25/12/2024

Dịch COVID-19 thách thức kinh tế toàn cầu

Dịch COVID-19 thách thức kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009 và có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu dịch Covid-19 kéo dài, không được kiểm soát.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe các tài xế tại Seoul, Hàn Quốc	
 /// Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe các tài xế tại Seoul, Hàn Quốc  Ảnh: Reuters
Dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động ở Trung Quốc, ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các quốc gia trên thế giới đang phải nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Nguy cơ kinh tế ảm đạm

Trong báo cáo ngày 3.3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,4% trong năm 2020, giảm so với mức 2,9% trong tháng 11.2019. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể giảm phân nửa và chỉ đạt 1,5%.
OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2021, nếu dịch Covid-19 đạt đỉnh ở Trung Quốc trong quý 1/2020 và các ổ dịch tại những quốc gia khác được kiểm soát. Tuy nhiên, trong viễn cảnh tồi tệ nhất là dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, nền kinh tế nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
“Vì thế, chúng tôi kêu gọi các nước tăng cường biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 càng nhanh càng tốt”, ông Laurence Boone, chuyên gia kinh tế của OECD nói với BBC. OECD đồng thời kêu gọi các chính phủ tăng cường đầu tư hệ thống y tế, cùng khoản vay ưu đãi khẩn cấp cho những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19.
OECD đưa ra dự báo giữa lúc các ngân hàng trung ương trên thế giới nỗ lực tìm kiếm hoặc áp dụng biện pháp nhằm giúp ổn định thị trường, bao gồm giảm lãi suất cho vay. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ nhóm G7 tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngày 3.3 để thảo luận về chính sách kinh tế phối hợp nhằm ứng phó dịch Covid-19. Tuy nhiên, Reuters dẫn lại dự thảo tuyên bố chung G7 cho thấy nhóm sẽ không đưa ra chính sách y tế, tài chính và tiền tệ phối hợp.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ, đặc biệt là những quốc gia nghèo.

Hàng loạt bên thiệt hại

Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc “đóng cửa” vì dịch Covid-19 sẽ đe dọa nền kinh tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và thậm chí cả Mỹ, tác động đến đời sống hàng tỉ người khắp thế giới, theo tờ The New York Times. Những tập đoàn lớn như Apple, Microsoft, AB InBev và Pfizer đã chịu tác động rõ rệt. Ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia kinh tế tại tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), đánh giá Đông Nam Á cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo mới đây của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ước tính dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho ngành du lịch thế giới ít nhất 22 tỉ USD do số lượng du khách Trung Quốc sụt giảm. Chẳng hạn, ở Thái Lan, khoảng 10.000 hướng dẫn viên du lịch đã mất việc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo tờ Bangkok Post.
Công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon dự đoán thị trường nhiên liệu máy bay ở châu Á năm nay sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng chưa từng có vì dịch Covid-19, giảm khoảng 50% lợi nhuận, giữa lúc các hãng hàng không thế giới đình chỉ nhiều chuyến bay và hành khách hủy vé.
PHÚC DUY
TNO