25/12/2024

Vì sao corona bùng phát mạnh ở Nhật, Hàn và Iran?

Vì sao corona bùng phát mạnh ở Nhật, Hàn và Iran?

Trong khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có vẻ đã được kiểm soát, nỗi hoang mang đang bao trùm nhiều nước giữa lúc Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo cơ hội ngăn chặn dịch lan rộng ra thế giới đang nhỏ dần.

 

 

 

Vì sao corona bùng phát mạnh ở Nhật, Hàn và Iran? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế khử trùng một trung tâm mua sắm tại thành phố Daejeon lớn thứ 5 Hàn Quốc trong ngày 22-2 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, tính tới cuối ngày 22-2, đã có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có người nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19).

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có người nhiễm cao thứ 2 và thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Iran, quốc gia cách Trung Quốc hơn 5.600km, là nước có số người chết nhiều thứ hai, trên cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhà thờ và bệnh viện thành ổ dịch ở Hàn Quốc

Số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng đột biến trong ngày 22-2 với 229 ca mới được xác nhận. Đây là mức tăng nhiều nhất trong một ngày ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên con số 433. Phần lớn các ca nhiễm mới đều được ghi nhận tại một bệnh viện quận Cheongdo thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc và nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở Daegu – thành phố lớn thứ 3 Hàn Quốc.

Trong số 229 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh mới, 95 ca liên quan đến Bệnh viện Daenam ở Cheongdo, nơi xảy ra ca tử vong do virus corona đầu tiên ở Hàn Quốc, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Tính ra tổng cộng đã có 114 trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Bệnh viện Daenam, trong đó có 102 bệnh nhân. Toàn bộ bệnh viện đã bị phong tỏa, theo Hãng thông tấn Yonhap.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao đã biết được về sự lây lan nhanh của bệnh mà cả tháng sau vẫn còn hiện tượng bùng phát mới ở cấp độ lớn. Các trường hợp được ghi nhận gần đây cũng cho thấy không phải tất cả bệnh nhân COVID-19 đều có biểu hiện triệu chứng dễ thấy. Đây từng là nguyên nhân chủ quan khiến hơn 1.700 y bác sĩ nhiễm bệnh ở Trung Quốc.

Nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu cũng biến thành ổ dịch. 231/433 bệnh nhân COVID-19 đã từng tham dự các nghi lễ tại nhà thờ này. KCDC xác nhận đã bắt buộc 9.336 tín đồ của giáo phái này cách ly, bao gồm 544 trường hợp nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm.

Bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc, một tín đồ của Tân Thiên Địa, bị nghi ngờ là người gây ra tình trạng siêu lây nhiễm khi tham gia các nghi lễ của nhà thờ. Tuy nhiên, KCDC không chắc người phụ nữ này là “bệnh nhân số 0” làm bùng phát ổ dịch ở Daegu hay không.

Vì sao corona bùng phát mạnh ở Nhật, Hàn và Iran? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đưa môt bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới Bệnh viện Chuncheon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) ngày 22-2 – Ảnh: REUTERS

Iran bối rối, Nhật im lặng

Iran, quốc gia từng viện trợ 3 triệu khẩu trang cho Trung Quốc phòng dịch, đang là nước có nhiều người chết vì COVID-19 chỉ sau Trung Quốc. Quốc gia này không phát triển du lịch và không có chuyến bay nào đến Trung Quốc kể từ ngày 23-1, theo thống kê của báo New York Times. Điều này khiến giới chức Iran bối rối bởi họ không hiểu dịch bệnh đã vào nước này bằng cách nào và lây lan ra sao.

Một quan chức y tế Iran lo ngại có lẽ virus đã lan ra khắp các thành phố lớn ở nước này trong lúc vẫn chưa xác định được “bệnh nhân số 0”. Bốn người Iran đã chết chỉ tính riêng trong ngày 21-2 với 18 ca bệnh.

Theo Hãng thông tấn AFP, Mỹ đã yêu cầu công dân mình không đi du lịch bằng du thuyền ở châu Á và còn gọi đây là “những máy khuếch đại virus corona”. Một số người Úc và một người Israel rời du thuyền Diamond Princess đang bị mắc kẹt tại Nhật Bản đã được xét nghiệm dương tính với virus corona mới khi trở về nước. Họ từng được khẳng định không nhiễm virus trước khi lên máy bay rời Nhật Bản.

Việc cách ly tàu Diamond Princess đã khiến chính quyền Nhật bị chỉ trích là nguyên nhân khiến số ca nhiễm trên tàu tăng lên 634 người chỉ trong vòng 2 tuần. Những trường hợp ở Úc, Israel như đã nói ở trên sẽ khiến Tokyo bị đánh giá tiếp chính sách cho phép các hành khách mà họ xác định là âm tính trên tàu Diamond Princess hồi hương.

Lây nhiễm theo đường không rõ ràng

Phát biểu trong cuộc họp báo ngắn ngày 22-2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận ông lo ngại về số ca nhiễm không có mối liên hệ dịch tễ rõ ràng dù tổng số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc vẫn còn nhỏ. Theo ông Tedros, các trường hợp không có “liên hệ rõ ràng” là những người không đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận.

Người đứng đầu WHO lo ngại khả năng bùng phát dịch ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém, đặc biệt là 13 nước châu Phi mà tổ chức này đã lập danh sách ưu tiên nếu xảy ra dịch.

17

đó là số tỉnh thành Hàn Quốc được xác nhận có trường hợp người nhiễm bệnh COVID-19. Tổng số người Hàn Quốc được xét nghiệm virus đã lên tới hơn 20.000 người, trong đó đã có 15.116 người cho kết quả âm tính, còn 6.037 người đang chờ kết quả.

Trong ngày 22-2, hãng sản xuất điện tử Samsung đã thông báo đóng cửa tạm thời một tổ hợp nhà máy điện thoại thông minh tại thành phố Gumi, phía đông nam nước này, sau khi kết quả xét nghiệm virus corona chủng mới của một nhân viên làm việc tại đây cho kết quả dương tính.

Đường dây nóng cho công dân Việt Nam

Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ra thông báo lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đến ngày 21-2, chưa có thông tin nào về công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc là +82 10 6315 6618; hoặc số điện thoại của tổng đài bảo hộ công dân là +84 981 84 84 84. (BẢO DUY)

BẢO DUY
TTO