15/01/2025

Các nước đang làm gì để ngăn COVID-19 lây lan?

Các nước đang làm gì để ngăn COVID-19 lây lan?

Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các biện pháp khác nhau để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Vậy đó là các biện pháp gì?

 

Các nước đang làm gì để ngăn COVID-19 lây lan? - Ảnh 1.

Một số nước kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay và một số nước khác thì không – Ảnh: GETTY IMAGES

Xét nghiệm

Đài BBC ngày 11-3 cho biết có sự khác biệt đáng kể về số lượng người đang được xét nghiệm virus corona trên toàn thế giới.

Hàn Quốc đã làm khoảng 4.000 ca xét nghiệm/1 triệu người trong giai đoạn từ 3-1 đến 11-3, trong khi Mỹ chỉ làm 26 ca xét nghiệm/1 triệu người. Ý đã thực hiện khoảng 1.000 ca xét nghiệm/1 triệu người trong ngày 10-3 so với 400 ca/1 triệu người tại Anh trong cùng ngày.

Bình quân có khoảng 1.500 ca xét nghiệm/ngày tại Anh nhưng chính phủ nước này đang có kế hoạch tăng lên 10.000 ca xét nghiệm mỗi ngày bằng cách tăng công suất xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm.

Có một vài lý do để lý giải sự khác nhau về quy mô xét nghiệm trên toàn thế giới. Một trong số lý do này là năng lực của hệ thống y tế của từng quốc gia khác nhau, bao gồm việc xác định có bao nhiêu thử nghiệm thì hợp lý.

Ví dụ tại Anh có 12 phòng thí nghiệm chuyên xét nghiệm bệnh truyền nhiễm do các cơ quan y tế công cộng điều hành. Hiện nay chính phủ Anh có kế hoạch để các phòng thí nghiệm của bệnh việc thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) thực hiện các xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên tại Mỹ cũng có 12 phòng thí nghiệm tương tự nhưng lại có dân số đông gấp 5 lần Anh trong khi Hàn Quốc có nhiều phòng xét nghiệm hơn nhiều.

Mặc khác, Anh hiện nay chỉ làm xét nghiệm đối với những người đã có triệu chứng nếu họ từng đến một quốc gia có rủi ro lây bệnh COVID-19 cao hoặc biết được họ đã có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.

Trong khi đó Ý, với số ca nhiễm virus cao hơn Anh nhiều lần, đã làm xét nghiệm trên một nhóm người rộng hơn, bao gồm những người không có triệu chứng bệnh nhưng từng đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hàn Quốc, đã trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất bên ngoài Trung Quốc trước khi bị Ý vượt qua, đã quyết định làm xét nghiệm rất nhiều người. Điển hình họ đã cho xét nghiệm tất cả tín đồ của Nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa, hơn 200.000 người, sau khi phát hiện các ca nhiễm tại đây.

Kiểm dịch sân bay

Một số quốc gia đã lập các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại sân bay và các trung tâm vận tải khác nhưng một số nước thì không.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã đề xuất “sàng lọc nâng cao” đối với hành khách đến từ Trung Quốc, Iran, Nhật và Malaysia nhưng không đo thân nhiệt khi cho rằng việc đo thân nhiệt “cho hiệu quả rất hạn chế và chỉ phát hiện một số ít trường hợp”.

“Đó là bởi vì các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến sau 5 đến 7 ngày nhiễm và thỉnh thoảng có những trường hợp phải đến 14 ngày” – PHE nói.

Sàng lọc nâng cao có nghĩa là nhân viên y tế túc trực tại các sân bay, tại các chuyến bay trực tiếp từ những điểm nóng của dịch COVID-19, để cung cấp thông tin về các triệu chứng cho hành khách và khuyến cáo họ nên khai báo nếu cảm thấy không khỏe.

Đài BBC dẫn một nghiên cứu gần đây đã chạy các mô phỏng về kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay. Kết quả các mô phỏng cho thấy việc kiểm tra thân nhiệt giúp xác định hơn một nửa số hành khách nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Ý, các sân bay và các ga tàu điện đã bắt đầu kiểm tra nhiệt độ hành khách từ đầu tháng 2 trong khi các máy dò thân nhiệt rất phổ biến tại các sân bay khắp châu Á.

Các nước đang làm gì để ngăn COVID-19 lây lan? - Ảnh 2.

Một du khách đứng gần tháp Eiffel tại Paris, Pháp – Ảnh: GETTY IMAGES

Đóng cửa trường học

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho biết đã có 14 quốc gia đóng cửa trường học trên toàn quốc và 13 quốc gia đóng cửa trường học tại một số khu vực nhất định.

Thời gian đóng cửa trường học ở các nước có khác nhau. Ví dụ, Nhật đã yêu cầu các trường học đóng cửa đến hết năm học, tức đến cuối tháng 3. Ý đóng cửa trường học toàn quốc đến 3-4 khi số ca COVID-19 đã vượt qua 10.000 ca. Trước đó, nước này yêu cầu đóng cửa trường đến 4-3 khi chỉ mới có 2.500 ca COVID-19.

Tây Ban Nha đóng cửa tất cả trường học và đại học tại vùng Madrid. Anh và Đức đóng cửa tạm thời một số trường để tiến hành khử trùng sau khi có nhân viên hoặc học sinh dương tính với SARS-CoV-2 hoặc vừa trở về từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Pháp đóng cửa các viện dưỡng lão và trường học trong 15 ngày tính từ 9-3 tại 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Brittany và vùng Oise ở phía bắc Paris.

Hủy các sự kiện tập trung đông người

Liên đoàn bóng đá Ý đã hoãn tất cả các trận đấu đến 3-4 trong khi Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ ngừng mọi hoạt động đến 23-3 trong khi một số trận đấu giữa các đội tuyển của các quốc gia ở châu Âu buộc phải diễn ra trong tình trạng đóng cửa sân vận động.

Nhật cho biết mọi thứ đều sẵn sàng để Olympic Tokyo Mùa hè khai mạc vào 24-7 nhưng nói thêm rằng các trận đấu có thể hoãn đến cuối năm nếu cần.

Nhiều địa điểm vui chơi, giải trí trên toàn thế giới đã bị đóng cửa, hạn chế vào cổng hoặc giới hạn số lượng người tham quan. Công viên Disneyland Thượng Hải chỉ bắt đầu hoạt động lại một phần từ đầu tuần này sau hơn 1 tháng đóng cửa. Disneyland Hong Kong và Disneyland tại Nhật vẫn đóng cửa.

Nhiều bảo tàng và các điểm tham quan du lịch ở châu Á đã đóng cửa.

Tháp Eiffel của Pháp yêu cầu du khách mua vé trực tuyến. Disneyland Paris vẫn mở cửa mặc dù có một số nhân viên tại công viên đã dương tính với SARS-CoV-2 từ cuối tuần qua.

Phong tỏa khu vực, hạn chế đi lại

Một số quốc gia đang xem xét biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa khu vực có ổ dịch lớn sau khi rút ra bài học và kinh nghiệm từ Trung Quốc.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã yêu cầu mọi người ở nhà và phải xin phép nếu muốn đi du lịch. Ý cũng lập các chốt kiểm dịch trên đường phố, tại sân bay và các ga tàu điện.

Iran đã hạn chế đi lại giữa các thành phố lớn nhưng không phong tỏa thành phố Qom, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở nước này. Hơn 20 quan chức chính quyền Tehran đã mắc COVID-19, bao gồm một số người đã tử vong.

Tại Hàn Quốc, các quan chức đã cách ly 2 tòa nhà tại thành phố Daegu vì có nhà của nhiều tín đồ Tân Thiên Địa. Daegu là nơi chiếm đến 3/4 các ca COVID-19 toàn quốc.

Trong khi đó Triều Tiên, chưa công bố ca COVID-19 nào, đã cách ly 380 người nước ngoài, chủ yếu là các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán, tại Bình Nhưỡng trong hơn 1 tháng để phòng ngừa.

ANH THƯ
TTO