22/12/2024

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt

Có cụ ông, cụ bà ở Vũ Hán không nhớ rõ tên và khuôn mặt y bác sĩ đã tận tình chữa trị cho họ. Khi xuất viện về nhà, họ đã gửi thư bày tỏ lòng biết ơn đến những “thiên thần áo trắng” đã cứu mạng họ.

 

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt - Ảnh 1.

2 vợ chồng già viết thư cảm ơn bác sĩ khi xuất viện – Ảnh: PEOPLE.CN

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại khi số ca nhiễm mới liên tục đạt mức thấp nhất trong một tháng qua. Theo số liệu Ủy ban Y tế Trung Quốc, tính đến ngày 3-3, trong tổng số 80.151 ca nhiễm COVID-19 đã có 47.204 ca xuất viện, tức là đã có 58,9% bệnh nhân khỏi bệnh.

Đội ngũ y bác sĩ là những người có công đầu trong việc chữa trị cho bệnh nhân bình phục xuất viện. Nhiều lá thư đã được các bệnh nhân viết để cảm ơn tấm lòng của họ.

Nhớ mãi tấm lòng vô bờ bến

Cụ ông họ Chu (75 tuổi) và cụ bà họ Lưu (71 tuổi) được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới ngày 20-1, sau đó được chuyển vào Bệnh viện số 4 Vũ Hán. Hôm 16-2, hai cụ được xuất viện. Không nhớ hết tên các y bác sĩ, không nhìn thấy mặt của họ, không biết cảm ơn như thế nào, hai cụ đành viết thư để bày tỏ tấm lòng:

“Mỗi một y bác sĩ đều rất vất vả trong phòng cách ly. Y tá chích thuốc phải đeo mấy đôi găng, kính bảo hộ thì nhòe vì hơi nước nên khó khăn hơn ngày thường. Mỗi ngày kiểm tra phòng, bác sĩ đều trao đổi với chúng tôi về bệnh tình, thông báo kết quả xét nghiệm, nói với chúng tôi phải giữ tâm trạng vui vẻ chữa trị.

Sau hơn 20 ngày tích cực chữa trị, bệnh tình hồi phục, chúng tôi bật khóc vì vui mừng. Chúng tôi chân thành cảm ơn bệnh viện đã đào tạo những chiến sĩ áo trắng không sợ hiểm nguy, tận tình cứu chữa bệnh nhân. Chúng tôi tận mắt chứng kiến y đức, y thuật, xem bệnh nhân như người nhà của đội ngũ y bác sĩ với tấm lòng nhân ái bao la.

Thật không may khi bị nhiễm bệnh, nhưng chúng tôi lại rất may mắn khi gặp được đội ngũ y bác sĩ giỏi đầy lòng thương người đến từ Chiết Giang. Tuy không nhìn rõ mặt các y bác sĩ nhưng chúng tôi sẽ nhớ mãi tấm lòng vô bờ bến của các y bác sĩ”.

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt - Ảnh 2.

Y tá với dòng chữ “Có tôi đây đừng sợ” trên tay áo – Ảnh: CHINANEWS

Những người anh hùng thật sự

Một bệnh nhân COVID-19 họ Lưu tại bệnh viện dã chiến Quang Cốc, thành phố Vũ Hán đã viết thư cảm tạ đội ngũ y bác sĩ đến từ Sơn Tây sau khi xuất viện.

“Tôi là một người Vũ Hán thích cười, thích du lịch và thích ăn mì khô. Dịch bệnh bất ngờ tấn công thành phố của tôi, làm tổn thương lá phổi của tôi, từ đó tôi bắt đầu hành trình đặc biệt chống virus corona.

Ngày 18-2, tôi từ nơi cách ly được chuyển đến bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm triển lãm Quang Cốc. Nói thật, lúc ấy tôi không muốn đến đây chút nào, cộng với sự lo lắng dồn nén do cách ly trong thời gian dài, nên tâm trạng rất xấu.

Tôi may mắn gặp được đội y bác sĩ tình nguyện Sơn Tây, hành trình cứ tưởng lạnh lẽo, không muốn nhìn lại ấy, nhờ sự có mặt của các y bác sĩ mà trở nên ấm áp.

Xin cảm ơn, các y bác sĩ mỗi sáng luôn cổ vũ tôi bằng những lời lẽ êm dịu nhất. Mỗi khi nghe cô y tá nói ‘hôm nay chỉ số rất tốt’, ‘hồi phục rất tốt’, ‘cố lên sắp được về nhà rồi’, hôm ấy chúng tôi lại tràn trề hi vọng.

Tuy chúng tôi không nhìn thấy mặt y bác sĩ, tôi biết các anh chị là những thiên thần áo trắng đẹp nhất! Những ai nói ngôi sao trên bầu trời sáng nhất, là vì bạn chưa được nhìn thấy đôi mắt của các y tá ở đây!

Xin cảm ơn, các y bác sĩ đã xem tôi như người nhà, đã quan tâm tôi như một người thân. Không chỉ chuẩn bị thuốc, còn đem đặc sản quê hương Sơn Tây đến cho chúng tôi. Chính vì sự đồng hành của các y bác sĩ, chúng tôi mới có niềm tin hồi phục, trông cậy hết vào bác sĩ.

Xin cảm ơn, các y bác sĩ đã khắc phục muôn vàn khó khăn, nhẫn nại lắng nghe bệnh nhân; thỏa mãn yêu cầu khác nhau của bệnh nhân. Hằng ngày với bộ quần áo bảo hộ nặng nề chạy đi chạy lại giữa các khu phòng bệnh; kính bảo hộ đọng đầy hơi nước vẫn phải căng mắt đọc bệnh án, đủ biết họ đã khó khăn như thế nào.

Khó khăn của người bệnh có bác sĩ gánh vác, tuy nhiên khó khăn của bác sĩ lại chỉ có bác sĩ tự gánh lấy. Y bác sĩ là những người anh hùng thật sự trong lòng chúng tôi.

Xin cảm ơn, các y bác sĩ đã hỗ trợ tinh thần cho chúng tôi, không ngừng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa cứu chữa của bệnh viện dã chiến. Đối với những bệnh nhân bị cách ly trong các môi trường khác nhau, hành trình nguy hiểm khiến chúng tôi kiệt sức.

Chúng tôi nhớ nhà, nhưng đã không còn muốn về nhà ngay, chúng tôi sẽ nghe lời bác sĩ ở lại ngôi nhà ấm áp này tích cực chữa trị, điều chỉnh tâm lý, mong chờ được ôm ấp người nhà một cách an toàn, khỏe mạnh!

Chúc cho đội ngũ y bác sĩ Sơn Tây cũng nhớ nhà như chúng tôi sớm hoàn thành nhiệm vụ, về nhà đoàn tụ”.

Bác sĩ Lý, chúng tôi yêu bác!

Một bệnh nhân họ Trần viết thư cảm ơn đội bác sĩ tình nguyện Sơn Tây khi được xuất viện bệnh viện dã chiến Giang Hán.

“Đứng trước cổng bệnh viện dã chiến Giang Hán, nhớ lại 20 ngày qua, nếu như không có những tấm lòng từ khắp nơi trên tổ quốc, y thuật của chiến sĩ áo trắng, tôi và người nhà giờ đây không biết đi về đâu, người dân Giang Thành cũng không biết về đâu, thành phố Vũ Hán liệu có còn xinh đẹp như xưa?

Phòng làm việc đơn sơ, con virus corona tiềm ẩn khắp nơi, trong tiết trời vẫn còn giá lạnh, sao lại không thấy một hình ảnh uể oải nào? Chẳng lẽ mọi người không sợ? Các anh chị đã nói, đây là một trận chiến không khói súng.

3h50 sáng, tất cả bệnh nhân đều đang ngon giấc. Mùa xuân đã đến, ngoài kia tuyết rơi mưa lớn. Trời lạnh như vậy, mệt như vậy, y bác sĩ vẫn kiên trì ngồi trực ở cửa phòng, không rời nửa bước. Các y bác sĩ xem bệnh nhân quan trọng hơn cả bản thân mình. Sự trông nom săn sóc của họ, có ai nhìn mà không cảm động?

Họ mang từng hộp cơm đến cho người bệnh. ‘Chúc mọi người ngon miệng’, tiếng xe đẩy lại di chuyển sang các phòng bệnh khác. Chẳng lẽ y bác sĩ không đói? Các anh chị luôn cười và nói: ‘Chúng tôi ăn rồi’.

Tôi biết, các anh chị mỗi ngày đều bận rộn suốt mấy tiềng đồng hồ. Đói không được ăn; khát không được uống; mệt không được nghỉ; buồn ngủ không được ngủ. Ai không phải con cái của bố mẹ. Sự vô tư và tấm lòng nhân ái đó, khiến chúng tôi cảm kích vô cùng.

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt - Ảnh 3.

Bức thư cảm ơn của 2 vợ chồng già – Ảnh: PEOPLE.CN

Cô y tá Tục Thể Hồng – thiên thần áo trắng Tấn Trung Sơn Tây, cái tên mới đẹp làm sao. Không nhìn được mặt cô, nhưng nhìn thấy tâm hồn đẹp như cầu vồng của cô. Đôi vớ bệnh nhân bị rách, cửa hàng chưa mở cửa, cô không mua được vớ ở Vũ Hán. Thế là, cô đã liên hệ người nhà từ Sơn Tây gửi vớ, bột giặt và đặc sản Sơn Tây cho bệnh nhân. Cô đã xem mỗi một bệnh nhân chẳng khác người nhà của mình.

Bác sĩ Lý Phi bệnh viện số 1 Vận Thành Sơn Tây, giọng nói của bác sĩ mới ấm áp làm sao. Khi kiểm tra phòng, bác kiểm tra tỉ mỉ, giải thích kỹ càng, dặn dò cẩn thận. Khi thăm hỏi bệnh nhân luôn quan tâm động viên. Khi kiểm tra xong chuẩn bị ra khỏi phòng, một bệnh nhân nói với theo: ‘Bác sĩ Lý, chúng tôi yêu bác!’ Đôi mắt đằng sau cặp kính bảo hộ cũng ánh lên nụ cười, ‘Tôi cũng yêu các bạn’.

Bà cụ 61 tuổi bệnh tình không ổn định, tâm trạng bất an, khó chịu. Bác sĩ Hoắc Hải Đòa, bệnh viện Hiếu Nghĩa Sơn Tây, nhiều lần đến bên bệnh nhân ân cần thăm hỏi, an ủi. Một hôm, bà cụ lại bức bối buồn bực trong người, bác sĩ Hoắc cúi người nắm lấy tay bà, nhỏ nhẹ nói bệnh tình cụ đang tiến triển tốt, phải uống thuốc đều độ, ăn cơm đầy đủ, có nhiều người ở đây giúp đỡ, nhất định sẽ hồi phục.

‘Ngoan, nghe lời điều trị cụ nhé!, bác sĩ Hoắc dặn dò trước khi đi. Phòng bệnh lặng đi, các bệnh nhân đều nghẹn ngào. Từ đó trở đi, bệnh nhân trong phòng đều yên tâm tích cực chữa trị”.

CẢNH CHÁNH
TTO