‘Cấp cứu’ nguồn máu điều trị

‘Cấp cứu’ nguồn máu điều trị

Trong khi dịch bệnh do vi rút Corona mới (nCoV) vẫn diễn biến phức tạp, thì nguồn máu điều trị thiếu hụt trầm trọng cũng đang khiến các bệnh viện lo lắng.
Người dân đến Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM hiến máu cứu người vào sáng 9.2  /// Ảnh: Duy Tính

Người dân đến Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM hiến máu cứu người vào sáng 9.2  Ảnh: Duy Tính
Theo các chuyên gia, dịp sau tết hằng năm thường “căng” về nguồn máu, nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCoV khiến khan hiếm máu càng nghiêm trọng hơn.

Chỉ dám ưu tiên máu cho cấp cứu

Một tuần sau Tết Nguyên đán 2020, ngân hàng máu tại Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM báo động máu dự trữ sắp hết, nguy cơ thiếu máu và các chế phẩm máu cho các BV điều trị. Bác sĩ (BS) Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết dịch bệnh nCoV làm ảnh hưởng rất lớn đến việc hiến máu sau tết. Mọi năm, sau tết ngân hàng máu thu nhận 800 – 1.000 túi máu/ngày. Năm nay chỉ thu nhận 200 – 300 túi/ngày, trong khi mỗi ngày phải cung cấp từ 800 – 1.000 túi máu cho các BV. Nếu tình hình này tiếp diễn sẽ giảm sút trầm trọng máu dự trữ, thiếu chế phẩm máu cung cấp cho các BV của TP. “Ngân hàng máu trước tết chuẩn bị 7.000 túi máu, nhưng đến giữa tuần rồi chỉ còn 3.900 túi”, BS Dũng nói và cho rằng nếu dự trữ giảm dưới 2.500 túi máu thì sẽ thiếu máu cục bộ ở một số nhóm.
Đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn trước khi hiến máu Ảnh: Duy Tính

Đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn trước khi hiến máu  Ảnh: Duy Tính

BS Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo (HMNĐ) TP.HCM, cho biết năm nay sau tết các BV cần rất nhiều máu so với các năm trước vì bệnh nhân nhập viện nhiều. Nhưng từ mùng 6 – 10 tết, số người hiến máu rất ít. Cả một tuần sau tết trung tâm chỉ tiếp nhận 400 – 500 túi máu, trong khi ngân hàng máu sắp hết.
Theo tiến sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và tổ chức hiến máu thuộc Viện Huyết học – Truyền máu (HH-TM) T.Ư, những ngày qua tình trạng thiếu máu, thiếu tiểu cầu khiến BS của Viện vô cùng lo lắng. Những ngày gần đây, lượng máu dự trữ của Viện chỉ ở mức 5.000 đơn vị máu, trong khi mỗi ngày Viện cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho 170 BV tại 25 tỉnh, TP.
“Thời điểm khủng hoảng nhất, chúng tôi trong kho chỉ còn chưa đến 300 đơn vị máu, mà nhu cầu cần 1.500 đơn vị máu mỗi ngày. Rất may, khi Viện “kêu cứu” và sự lan tỏa của các cơ quan báo chí, 2 – 3 ngày gần đây đã tiếp nhận được trung bình 2.000 đơn vị máu mỗi ngày nên khủng hoảng tạm qua”, TS Quân chia sẻ.
Tại Cần Thơ, BS Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa HH-TM BVĐK T.Ư Cần Thơ, thông tin mỗi ngày BV cần khoảng 130 đơn vị máu, nhưng kho máu của BV HH-TM TP.Cần Thơ đang cạn kiệt, chỉ có thể cung cấp cho BV 40 – 60% nhu cầu sử dụng.
BS Nguyễn Văn Hai, Giám đốc BVĐK Đồng Tháp, cho biết hiện một số loại máu tại BV chỉ còn vài đơn vị, BV ưu tiên cho cấp cứu. Với các bệnh mãn tính, BV “chữa cháy” bằng cách chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Đảm bảo an toàn cho người hiến máu

Trước nguy cơ cạn nguồn máu điều trị, các BV đã vận động y BS đăng ký hiến máu tình nguyện; đồng thời thông báo rộng rãi kêu gọi người dân tham gia HMNĐ.
Theo tiến sĩ Ngô Mạnh Quân, hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu và kêu gọi cả người thân, bạn bè cùng hiến máu cứu người bệnh. “Mấy ngày gần đây, hàng nghìn người đã đến Viện HH-TM T.Ư và các địa điểm khác để hiến máu. Hai ngày cuối tuần, mỗi ngày tiếp nhận 1.500 – 2.000 đơn vị máu. Người dân Hà Nội đã đeo khẩu trang tới Viện
HH-TM T.Ư để hiến máu”, tiến sĩ Quân nói và cho biết thêm, do khối tiểu cầu chỉ có thể bảo quản được 3 – 5 ngày, nên việc hiến máu cần duy trì thường xuyên. Viện kêu gọi những người hiến máu đã đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu; đã hiến máu trước đó 12 tuần hoặc đã hiến tiểu cầu trước đó 3 tuần.
Hiến máu giữa mùa dịch Ảnh: Gia Hân

Hiến máu giữa mùa dịch  Ảnh: Gia Hân

Từ 6 giờ 30 sáng chủ nhật (9.2), hàng trăm người xếp hàng dài tại Trung tâm HMNĐ TP.HCM (số 106 Thiên Phước, P.9, Q.Tân Bình) để đăng ký hiến máu. Chị Đinh Thị Diễm (24 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) người đi hiến sớm nhất, đã hiến 350 ml máu. “Tôi nghe thiếu máu nên hôm nay tôi đi hiến máu cứu người. Tôi cũng rủ bạn đi cùng. Tôi sẽ tiếp tục đi hiến máu”, chị Diễm nói. Cũng có mặt tại Trung tâm HMNĐ rất sớm, sư thầy Nguyễn Thành Tân (pháp danh Tâm Thường, ở TP.HCM) cho biết đây là lần thứ 30 ông đi hiến máu, đồng thời kêu gọi phật tử, bà con ai đủ điều kiện cùng đi hiến máu để cứu người bệnh…
Do diễn biến dịch nCoV còn phức tạp, các BV đều có những biện pháp đảm bảo an toàn cho người tới hiến máu. Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân cho hay Viện luôn chủ động chống nhiễm khuẩn, phòng bệnh dịch; có các dung dịch sát khuẩn, rửa tay tại điểm hiến máu. Những người ho, sốt, đau đầu, mệt không nên đi hiến máu… Trong khi đó, tại Trung tâm HMNĐ TP.HCM đã tăng cường vệ sinh, sát khuẩn dọn dẹp cơ sở hiến máu; đối với xe lấy máu lưu động thì mỗi ngày đều khử trùng…
“Chúng tôi tổ chức phòng chống tốt dịch bệnh nCoV như lựa chọn địa điểm hiến máu rộng, thoáng mát và chia nhỏ ra nhiều khu vực khác nhau, lựa chọn thời điểm đăng ký khác nhau tránh tập trung đông người; sàng lọc người hiến máu bằng phiếu đăng ký tại chỗ. Trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho người hiến máu. Đặc biệt là có BS thăm khám, đo nhiệt độ, huyết áp, nghe tim phổi và các triệu chứng khác. Nếu người hiến máu hoàn toàn khỏe mạnh, không có nguy cơ nhiễm vi rút Corona thì mới nhận hiến máu”, BS Phù Chí Dũng nói.

Lên mạng kêu gọi, chia nhóm nhỏ hiến máu

Theo BS Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa HH-TM BV Đà Nẵng, để đảm bảo nguồn máu dự trữ ổn định, khoa đang vận động nguồn máu từ những người nhà bệnh nhân và danh sách hơn 40 CLB, các đội, nhóm… hiến máu tình nguyện của thành phố đến đăng ký hiến máu tại khoa. “BV Đà Nẵng đang huy động người dân đến hiến máu tại khoa HH-TM; có thể tổ chức lấy máu quy mô nhỏ. Chúng tôi bố trí đầy đủ quy trình hướng dẫn, có rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang y tế… để tránh người HMNĐ dồn đông, chờ lâu”, BS Ánh nói.
Ông Võ Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm HH-TM tỉnh Khánh Hòa, cho biết nhiều đơn vị, trường học có kế hoạch hiến máu nhưng đã báo hoãn vì học sinh – sinh viên còn nghỉ học vì để phòng chống dịch. Trung bình một tháng trung tâm cung cấp 1.700 – 2.000 đơn vị máu cho 16 cơ sở y tế trên địa bàn. Ngoài số này, trung tâm cũng luôn duy trì cơ số máu dự trữ là 500 – 600 đơn vị để gối đầu cho đợt máu tiếp theo cũng như có nguồn cung khi có tình huống đột xuất. Tuy nhiên, hiện dự trữ chỉ còn 120 – 150 đơn vị máu. Lượng máu đang thiếu hụt, cả nhóm máu O và nhóm máu A; nhóm máu B…
Tại Kon Tum, BS Võ Văn Thanh, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết hiện ngân hàng máu sống tại BV đã hết. Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu, cần truyền máu gấp nhưng không có, các BS phải sử dụng mạng xã hội kêu gọi những cá nhân có cùng nhóm máu với bệnh nhân hiến máu. BV đang vận động các BS, nhân viên y tế cùng người dân hiến máu…
BS Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV HH-TM TP.Cần Thơ, cho biết 2 ngày qua sau khi vận động, nguồn máu dự trữ của BV đã tăng từ 1.800 đơn vị lên 1.987 đơn vị. Tuy nhiên số máu này là không nhiều, chỉ ưu tiên cho cấp cứu. Vì BV đảm nhận cung cấp máu cho 11/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL (trừ Long An và Kiên Giang) với hơn 70 BV. Trong khi đó, BS Lê Trọng Tuấn, Phó giám đốc BVĐK Sa Đéc (Đồng Tháp), thông tin: “Mấy ngày nay, BV không còn nguồn dự trữ máu nhiều, rất nguy hiểm nên BV hợp đồng với Trung tâm HH-TM Cần Thơ để cung cấp máu điều trị. Hiện việc mua máu cũng cực kỳ khó khăn”.
Thanh Niên
DUY TÍNH – LIÊN CHÂU- ĐÌNH TUYỂN
TNO