Hoà bình với Taliban, ông Trump lại ghi thêm điểm
Hoà bình với Taliban, ông Trump lại ghi thêm điểm
Một trong những lời hứa của ông Trump khi tranh cử cách đây bốn năm là rút binh sĩ Mỹ khỏi cuộc chiến dài hơi và tốn kém ở Afghanistan. Giờ ông bắt đầu thực hiện điều đó ở giai đoạn tranh cử cho nhiệm kỳ hai.
Ngày 29-2, gần như cả đất nước Afghanistan và rất nhiều người dân Mỹ ngóng về Doha ở Qatar nơi phái đoàn Mỹ cùng đại diện của phong trào Taliban ngồi xuống cạnh nhau để đặt bút ký cho một thỏa thuận hòa bình được đánh giá là lịch sử: chấm dứt sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan, mở ra cơ hội ngưng tiếng súng ở quốc gia Nam Á sau 20 năm bị can thiệp từ bên ngoài.
Cuối cùng thì người dân Afghanistan sẽ được quyết định vạch ra tương lai cho mình. Do đó, chúng tôi kêu gọi nhân dân Afghanistan hãy nắm bắt cơ hội hòa bình này và một tương lai mới cho đất nước mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cùng thua, cùng thắng
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm 2018 và đã ít nhất hai lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sĩ Mỹ hồi tháng 9 và 12-2019. Lần này Mỹ đưa ra một yêu cầu không quá khó: giảm bạo lực trong 7 ngày trước cuộc gặp ở Doha để chứng tỏ thiện chí.
Taliban đã làm được điều đó. Bộ Nội vụ Afghanistan lẫn tướng Mỹ Scott Miller, chỉ huy lực lượng quốc tế Mỹ – NATO tại Afghanistan, đều ghi nhận tình trạng giảm bạo lực trong thời gian qua. Thậm chí ngay trước buổi ký kết, lãnh đạo Taliban đã kêu gọi các tay súng “dừng tấn công để đạt được thỏa thuận với người Mỹ, đem lại hòa bình cho Afghanistan”.
Nắm chắc tình hình sẽ đạt thỏa thuận, ngày 28-2, Tổng thống Donald Trump tự tin tuyên bố: “Theo chỉ đạo của tôi, Ngoại trưởng Mike Pompeo sắp chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận với các đại diện của Taliban trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ ra tuyên bố chung với Chính phủ Afghanistan”.
Như vậy ông Trump đã thực hiện được lời hứa khi tranh cử là rút người Mỹ khỏi cuộc chiến kéo dài gần 20 năm (nhảy vào Afghanistan gần một tháng sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001) làm gần 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và gây tốn kém gần 1.000 tỉ USD.
Cuộc chiến khiến người Mỹ chán ngán bởi nó là một thất bại. Với thỏa thuận đạt được ở Doha, ông Trump xem như ghi điểm và Taliban cũng thấy mát dạ bởi “đuổi được người Mỹ” (dù không bằng thắng lợi quân sự đúng nghĩa) và trở lại chính trường trong một tư thế đường hoàng. Xem như cả hai bên cùng thắng.
Người dân Afghanistan ít nhất cũng sẽ hưởng được những tháng ngày im tiếng súng nếu các điều khoản của thỏa thuận được thực thi tốt đẹp.
Chờ đàm phán nội bộ
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000 binh sĩ tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng vài tuần sau khi ký kết thỏa thuận. Suhail Shaheen, người phát ngôn của lực lượng Taliban, có viết trên Twitter rằng thỏa thuận giữa hai bên là rút hết quân Mỹ khỏi lãnh thổ Afghanistan không điều kiện.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định rằng kế hoạch rút tiếp số binh sĩ này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afghanistan, tương tự cách Mỹ rút quân khỏi Syria hồi năm ngoái nhưng ở quy mô lớn hơn.
Các nguồn tin quân sự cho rằng Mỹ chỉ nên rút quân từ từ, tránh để lực lượng còn lại ở Afghanistan trở thành mục tiêu của Taliban hay các tay súng thánh chiến của al-Qaeda cũng như tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Nhưng điều được trông chờ kế tiếp chính là các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính quyền Kabul bắt đầu từ ngày 10-3 tới. Dĩ nhiên điều đó sẽ cần có sự hỗ trợ từ Mỹ và quốc tế.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội. Một cựu cố vấn về vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản.
Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian.
Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại với bạo lực.