25/12/2024

Khi Mỹ ‘phản đòn’ Trung Quốc trên Biển Đông

Năm 2019, số lượng hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, như một cách nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

 

Khi Mỹ ‘phản đòn’ Trung Quốc trên Biển Đông

Năm 2019, số lượng hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, như một cách nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.



 
 

Tàu USS Montgomery (trái) và tàu USS Gabrielle Giffords trên Biển Đông ngày 28.1 /// Command Destroyer Squadron 7

Tàu USS Montgomery (trái) và tàu USS Gabrielle Giffords trên Biển Đông ngày 28.1   Command Destroyer Squadron 7

 

 

Những hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh

Năm 2019, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động quấy phá khu vực Biển Đông. Cụ thể như việc điều tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam ở vùng biển này. Hay các tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của 3 quốc gia Đông Nam Á trong tháng 12.2019 và đầu tháng 1.2020. Thông tin này được công bố bởi Chương trình Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).
 
Song song đó, Bắc Kinh còn có một loạt hành động nối tiếp chiến lược phát triển hạ tầng và quân sự hóa các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điển hình như Trung Quốc triển khai hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông.
 
Theo giới phân tích, các UAV là một phần của mạng lưới tình báo thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc trên Biển Đông. UAV kết hợp cùng các vệ tinh, radar và nhiều phương tiện khác, Trung Quốc hướng đến kiểm soát đa tầng ở Biển Đông, thậm chí nhắm vào các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) được triển khai bởi Mỹ hay Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc…

Phản ứng bằng FONOP

Mới đây, tờ The South China Morning Post dẫn nguồn dữ liệu, do Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ công bố, cho thấy lực lượng tàu chiến Mỹ đã 7 lần thực hiện FONOP trên Biển Đông trong năm 2019. Theo đó, năm 2019 là năm mà Mỹ tiến hành FONOP nhiều nhất từ trước đến nay trên Biển Đông. Số lần thực hiện FONOP của Mỹ trên Biển Đông từ năm 2015 – 2018 lần lượt là 2, 3, 6 và 5.
 
Sang năm 2020, ngay ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (25.1), tàu chiến cận bờ USS Montgomery thuộc lớp Independence của Mỹ thực hiện FONOP, di chuyển gần đá Gạc Ma và đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau đó, một đơn vị trực thuộc hải quân Mỹ công bố hình ảnh USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords (cùng thuộc lớp Independence) song hành trên Biển Đông vào ngày 28.1.

Ở tầm chiến lược thì rõ ràng các lãnh đạo của hải quân Mỹ lẫn các lãnh đạo chính quyền ở Washington đã nhận thức rõ về mức độ nghiêm trọng của việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát trên Biển Đông

Ngày 7.2, trả lời Thanh Niên về đánh giá xung quanh các động thái của Washington trên Biển Đông, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng: Có 2 điểm đáng lưu ý trong việc Mỹ đẩy mạnh FONOP trên Biển Đông gần đây.
 
Thứ nhất, ở tầm chiến lược thì rõ ràng các lãnh đạo của hải quân Mỹ lẫn các lãnh đạo chính quyền ở Washington đã nhận thức rõ về mức độ nghiêm trọng của việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát trên Biển Đông.
 
Thứ hai, ở tầm chiến thuật, Lầu Năm Góc đã đa dạng hóa hơn về khí tài để thực hiện FONOP. Trong lần tiến hành FONOP cuối tháng 1 vừa qua, Mỹ đã điều động chiến hạm cận bờ lớp Independence – gần đây được trang bị tên lửa NSM (Naval Strike Missile) đối hạm và tấn công mặt đất. Loại tên lửa này giúp chiến hạm cận bờ Independence vẫn có uy lực mạnh mẽ để tiến hành FONOP, chứ không cần phải điều động tàu khu trục như trước đây.
Khi Mỹ 'phản đòn' Trung Quốc trên Biển Đông

Khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của Mỹ cũng từng thực hiện FONOP trên Biển Đông vào năm 2019   Ảnh: Hải quân Mỹ

 

Tương tự, trả lời Thanh Niên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải – AMTI) nhìn nhận chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã thường xuyên tiến hành FONOP. Đây là một điều tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với những gì Mỹ làm dưới thời Tổng thống Barack Obama trong năm 2015 – 2016. Nhiều năm qua, Washington tiến hành FONOP nhằm thách thức tất cả các yêu sách hàng hải quá đáng. Mỹ cần khẳng định các quyền hợp pháp.

Cần hành động mạnh mẽ hơn

Tuy nhiên, ông Poling cho rằng: Trong trường hợp ở Biển Đông thì điều đó là chưa đủ, mà cần phối hợp một chiến lược toàn diện bao gồm ngoại giao, kinh tế và quân sự kết hợp cùng các đồng minh, đối tác. Phải như vậy mới có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi những hành vi khó lường trên Biển Đông.
 
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên ngày 7.2, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá những bước đi đó của chính quyền Tổng thống Trump vẫn không đủ để thay đổi thực tế rằng Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng đáng lo ở nhiều thực thể trên Biển Đông.
 
Các động thái FONOP cũng chưa đủ để Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) đã bác bỏ chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Cho nên, các quốc gia trong khu vực đều nhận thức rõ rằng Trung Quốc đang muốn lập lại quyền lực mới tại đây, và phản ứng của Mỹ là chưa đủ để đáp trả hiệu quả.
 
Chính vì thế, theo ông, trong thời gian tới, các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác với nhiều đối tác hơn nhằm đảm bảo hòa bình ổn định ở khu vực nói chung, cũng như trên Biển Đông.
 
Philippines dễ bị gây hại tại Biển Đông nếu thiếu Mỹ
 
Hãng AP ngày 7.2 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo rằng nước này sẽ chịu những tổn thất về an ninh, kinh tế nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ nếu nước này không cho đồng minh của ông – thượng nghị sĩ Ronaldo Dela Rosa nhập cảnh.
 
Được ký vào năm 1998, VFA cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Ngoại trưởng Locsin cho rằng tiếp tục VFA là điều có lợi vì Mỹ đã hỗ trợ quân sự, đào tạo các lực lượng Philippines đối phó với mối đe dọa an ninh trong những năm qua; đồng thời, sự hiện diện quân sự của Mỹ còn giúp răn đe những hành động hung hăng trên Biển Đông.
 
Vi Trân
 
NGÔ MINH TRÍ 

TNO