24/12/2024

Phải làm gì khi cứu người bị tai nạn giao thông?

Thực tế các năm, vào dịp Tết Nguyên đán, số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu tại các bệnh viện đều gia tăng hơn so với ngày thường. Bác sĩ khuyến cáo một số lưu ý khi cấp cứu người bị tai nạn giao thông.

 

Phải làm gì khi cứu người bị tai nạn giao thông?

Thực tế các năm, vào dịp Tết Nguyên đán, số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu tại các bệnh viện đều gia tăng hơn so với ngày thường. Bác sĩ khuyến cáo một số lưu ý khi cấp cứu người bị tai nạn giao thông.



 
 

Số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông dịp Tết đều gia tăng hơn so với ngày thường /// Ảnh: Nguyên Mi

Số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông dịp Tết đều gia tăng hơn so với ngày thường    Ảnh: Nguyên Mi

 

 
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định: Bệnh viện ghi nhận số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông nhập viện trong những ngày Tết thường cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân không được sơ cấp cứu kịp thời hoặc sơ cứu không đúng có thể làm tình trạng nặng hơn.
 
Tai nạn giao thông có thể xảy ra do va chạm giữa các phương tiện giao thông, giữa người và phương tiện giao thông, do người điều khiển phương tiện giao thông tự ngã vào vật cứng…
 
Vì vậy, bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông thường trong tình trạng bị các lực đè, nén, giằng xé, nghiền,… làm cho cơ thể tổn thương nặng.
 
Các chấn thương hay gặp nhất do tai nạn giao thông là: chấn thương sọ não (nguyên nhân dẫn đến 75% số ca tử vong do tai nạn xe máy), tiếp theo là chấn thương cột sống, gãy chi, chấn thương ngực bụng kín hay hở, chấn thương phần mềm…
 
“Hậu quả của chấn thương do tai nạn giao thông rất nguy hiểm, trường hợp nặng nạn nhân có thể tử vong hoặc tàn tật suốt đời”, bác sĩ Hà cảnh báo.

Cách sơ cứu

Theo bác sĩ Hà: Khi dừng lại cứu người bị tai nạn giao thông, cần lưu ý đỗ xe ở vị trí an toàn, chú ý an toàn cho bản thân và kêu gọi thêm những người ở xung quanh hiện trường hỗ trợ. Tắt máy xe đang gặp tai nạn, dập tắt các nguồn nhiệt để tránh cháy nổ; quan sát xung quanh đề phòng các phương tiện đang lưu thông trên đường…
 
Khi sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông, chỉ nên di chuyển nạn nhân khi hiện trường nguy hiểm (cháy nổ, khí gas, hơi độc, điện giật, chất hóa học…). Di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn bằng cách kéo hai chân và luôn giữ cố định vùng đầu cổ.
 
Không nên vận chuyển nạn nhân bằng xe máy, cõng, bế… vì nguy cơ gây tổn thương nặng hơn.
 
Khi tai nạn xảy ra, những người xung quanh phải nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. Cần mô tả chi tiết số người, mức độ nặng của nạn nhân, vị trí chính xác của hiện trường vụ tai nạn.
 
Sau khi gọi cấp cứu, nên tiếp tục theo dõi và trợ giúp cho đến khi nạn nhân được đội cấp cứu tiếp nhận.
 
Cần giữ yên vị trí của người bị nạn, cố gắng giữ yên vùng cột sống cổ.
 
Trong lúc chờ cấp cứu, có thể kiểm tra và sơ cứu nạn nhân bằng cách: Kiểm tra đường thở, nhịp thở và mạch ở vùng cổ của nạn nhân để xử trí. Băng ép vết thương mạch máu. Cố định cột sống, cố định xương gãy. Băng vết thương bằng gạc hay vải sạch và không cố gắng rút bỏ dị vật cắm trên người nạn nhân.
 
“Để phòng tránh tai nạn giao thông trong dịp Tết, mọi người nên giữ sức khỏe, tránh vui chơi quá mức, không uống rượu bia khi lái xe, đội nón bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, đi bộ đúng phần đường qui định, chú ý quan sát khi băng qua đường. Tuân thủ đúng luật giao thông”, bác sĩ Hà khuyên.
 
 
 
NGUYÊN MI 

TNO