Cùng chống ‘virus trục lợi’ gây hại cộng đồng
Đó là “virus” cũ, tồn tại đã lâu, có cơ hội lại bùng lên gây hại cộng đồng. Phòng chống dịch không chỉ bảo vệ mình, mỗi người cần thực hiện tích cực tham gia bảo vệ cộng đồng. Cần tỉnh táo, cảnh giác, cùng phát hiện, lên tiếng và chung tay xử lý những kiểu trục lợi, thói ích kỷ gây hại xã hội.
Cùng chống ‘virus trục lợi’ gây hại cộng đồng
Đó là “virus” cũ, tồn tại đã lâu, có cơ hội lại bùng lên gây hại cộng đồng.
Phòng chống dịch không chỉ bảo vệ mình, mỗi người cần thực hiện tích cực tham gia bảo vệ cộng đồng. Cần tỉnh táo, cảnh giác, cùng phát hiện, lên tiếng và chung tay xử lý những kiểu trục lợi, thói ích kỷ gây hại xã hội.
Bệnh dịch corona từ nước láng giềng Trung Quốc đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cả nước. Tuy có kinh nghiệm phòng chống dịch SARS trước đây, đã báo động sớm, phản ứng nhanh, nhưng số người diện nghi nhiễm nCoV vẫn đang gia tăng, tập trung cao ở tỉnh Vĩnh Phúc và số người nhập cảnh từ tâm dịch Vũ Hán cũng như số người có tiếp xúc với người đã nhiễm virus.
Thiệt hại ban đầu đã thấy rất rõ qua việc hàng triệu học sinh phải nghỉ học kéo dài; nhiều lễ hội, chương trình văn hóa, giải trí, thể thao phải hủy hoặc gác lại; trung tâm thương mại, khách sạn lớn đìu hiu, vắng khách; hoạt động vận tải, du lịch, xuất khẩu nông sản tuột dốc…
Chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn, từ lĩnh vực sản xuất đến thương mại, trước hết là các ngành kinh tế chủ lực. Theo dự báo sơ bộ của Bộ Kế hoạch và đầu tư: tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng chỉ đạt 6,27%, thậm chí chỉ 6,09% so với mục tiêu 6,8% theo nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với sự sụt giảm về xuất khẩu, thu chi ngân sách, giải quyết việc làm, thu nhập và an sinh xã hội…
Cùng với những tác động xấu từ virus corona, xã hội còn gánh chịu hậu quả tiêu cực của sự nhiễu loạn thông tin và tình trạng lợi dụng “té nước theo mưa” của không ít cá nhân, nhóm người, được ví như những con “virus trục lợi”, ăn theo dịch bệnh. Không ít người đã coi dịch bệnh là cơ hội kiếm chác bằng cách tạo ra cơn sốt khẩu trang, bán giá cao 4-5 lần. Bao người đã không thể mua khẩu trang đúng giá. Thay vì dán thông báo xin lỗi đã hết hàng, một số hiệu thuốc tại Hà Nội vô cảm treo bảng: “Không bán khẩu trang, đừng hỏi”!
Có người nhân danh hội nhóm nghề nghiệp lên mạng xã hội kêu gọi các hiệu thuốc không bán khẩu trang, vốn là mặt hàng thuộc chức năng kinh doanh của họ. Tệ hơn, một số người “thừa nước đục thả câu” lừa đảo đồng bào mình nhằm thu lợi bất chính, điển hình như trường hợp Hồ Thị T. (Nghệ An) chiếm đoạt hơn 60 triệu đồng từ việc lừa đảo rao bán khẩu trang y tế trên mạng. Mua hàng trên mạng, nhiều người đã bị lừa chuyển tiền rồi chỉ nhận được những hộp lá cây khô thay vì khẩu trang y tế…
Một biểu hiện nữa của “virus trục lợi” là tung tin thất thiệt, chủ yếu trên mạng xã hội, gây hoang mang, lo lắng thái quá cho cộng đồng, tạo sự hoài nghi khả năng chống dịch. Như một số đối tượng đùa ác trước dịch bệnh khi làm giả quyết định, thông báo nghỉ học rồi tung lên mạng khiến các cơ quan liên quan phải khổ công đính chính.
Tại họp báo Chính phủ ngày 5-2, đại diện Bộ Công an cho biết đã triệu tập, xử lý hành chính 170 người đăng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh. Danh sách vi phạm này vẫn sẽ dài thêm trong nỗi bất an “thật giả lẫn lộn” của cộng đồng đang gồng mình phòng chống dịch.
Không ai có thể đoan chắc khi nào dịch bệnh này chấm dứt. Các quốc gia đang chạy đua nghiên cứu, điều chế văcxin trị virus chủng mới này. Nhưng “virus trục lợi” lại là thứ “virus” cũ tồn tại từ lâu, có thời cơ lại bung ra, phát tán, đang gây thêm họa cho đất nước.
NGUYỄN VĂN HÙNG
TTO