24/11/2024

‘Tết đến trong tim mọi người’

Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng họ vẫn lạc quan vui tết, và cách đón tết của họ cũng giản dị đến cảm động như lời bài hát Ngày tết quê em của nhạc sĩ Từ Huy ‘Tết đến trong tim mọi người’.

 

‘Tết đến trong tim mọi người’

Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng họ vẫn lạc quan vui tết, và cách đón tết của họ cũng giản dị đến cảm động như lời bài hát Ngày tết quê em của nhạc sĩ Từ Huy ‘Tết đến trong tim mọi người’.


 
 

Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng họ vẫn lạc quan đón tết /// Ảnh minh họa: Lê Hồng Hạnh

Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng họ vẫn lạc quan đón tết   Ảnh minh họa: Lê Hồng Hạnh

 
 
1. Cách đây ba hôm, lúc ấy khoảng chừng hơn 10 giờ sáng, tôi có việc đi ngang qua một gầm cầu vượt ở quận 12, TP.HCM. Tôi ngạc nhiên thấy một người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi, đang mải mê ngồi đếm rất nhiều tờ tiền lẻ, vừa đếm ông vừa tủm tỉm cười. Hơi tò mò, tôi ghé lại bắt chuyện. Ông ta chỉ vào chiếc xe đạp dựng trước mặt, vui vẻ cho biết: “Đi bán bánh bò, bánh tiêu. Hôm nay hết bánh sớm…”.
 
“Một ngày anh bán được bao nhiêu bánh, tiền lời khá không?”, tôi hỏi. Người đàn ông cho biết khoảng trên dưới 150 000 đồng tiền lời mỗi ngày. Nghe giọng vùng quê miền ngoài, tôi lại tò mò: “Năm nay anh có về quê ăn tết không?”. Câu hỏi như chạm vào nỗi lòng, ông ta trút hết tâm sự với tôi: “Quê tôi ở Bắc Ninh, vào Sài Gòn thuê nhà trọ bán bánh đã 5 năm nay. Cũng đã 5 năm tôi chưa về quê đón tết, mà chỉ về đúng một lần vào hè năm trước. Đi lại dịp tết vất vả, vé tàu xe đắt đỏ…”. Vừa quấn cọc tiền lẻ bằng dây thun, người đàn ông vừa nói: “Phải làm thêm cả dịp tết để có tiền nuôi hai đứa con ăn học và thuốc thang cho vợ ở quê. Bà nhà bị bại liệt sau một tai biến đã mấy năm nay…!”.
 
Trong giọng điệu và thái độ, tôi không hề thấy ông than vãn, chán nản. Mà ngược lại vẫn có một niềm vui, sự lạc quan nào đó vẫn đang trong lòng dù ông ở nơi đất khách quê người trong những ngày cuối năm. Giờ thì tôi hiểu vì sao ông ta cười mãn nguyện một mình khi chỉ kiếm lời được những đồng tiền lẻ trong một buổi sáng nhễ nhại mồ hôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ!
 
2. Mới đây, đi ngang một tiệm bán hoa kiểng trên đường Hà Huy Giáp, Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM, tôi thấy một phụ nữ dừng xe đạp (chị bán rau dạo bằng xe đạp) bên lề đường, chị đến gỡ tấm bìa lịch của một tờ lịch cũ mà ai đó treo trên hàng rào lưới B40 cạnh đấy. Dù là tấm lịch năm cũ nhưng còn rất mới, người treo đã rất “tâm lý” vì biết sẽ có người dùng lại. Chị đưa lên ngắm nghía rất kỹ. Dường như trong đầu chị dự tính sẽ treo ở đâu trong nhà, sẽ mua thêm bloc các tờ lịch theo ngày để đính vào đấy. Sau một hồi đắn đo, mặc cho nhiều người đi đường có cái nhìn tò mò, chị buộc tấm bìa lịch cũ vào sau xe đạp. Tôi chạy xe máy hơi chậm sau xe của chị, trông chị lúc này, dường như có gì đó vội vàng, gấp gáp, có cái gì đó như là niềm vui, niềm vui nho nhỏ lặn vào toát ra từ cái dáng đạp xe của chị trong một chiều cuối năm!
 
3. Câu chuyện của chị bán rau trên làm tôi nhớ đến một người thợ hồ quê ở Quảng Ngãi vui vẻ nhặt dưa hấu “ế” của người bán để lại về chưng tế ngay trước lúc giao thừa của đêm ba mươi tết năm ngoái…
 
Thế đấy, tết đến, trong lúc rất nhiều người xe này, tiền nọ, mua sắm đủ thứ xa hoa trên đời, thế mà cứ than tết buồn, tết chán, để rồi có người… “trốn” tết thì cũng còn rất nhiều người dù vất vả, khó khăn nhưng lòng họ luôn rộng mở để sẵn sàng đón tết.
 
Đúng thật là “Tết đến trong tim mọi người”. 
 
 
 
NGỌC TUẤN 

TNO