26/12/2024

Người vay tiêu dùng online: Cuối năm bị đòi nợ kiểu ‘khủng bố’

Những ngày cuối năm, tình trạng đòi nợ kiểu “khủng bố” người vay tiêu dùng online diễn ra rất nhiều. Những người trót vay hoặc thậm chí không đi vay phải “chịu trận” với kiểu đòi nợ không khác xã hội đen này.

 

Người vay tiêu dùng online: Cuối năm bị đòi nợ kiểu ‘khủng bố’

Những ngày cuối năm, tình trạng đòi nợ kiểu “khủng bố” người vay tiêu dùng online diễn ra rất nhiều. Những người trót vay hoặc thậm chí không đi vay phải “chịu trận” với kiểu đòi nợ không khác xã hội đen này.


 

Người vay tiêu dùng online: Cuối năm bị đòi nợ kiểu khủng bố - Ảnh 1.

Người dân tham khảo một trang web cho vay tiền online – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Liên tiếp nhận được điện thoại mời cho vay tiêu dùng nhanh online, chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) ngạc nhiên khi thủ tục vay ngân hàng chặt chẽ bao nhiêu thì hình thức vay tiêu dùng online càng dễ dàng, nhanh chóng bấy nhiêu. Theo giới thiệu của một nhân viên tự xưng đến từ công ty cho vay nhanh trực tuyến, chị Hương chỉ cần truy cập website, đăng ký tài khoản, điền thông tin, nộp đơn và nhận tiền sau… 15 phút.

Vay nhận tiền sau vài phút, trả lãi trên 30%

Chỉ cần chứng minh nhân dân là có thể vay được khoản tiền ngắn hạn, không quá lớn. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, chị Hương tá hỏa khi tỉ lệ lãi suất cho các khoản vay lên tới 1-1,2%/ngày nếu vay trong 30 ngày. Ví dụ nếu vay 2 triệu đồng, chị phải trả lãi lên tới 800.000 đồng. Thậm chí có những khoản vay lãi suất lên tới 40-50%. “Tôi quyết định không vay vì lãi suất quá cao” – chị Hương nói.

Anh Hùng (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết trước đây có thực hiện một khoản vay 35 triệu đồng với một trang vay tiêu dùng online. Do chậm trả lãi, ngoài khoản tiền lãi bị phạt lên tới 200%, bị đòi thu nợ, anh còn bị quấy rối, đe dọa. Theo đó, anh liên tục bị nhắn tin, gọi điện từ nhiều số máy khác nhau để yêu cầu trả nợ đến khi anh buộc cắn răng nộp phạt mới được buông tha.

Chị Hải (Thanh Hóa) cho biết vừa mua một sim điện thoại thì ngay lập tức bị “khủng bố” đòi nợ. Các đối tượng gửi tin nhắn, gọi điện thời gian sau 21h đêm hoặc trước 7h sáng yêu cầu chị trả nợ. Thậm chí chị còn nhận được những nội dung, hình ảnh có tính đe dọa, bạo lực khiến chị phải “vứt” luôn sim điện thoại mới mua. Chị ngạc nhiên vì mình không có bất kỳ khoản vay online nào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết tình trạng đòi nợ kiểu “khủng bố” khách hàng vay tiêu dùng online diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, đặc biệt dịp cuối năm. Các khiếu nại liên quan đến vay tiêu dùng cũng chiếm tỉ lệ cao trong nhóm khiếu nại tới cơ quan cạnh tranh.

Không vay cũng bị “khủng bố”

 

Lý giải về những trường hợp không vay tiền nhưng vẫn bị khủng bố, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có thể do người dân mua phải sim điện thoại của người có khoản vay trước đó. Hoặc có trường hợp là người thân đi vay nên bị gây áp lực, đe dọa đến mức phải đi nộp hộ khoản tiền nợ của người thân; hoặc bị đòi nợ nhầm.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng nên thường tìm đến các khoản vay online. Trong khi đó, người vay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ các rủi ro phát sinh từ khoản vay, nên khi cần vay là vay bằng mọi giá.

Hoạt động cho vay trực tuyến cũng được coi là lĩnh vực có tỉ lệ lợi nhuận cao, tham gia không chỉ ngân hàng mà còn các tổ chức cho vay bao gồm cả những mô hình hoạt động theo cách thức “xã hội đen” hoặc mạo danh các công ty uy tín, khiến thị trường ngày càng phức tạp.

Do đó, cơ quan này cho rằng bên cạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân thì các cơ quan liên quan cần phải có cơ chế giám sát, xử lý nghiêm, công khai vi phạm của các tổ chức. 

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý hoạt động của các mô hình cho vay ngang hàng nhằm đảm bảo khuyến khích, tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các công ty có hoạt động uy tín, nghiêm túc tại Việt Nam, đồng thời ngăn chặn, xử lý các mô hình hoạt động mạo danh, có nhiều sai phạm, xâm phạm quyền lợi.

Đăng cáo phó người vay để đòi nợ

Ngoài việc nhắn tin, gọi điện, các đối tượng còn gửi hình ảnh và đe dọa bạo lực, thậm chí đăng ảnh truy nã, đòi nợ trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo…), trong đó công khai ảnh chân dung, địa chỉ, số điện thoại, thông tin khoản nợ của người dân. Có trường hợp còn đăng nội dung cáo phó, trong đó sử dụng ảnh của người vay hoặc ảnh của con, cháu người vay.

 

 

 

NGỌC AN

TTO