23/12/2024

Làm toán bằng cách đếm ngón tay

Thường thường các bậc phụ huynh và thầy cô cho rằng các em giỏi toán thì nên tính trong đầu thôi, chứ cộng trừ nhân chia mà cứ xoè bàn tay ra đếm là bị cho là dở, là ngu, này nọ.

Làm toán bằng cách đếm ngón tay

Vũ Quí Hạo-Nhiên

Thường thường các bậc phụ huynh và thầy cô cho rằng các em giỏi toán thì nên tính trong đầu thôi, chứ cộng trừ nhân chia mà cứ xoè bàn tay ra đếm là bị cho là dở, là ngu, này nọ.

Nhưng từ lâu các nhà nghiên cứu trong ngành thần kinh-tâm lý học, neuropsychology, đã biết là điều đó không phải vậy. Từ lâu họ đã biết là khả năng nhận thức về ngón tay đi liền với khả năng làm toán.

Năm 1998, một nhóm nghiên cứu ở Pháp (Fayol, Barrouillet, Marinthe) phát hiện ra là trong trẻ em mẫu giáo, khả năng nhận biết các ngón tay là yếu tố chính có thể tiên đoán được khả năng làm toán một năm sau đó, bất kể các yếu tố khác như IQ. Nghiên cứu tiếp theo cho thấy khả năng nhận biết các ngón tay tiên đoán được khả năng làm toán tới cả 3 năm sau.

Một nhóm khác ở Bỉ (Gracia-Bafalluy, Noël) phát hiện là nếu tập cho các em học sinh lớp 1 phân biệt ngón tay giỏi hơn thì điểm toán các em cũng lên cao luôn, so với các em không được tập.

Rồi một nhóm ở đại học Northwestern University (Berteletti, Booth) đo não một nhóm trẻ em từ 8 tới 13 tuổi và thấy rằng khi cho các em làm toán, vùng não điều khiển các ngón tay cũng bật lên theo.

Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và tìm các thuyết để giải thích hiện tượng này, nhưng GS Jo Boaler ở Stanford thì áp dụng ngay và việc dạy và khuyên thầy cô, cha mẹ đừng chặn không cho các em đếm bằng ngón tay.

Cá nhân tôi khi cộng trừ cũng sử dụng ngón tay, hoặc có khi đếm ngay trên con số. Thí dụ như cộng hay trừ 3 thì tôi đếm 1-2-3 trên 3 “nhánh” của chữ số “3”.

GS Boaler khuyến khích tập cho các em có khả năng nhận biết ngón tay cao hơn. Thí dụ như sơn móng tay nhiều màu, sơn phím piano cũng những màu đó rồi cho các em bấm phím theo màu.

Hoặc vẽ đường ngoằn ngoèo rồi cho các em dùng ngón tay chỉ theo các đường đó, mỗi lúc mỗi thay đổi ngón tay.

Các bài tập như vậy, theo GS Boaler, sẽ giúp gia tăng khả năng nhận biết ngón tay – mà giới thần kinh tâm lý học gọi là finger gnosis trong tiếng Anh – và hy vọng, qua đó, gia tăng khả năng làm toán.

Nguồn: VOA Tiếng Việt