24/11/2024

Cao tốc Bến Lức – Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô

Cao tốc Bến Lức – Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô

Trước mắt hai gói thầu tạm dừng thi công, nhiều khả năng chủ đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành phải bồi thường khoảng 70 triệu USD cho nhà thầu. Nhà tài trợ đã huỷ bỏ cấp vốn vay 170 triệu USD vì hiệp định vay hết thời hạn…

 

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đến nay mới đạt 75% tiến độ – Ảnh: VY CHIẾN

Thế nhưng công trình trọng điểm này ngừng, thiệt hại không chỉ dừng lại ở những con số mà giao thông kết nối Đông Tây cũng tắc. Từ đó việc giảm tải giao thông cho TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng rơi vào bế tắc.

Đình trệ nhiều tháng liền

Ngày 20-2, trở lại công trường tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, đoạn trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM, chúng tôi thấy hai cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam là cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè) và cầu Phước Khánh (tỉnh Đồng Nai) đều chưa được kết nối hoàn thiện.

Tại khu vực công trường thi công cầu Bình Khánh, vật liệu xây dựng, thiết bị nằm ngổn ngang, công trường vắng lặng, không công nhân nào làm việc. Gần đó, khu vực lán trại cũng không có một bóng người.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến điểm đầu đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bình Chánh), đây là nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Ở khu vực này, chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn đường đứt quãng, thi công nham nhở, khói bụi mù mịt. Do công trình đã ngưng thi công nhiều tháng nay, cỏ dại bắt đầu mọc um tùm trở lại trong khu vực công trường.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn – một người dân sống gần đó – cho biết hơn 4 tháng nay công trình này đột ngột ngưng thi công, vật liệu xây dựng vẫn còn đổ ngổn ngang, khói bụi, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

“Người dân ở đây cũng rất mong chính quyền sớm triển khai các giải pháp hoàn thiện cao tốc này để chúng tôi có thêm một lựa chọn đi lại, đồng thời giảm bớt khói bụi quanh công trình” – ông Nhàn nói.

Trong khi đó, tại điểm giao cắt quốc lộ 50 với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc gói thầu A2-2 cũng ngổn ngang do vướng hơn 20 hộ dân chưa giải tỏa xong.

Theo thiết kế dự án, đây là một nút giao thông có quy mô lớn, bao gồm xây dựng hai cầu vượt qua quốc lộ 50 với 4 làn xe. Thế nhưng tới nay, ở đây chỉ mới xây dựng xong một cầu vượt, còn một cầu vẫn chưa thể thi công.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ ngày 17-2-2020, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư, gọi tắt là VEC) cho biết vướng mắc lớn nhất là từ tháng 1-2019 đến nay VEC chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công.

Việc này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu thực hiện dự án.

Chậm 2 năm và sẽ còn… chậm nữa

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công ngày 19-7-2014 là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 31.320 tỉ đồng, trong đó gồm vốn vay ADB là 636 triệu USD.

Vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 337 triệu USD.

Dự án có tổng chiều dài 57,1km đi qua các tỉnh thành Long An, TP.HCM và Đồng Nai, được xây dựng 4 làn xe lưu thông với vận tốc 120km/h và 2 làn dừng khẩn cấp.

Điểm đầu giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang), điểm giữa giao với đường vành đai 3, điểm cuối giai đoạn 1 giao với quốc lộ 51 và điểm cuối dự án giai đoạn 2 giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Dự kiến ban đầu thời gian hoàn thành vào năm 2018 nhưng nay mới đạt 75% tiến độ.

Thiệt hại không chỉ là con số

Về nguyên nhân thiếu vốn, theo VEC, do đơn vị này chưa hoàn thành tái cơ cấu tài chính, nguồn vốn đầu tư 5 dự án.

Vì vậy, nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội đã quyết nghị “giao Chính phủ chưa phân bố nguồn vốn nước ngoài cho VEC” và tại nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15-7-2019 của Chính phủ cũng quyết nghị “chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án VEC làm chủ đầu tư”.

Ngoài ra, trong giai đoạn bắt đầu kế hoạch 2019, sau khi chuyển giao VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước lại chưa xác định được Bộ Giao thông vận tải hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan chủ trì đăng ký tiếp nhận, giao kế hoạch vốn đầu tư công.

Do đó, các dự án của VEC chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước năm 2019.

Do thiếu vốn, VEC vừa nợ các nhà thầu thi công xây lắp công trình và không có tiền chi trả công tác giải phóng mặt bằng cho 57 hộ dân tại TP.HCM, Đồng Nai. Từ đó làm phát sinh nhiều khiếu kiện từ các hộ dân và một phần dự án chậm nữa do phải xử lý nền đất yếu làm cao tốc.

Cũng theo VEC, hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chấm dứt khoản vay 170 triệu USD vì thời gian kết thúc hiệp định vay vào ngày 30-10-2019.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 17-2-2020, ông Trần Văn Tám – tổng giám đốc VEC – cho biết việc chưa xử lý dứt điểm xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và việc chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công đã dẫn đến các dự án đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không hoàn thành đúng tiến độ, kéo dài thời gian thi công, phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư dự án.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sau khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM.

Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng cao tốc, quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai – Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành (sắp xây dựng).

Ngoài ra, dự án cũng rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại.

Từ đó dự án này sẽ thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển và tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia), TP.HCM, Vùng Tàu.

Do đó, dự án đình trệ không chỉ là câu chuyện làm đội vốn, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện mà mục tiêu đặt ra về kết nối giao thông cũng rơi vào bế tắc.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô - Ảnh 3.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, đoạn nối với quốc lộ 50 (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Chậm vì vướng đủ thứ

Theo Bộ GTVT, kế hoạch của VEC về nhu cầu vốn cho các dự án năm 2019-2020 là 121,5 tỉ đồng vốn đối ứng và 298,5 tỉ đồng vốn nước ngoài.

Với phần vốn vay nước ngoài, nghị quyết 71/2018 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa giao vốn cho VEC.

Vì vậy, từ tháng 9-2019, Bộ GTVT đã có hai văn bản báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.

Bộ GTVT cũng có văn bản gửi Bộ KH-ĐT đề xuất giao vốn ngân sách trung ương năm 2019 cho các dự án do các tập đoàn, tổng công ty thực hiện.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (VEC – chủ đầu tư đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là công ty trực thuộc ủy ban này) báo cáo Thủ tướng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tháo gỡ.

Với vốn đối ứng, kế hoạch năm 2019 chưa giao vốn do vướng văn bản số 2393/TTg-KTTH năm 2015 của Thủ tướng về vốn điều lệ của VEC. Văn bản này nói: “Đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỉ đồng.

Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh vốn điều lệ của VEC và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định”.

Trong khi đó, nếu chiếu theo quy định mới của nghị quyết 50/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ thì không còn phù hợp nên việc giao vốn bị ách lại.

Ngoài ra, nghị định 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công cũng quy định: “Đối với chương trình, dự án được áp dụng cơ chế vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thì người vay lại phải tự thu xếp nguồn vốn đối ứng”. Do đó, hiện chưa thể tiếp tục bố trí được vốn đối ứng cho VEC.

Theo Bộ GTVT, hiện nay Bộ KH-ĐT được giao soạn thảo nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Do vậy, đề nghị ủy ban báo cáo Chính phủ tháo gỡ các nội dung liên quan tại nghị quyết 50 và nghị định 79.

“Trong khi Thủ tướng chưa giao thẩm quyền cấp quyết định đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước với trách nhiệm là cơ quan chủ quản có ý kiến về các kiến nghị của VEC, đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án” – một lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị. (TUẤN PHÙNG)

NGỌC ẨN – THU DUNG
TTO