28/12/2024

Dấu ấn của niềm tin tại EU vào Việt Nam qua EVFTA

Trong bối cảnh phải cân nhắc giữa lợi ích hợp tác kinh tế và những vấn đề cần quan tâm, Nghị viện châu Âu (EP) đã chọn đặt niềm tin vào Việt Nam qua hiệp định EVFTA.

Dấu ấn của niềm tin tại EU vào Việt Nam qua EVFTA

Trong bối cảnh phải cân nhắc giữa lợi ích hợp tác kinh tế và những vấn đề cần quan tâm, Nghị viện châu Âu (EP) đã chọn đặt niềm tin vào Việt Nam qua hiệp định EVFTA.

Dấu ấn của niềm tin tại EU vào Việt Nam qua EVFTA - Ảnh 1.

Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu tại Pháp – Ảnh: TTXVN

Chiều 12-2 theo giờ Việt Nam, EP đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam, còn gọi là EVFTA. Thoả thuận này thực chất bao gồm hai hiệp định riêng biệt: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Giàu tham vọng

Tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg ngày 12-2, các nghị sĩ EP đã bỏ phiếu chọn thông qua EVFTA và EVIPA với tỉ lệ được Hãng tin AP cho là “áp đảo”: EVFTA nhận 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng; còn EVIPA nhận 407 phiếu thuận.

Theo thoả thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam, và phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm. Theo chiều ngược lại, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 – thời điểm dự kiến EVFTA có hiệu lực, và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm.

Trong khi đó, IPA buộc hai bên đảm bảo an toàn cho tài sản và vốn của nhà đầu tư đối tác, thông qua cam kết đối xử công bằng, thoả đáng, tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, không trưng thu, quốc hữu hoá tài sản của nhà đầu tư mà không bồi thường thoả đáng… Trong tranh chấp đầu tư, hai bên cũng sử dụng cơ chế giải quyết thường trực thay vì phương pháp toà trọng tài trong từng trường hợp.

Những lá phiếu thuận đại diện cho các thành viên tin rằng hai hiệp định trên sẽ giúp xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỉ euro (16,4 tỉ USD) trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 8,3 tỉ euro vào năm 2035, đạt mốc 22 tỉ euro/năm.

Xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thiết bị viễn thông, thực phẩm và quần áo. Trong khi đó, phía EU sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam ở các lĩnh vực như máy móc, thiết bị giao thông vận tải, hoá chất và sản phẩm nông nghiệp.

Trình bày một cách cụ thể hơn về tham vọng của EU, nghị sĩ phụ trách điều hành các thoả thuận thương mại qua EP – ông Geert Bourgois – cho rằng thoả thuận với Việt Nam sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa EU với Việt Nam giữa bối cảnh châu Âu chịu sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc và Mỹ.

Về phần Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chiều 12-2 cũng nhấn mạnh lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên.

“EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035.

Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp hai bên”, ông Bùi Thanh Sơn trả lời phóng viên.

Niềm tin chiến thắng hoài nghi

Trong tháng 1-2020, Ủy ban thương mại quốc tế của EP (INTA) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề nghị EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Hãng tin Reuters cho rằng việc INTA ủng hộ hai hiệp định trên là bằng chứng cho thấy EP sẽ quyết định phê chuẩn.

Nhưng dù đã được dự đoán trước, kết quả này vẫn thu hút sự chú ý của dư luận, trong bối cảnh có thông tin cho rằng một số đảng, nghị sĩ EU lo ngại về cam kết của Việt Nam đối với cơ chế đảm bảo thực thi, thực thi quyền lao động, quyền con người, việc đánh bắt cá trái phép…

Nhưng sau cuộc bỏ phiếu của EP cũng như kiến nghị của INTA trước đó, EU cho thấy họ đã chọn tin tưởng vào Việt Nam, lấy tương lai và những điểm chung trong thúc đẩy tự do hoá thương mại làm động lực chiến thắng hoài nghi.

Và điều đặc biệt là cả EU lẫn Việt Nam đều thẳng thắn nhìn vào những điểm khác biệt giữa hai bên. Cần biết rằng EU đã hành xử quyết đoán trong vấn đề nhân quyền khi cùng lúc rút một phần thoả thuận ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) cho Campuchia.

Hôm 12-2, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề cập rõ ràng về khó khăn trong đàm phán với EU như sau:

“Kết quả bỏ phiếu tại EP cho thấy phần lớn các nghị sỹ ủng hộ EVFTA và EVIPA song cũng có một bộ phận chưa thể hiện quan điểm tích cực. Có những đảng trong EP kiên quyết theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường nội địa, không ủng hộ các thoả thuận thương mại tự do (FTA), mặc dù ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Nhiều nhóm nghị sĩ lại đặc biệt quan tâm những vấn đề về phát triển bền vững, chống đánh bắt cá trái phép, việc thực thi các tiêu chuẩn cao về lao động,vấn đề quyền con người, lao động trẻ em, các cơ chế bảo đảm hiệu quả thực thi…”.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, “quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của của các nghị sĩ và các quốc gia thành viên EU về vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU”.

“Do vậy, quá trình chúng ta trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn 700 nghị sĩ EP hiểu về thực tế khách quan ở Việt Nam, nỗ lực cải cách và hội nhập của Việt Nam, phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm là hết sức kịp thời và hiệu quả, được bạn (EU) đánh giá rất cao”, ông Bùi Thanh Sơn nói về nỗ lực tiến gần tới nhau giữa Việt Nam và EU.

Đề cập tới các vấn đề của Việt Nam, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan ngày 11-2 khẳng định vấn đề nhân quyền của Việt Nam “chắc chắn là lĩnh vực cần quan tâm”, nhưng bổ sung rằng một khuôn khổ đối thoại về điều này sẽ là cách thức để giải quyết thiếu sót, Reuters tường thuật.

Trong hôm 12-2, AP cũng dẫn lời ông Bourgois nói: “Những thoả thuật chất lượng cao như vậy mang tới thời cơ duy nhất để thúc đẩy mục tiêu của EU trong việc trở thành một thế lực địa chính trị, có khả năng bảo vệ thương mại tự do, phản đối chủ nghĩa bảo hộ và nêu bật những tiêu chuẩn toàn cầu về lao động, môi trường và nhân quyền”.

EVFTA là thoả thuận thương mại thứ hai mà EU ký với một nước Đông Nam Á sau hiệp định với Singapore. Trong mắt EU, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và sẵn sàng cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, khắt khe, mà theo báo Đức Deutsche Welle, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng kinh tế lớn nhất.

 

NHẬT ĐĂNG

TTO