23/01/2025

Chúng ta nên nhìn về dịch như thế nào?

Chúng ta nên nhìn về dịch như thế nào?

Các chuyên gia tâm lý học về nhận thức rủi ro cho rằng trong trường hợp của dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta thực sự lo sợ nhiều hơn mức cần có.

 

Chúng ta nên nhìn về dịch như thế nào? - Ảnh 1.

Một người dân ở TP Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc hiện nay, ra công viên tập thể dục trong ngày 8-3 – Ảnh: Reuters

Báo The Guam Daily Post dẫn giải thích của ông David Ropeik – giáo sư về truyền thông rủi ro của Đại học Harvard, Mỹ (đã nghỉ hưu):

“Rủi ro là có thật, vì vậy cứ để bản thân ngay lập tức ghi nhận rằng đây là một vấn đề đáng lo ngại. Nhưng thách thức chính là giữ cho sự lo lắng của bạn nằm ở mức “viễn cảnh”. Vậy nên đừng làm điều gì đó vượt quá nỗi lo vì nó có hại cho cuộc sống của chính mình”.

GS Ropeik từng giảng dạy tại Đại học Harvard về nhận thức rủi ro và là tác giả của cuốn sách tựa đề Nó thật sự nguy cơ đến mức nào?

Tại sao những nỗi lo của chúng ta không lúc nào cũng cùng nhịp với sự việc thật?, trong đó nói về việc một số người trong chúng ta lo lắng quá nhiều về những điều không đúng.

Ông Ropeik nói rằng có một số lý do về mặt tâm lý khiến cho cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay gây ra nỗi sợ hãi cho chúng ta nhiều hơn cả bệnh cúm, mặc dù cho đến nay, cúm làm thiệt mạng hàng ngàn người Mỹ mỗi năm, hơn cả SARS-CoV-2.

Theo vị chuyên gia Mỹ, trước hết là vì nó mới. “Khi có điều gì đó mới mẻ, chúng ta không thể biết cần làm những gì để bảo vệ chính mình nên dẫn đến cảm giác giống như bất lực. Và điều đó khiến cho nó trở nên đáng sợ” – GS Ropeik giải thích.

“Cảm xúc được ví như bộ lọc mà thông qua nó chúng ta có thể thấy được thực tế” – GS Ropeik đúc kết và cho rằng không phải lúc nào chúng ta cũng chịu nhìn thực tế như nó phải như thế.

“Nếu nhìn vào các số liệu, bạn có thể nói rằng: ‘Chà cũng giống bệnh cúm thôi mà’. Có thể là hơi độc hơn chút nhưng tỉ lệ tử vong cũng thấp thôi mà. Đa số bệnh nhân, tôi dám nói là đến 98% sẽ hồi phục vì đó là những ca bị nhẹ. Vậy thì vấn đề lớn ở đây là gì?” – chuyên gia Paul Slovic, GS tâm lý học tại Đại học Oregon (Mỹ), nêu vấn đề.

Theo ông, sự bùng phát nhanh của SARS-CoV-2 tạo ra hàng loạt “điểm nóng” ở nhiều nước trên thế giới nên làm tăng cảm nhận về mức độ rủi ro và đôi khi tạo ra những nhận thức khác với kết luận dựa vào thực tế của giới chức y tế. “Khi chúng ta nhìn thấy những bức ảnh các nhân viên y tế mặc đồ phòng dịch kín mít chăm sóc bệnh nhân, chúng ta thấy ngay là nó khác với trị bệnh cúm” – ông Slovic giải thích.

Trong khi đó, thông tin mà mọi người nhận được từ tin tức và các phương tiện truyền thông xã hội có thể không được kiểm chứng. Theo ông Slovic: “Trong bối cảnh sự lây nhiễm xét về địa lý dường như đang gia tăng nhanh chóng và ở bất kỳ quốc gia nào, số trường hợp đều bắt đầu tương đối nhỏ và sau đó tăng lên, mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Các báo cáo chỉ tập trung vào những người bị bệnh và chết, chứ không đề cập đến những người mới nhiễm và chỉ có các triệu chứng nhẹ. Người này nói với người kia về chủng virus nguy hiểm này trên các trang mạng xã hội và tin tức, điều này càng thổi phồng nguy cơ về dịch”.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng sự thiếu kiểm soát chính là yếu tố không nhỏ trong việc biến một sự việc thành đáng sợ hãi quá hay không.

Vậy làm thế nào để mọi người có thể giảm thiểu rủi ro phản ứng thái quá ở bản thân và những người khác?

Lời khuyên là: Không truyền bá về những diễn biến quá nhỏ, như sai sót của các nhà chức trách và đừng chỉ chia sẻ những điều đáng sợ, mà hãy nói cả những điều tích cực, chẳng hạn người mắc COVID-19 thông thường chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ hoặc hơn một chút.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO