Động vật thí nghiệm được ‘nghỉ hưu’ khi xong nhiệm vụ
Động vật thí nghiệm được ‘nghỉ hưu’ khi xong nhiệm vụ
Quyết định mới của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được xem như chiến thắng cho các tổ chức nỗ lực vận động cho quyền của động vật thí nghiệm.
Theo trang The Hill (Mỹ), FDA vừa cho phép nhiều động vật sẽ được “nghỉ hưu” sau một khoảng thời gian cống hiến cho khoa học. Quy định này còn cho chúng có quyền được các cá nhân hoặc tổ chức hỗ trợ quyền động vật nhận nuôi nhằm trở lại đời sống bình thường.
Đây được xem là bước tiến khi một tổ chức cấp liên bang đáp ứng những lời kêu gọi của không ít tổ chức bảo vệ động vật mong muốn sự công bằng cho các động vật thí nghiệm. Trước đó, đa số động vật sau khi hết nhiệm vụ sẽ được cho an tử, tức cái chết êm ái.
“FDA có một bộ phận đối ngoại giúp sắp xếp nơi ở cho các động vật sau thí nghiệm”, ông Monique Richards, đại diện FDA, nói với The Hill. Những loài vật “may mắn” nằm trong danh sách hỗ trợ lần này của FDA là chó, mèo, thỏ, lợn guinea cũng như một số gia súc như lợn hay cừu.
Bước đi của FDA là tiếp nối các quyết định của Bộ Cựu chiến binh (2018) và Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (2019) về việc cho động vật cống hiến cho khoa học quyền nghỉ hưu và được nhận nuôi sau khi xong nhiệm vụ.
Một số tiểu bang như California, Connecticut, Illinois, Minnesota, Nevada, New York và Maryland cũng đã có những quy định riêng hỗ trợ cho các động vật thí nghiệm.
Theo thống kê, hằng năm ở Mỹ có khoảng vài chục ngàn động vật thí nghiệm được sử dụng. Riêng FDA, trong năm 2018, cơ quan này đã dùng đến gần 2.000 động vật, 27% trong số đó gặp thương tích sau nhiệm vụ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù gặp tổn thương như thế nhưng chúng vẫn có thể tiếp tục sống tốt nếu được thả về tự nhiên.
Sáng kiến của FDA ra đời khi tổ chức này cho nghỉ hưu 26 con khỉ sóc đã tham gia một nghiên cứu về chất nicotine vào năm 2018. Số khỉ trên được hỗ trợ hòa nhập trong môi trường nuôi nhốt ở Florida trước khi được đưa về môi trường tự nhiên trong tháng 2 năm nay.
Năm 2019, FDA cũng lên kế hoạch giảm số lượng động vật sử dụng trong nghiên cứu, hạn chế số giờ làm thí nghiệm trên động vật…
Theo ông Justin Goodman – phó giám đốc tổ chức White Coat Waste Project, chuyên vận động quyền cho các động vật thí nghiệm, động vật sau khi được nhận nuôi cần được các cá nhân hoặc tổ chức có chuyên môn và tâm huyết để giúp chúng “tái hòa nhập” với cuộc sống đằng sau gian phòng thí nghiệm.
“FDA nên giữ vai trò thúc đẩy cho những cơ quan liên bang khác có hoạt động thí nghiệm động vật có thể có những quyết định ý nghĩa khác” – Goodman nói.