26/12/2024

Chuyên gia Pháp: Thế giới hiện không còn ‘đàn anh’

Trả lời báo 20 Minutes (Pháp), chuyên gia Nicole Bacharan nhận định ngoại giao quốc tế hiện nay không có người cầm trịch để giải quyết xung đột quốc tế. Có nhiều nguyên nhân để giải thích.

 

Chuyên gia Pháp: Thế giới hiện không còn ‘đàn anh’

Trả lời báo 20 Minutes (Pháp), chuyên gia Nicole Bacharan nhận định ngoại giao quốc tế hiện nay không có người cầm trịch để giải quyết xung đột quốc tế. Có nhiều nguyên nhân để giải thích.


 

Chuyên gia Pháp: Thế giới hiện không còn đàn anh - Ảnh 1.

Căng thẳng Mỹ và Iran tăng cao sau khi tướng Iran Qasem Soleimani bị ám sát – Ảnh: REUTERS

 

Căng thẳng Mỹ – Iran chưa bao giờ lên đến mức cao như vậy sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho máy bay không người lái bắn hạ tướng Iran Qasem Soleimani. Trong bối cảnh căng thẳng ấy, phần còn lại của thế giới chỉ giữ vai trò quan sát.

Thông thường một giải pháp duy nhất là một cường quốc thứ ba xuất hiện giữ vai trò trọng tài làm giảm căng thẳng. Song như chuyên gia Nicole Bacharan ghi nhận, không có thế lực nước ngoài nào đủ sức đứng giữa Mỹ và Iran để cố gắng thiết lập đối thoại hoặc kêu gọi tái lập trật tự.

Châu Âu hay Nga đều không đủ sức

Nhà sử học và nhà chính trị học Nicole Bacharan nhận định khoảng trống quốc tế này đã phản ánh một hệ thống mới, trong đó không còn ai có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ để lại.

Nicole Bacharan: Xét về bối cảnh quốc tế, nước Mỹ của chính quyền Donald Trump không còn giữ vai trò sen đầm quốc tế với chính sách không thể dự đoán và đôi khi không mạch lạc với nhau.

Chúng ta có thể nhìn thấy không có cường quốc nào đủ bản lĩnh đảm nhận vai trò này. Có một cái gì đó còn thiếu.

Châu Âu có sức mạnh kinh tế nhưng không có đường lối chính trị đơn nhất cũng như nhân lực quân sự để đảm trách vai trò này.

Nga có thể có ảnh hưởng cần thiết, đặc biệt đối với Iran, nhưng còn lâu mới đủ sức trở thành cường quốc quân sự hoặc kinh tế để giải quyết vấn đề bên ngoài lãnh thổ. Trung Quốc lại càng không có ảnh hưởng đối với khu vực và ảnh hưởng đối với Mỹ còn kém hơn.

Chuyên gia Pháp: Thế giới hiện không còn đàn anh - Ảnh 2.

Nga không quan tâm vì nếu tình hình leo thang, Mỹ có thể rút quân khỏi Iraq. Trong ảnh là căn cứ ở Ain al-Assad (Iraq) trúng tên lửa Iran hôm 8-1 – Ảnh: NPR

 

Không ai được lợi gì cả

* Ngoài những khiếm khuyết của các cường quốc, phải chăng có vấn đề thiếu quan tâm đối với khu vực Trung Đông?

Nicole Bacharan: Điều này còn phụ thuộc vào lợi ích của mỗi bên. Chẳng hạn, ngoài những khiếm khuyết của mình, Nga không có lợi ích để can thiệp.

Hiện tại, hậu quả cụ thể duy nhất của tình hình leo thang là Mỹ có thể rút quân khỏi Iraq, nơi Nga đang làm ăn. Nga liều lĩnh can thiệp ngoại giao làm gì vào một tình huống mà Nga có thể dàn xếp được.

Trung Quốc không có lợi ích gì khi đào sâu những vấn đề của Mỹ mà Trung Quốc cho là “nhỏ”, đặc biệt khi Trung Quốc cũng không muốn Mỹ đào sâu chuyện của Trung Quốc.

 

Châu Âu càng không có nhiều động cơ để can thiệp. Châu Âu không được lợi gì khi Trung Đông bất ổn hơn. Pháp đã có sự hiện diện quân sự ở đó. Châu Âu càng bấp bênh trước nguy cơ bị tấn công và không thể quản lý làn sóng người di cư. Cuối cùng, nếu giá dầu tăng thì còn ngưng làm ăn luôn.

Không có giải pháp thay thế

* Chúng ta có nên sợ tình trạng thiếu lãnh đạo thế giới?

Nicole Bacharan: Mỹ đã đánh mất ảnh hưởng chính trị trên thế giới và ngày càng bị ngờ vực lẫn chống đối. Vấn đề thực sự là không có giải pháp thay thế.

Từ năm 1945, một trật tự thế giới đã được thiết lập. Trật tự này không hoàn hảo và không đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết nhưng có lợi ở chỗ ấn định được một khuôn khổ và bảo đảm tối thiểu cho mọi thứ. Còn sau đó là hỗn loạn.

Năm 2005, người ta đã tự hỏi liệu có nên sợ Mỹ không. Đúng như vậy, vì Mỹ bỏ qua vai trò của Liên Hiệp Quốc. Nhưng để lựa chọn, nếu phải chọn một cường quốc thì Mỹ vẫn hơn Trung Quốc hay Nga… Hiện nay không có nước nào thay thế đủ tiềm năng.

Chuyên gia Pháp: Thế giới hiện không còn đàn anh - Ảnh 3.

Tổng thống Emmanuel Macron chỉ đại diện cho Pháp và không thể tạo nhất trí trong EU – Ảnh: AFP

 

Châu Âu không bao giờ tìm được nhất trí

*Còn châu Âu thì sao?

Nicole Bacharan: Mỗi cuộc khủng hoảng đều chứng tỏ thất bại của tinh thần đoàn kết châu Âu, nơi không bao giờ hình thành được một mặt trận chung.

Tổng thống Emmanuel Macron – người hay can thiệp nhất ở cấp độ quốc tế – vẫn thường bị ông Trump hoặc các nhà lãnh đạo thế giới khác cho ra rìa vì thực tế ông chỉ đại diện cho Pháp và ông không thể tạo được nhất trí trong Liên minh châu Âu (EU).

Cuối cùng, trong mỗi cuộc khủng hoảng thế giới, EU đều sử dụng kịch bản như nhau để thoái thác vai trò: không có lực lượng quân sự đầy đủ, thậm chí lực lượng này không đoàn kết, không có quan điểm rõ ràng và dễ hiểu về xung đột. Đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề sẽ chuẩn bị thay đổi.

 

 

HOÀNG DUY LONG

 

TTO