giảm tối đa thiệt hại cho DN, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và Cục Hàng không giảm 50% phí hạ, cất cánh, điều hành bay trong thời gian dịch bệnh đối với các hãng hàng không. Đồng thời miễn, hoặc giãn thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu máy bay, tăng hạn mức tín dụng ngắn hạn…
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, nhận định việc gia hạn thuế, miễn thuế GTGT cho các DN thực tế không có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn này vì hầu hết các DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ đều đang lay lắt “sống dở chết dở”, lỗ nặng, không có doanh thu, doanh số để mà nộp thuế. Theo ông Đức, bắt đầu từ tháng 4 tới, nếu dịch bệnh tiếp tục lan nhanh không kiểm soát tại các nước châu Âu như hiện nay, DN du lịch đang lo không thể trụ nổi.
“Cho giãn thời hạn đóng thuế, thực ra là cho DN được giữ tiền lại lâu hơn, xoay xở qua thời kỳ khó khăn. Nhưng DN giờ không còn tiền mà giữ. Có nhiều tập đoàn du lịch tiềm lực mạnh, trước giờ chưa từng phải tới ngân hàng thì bây giờ đã bắt đầu phải đi vay. Những DN nào vay ít thì giờ phải vay nhiều, DN nào vay nhiều thì tình hình càng trở nên nguy kịch.
Chỉ một thời gian nữa, nếu thị trường không hồi phục lại được, dòng tiền “gãy” thì chỉ còn nước phá sản, trở thành nợ xấu”, ông Đức cảnh báo và cho rằng, đối với DN, quan trọng nhất là dòng tiền.
Chính phủ cần tiếp sức cho DN tiếp tục sống, tránh xa nguy cơ phá sản bằng những chính sách tài chính như cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, tùy thuộc vào số lượng thuế nộp hằng năm của từng DN. Ông Ngô Minh Đức nêu ví dụ: “Ở Mỹ, chính phủ cho sinh viên vay tiền để đi học, sau này ra trường đi làm thì trả. Trong bối cảnh khó khăn như thế này, ngân sách, các quỹ hỗ trợ cần thiết phải tung ra để cứu DN thoát chết”.
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI
TNO