24/11/2024

Tràn lan thực phẩm tết ‘handmade’

Càng gần đến Tết âm lịch, củ kiệu, giò chả, mứt gừng, mứt dừa… tự làm hay còn gọi “handmade” được rao bán càng nhiều, từ siêu thị đến chợ và các trang mạng.

 

Tràn lan thực phẩm tết ‘handmade’

Càng gần đến Tết âm lịch, củ kiệu, giò chả, mứt gừng, mứt dừa… tự làm hay còn gọi “handmade” được rao bán càng nhiều, từ siêu thị đến chợ và các trang mạng.
 
 
 
 

 
 

Người người bán hàng tết

Đã là hàng không rõ nguồn gốc thì rất khó kiểm soát do tự bán đâu đó trên mạng, trong nhà… không đăng ký kinh doanh nên quản lý thị trường đôi khi khó nắm được nên cũng không ai quản được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN

Từ Tết 2017 đến nay, chị Ngọc Thi, nhân viên một công ty tại Q.Tân Bình (TP.HCM) bắt đầu bán món lạp xưởng do mẹ chồng ở Tiền Giang tự làm. Năm đầu tiên chị Thi bán được khoảng 50 kg lạp xưởng. Thấy đắt hàng, Tết 2018 chị thêm món mới là khô gà lá chanh “mẹ mới về hưu nên có thời gian rảnh, nghĩ ra chuyện làm kiếm thêm tiền tiêu, vừa vui nhà vui cửa”, chị Thi giải thích và từ đó cứ đến tết là chị lại rao trên trang Facebook hai sản phẩm phục vụ nhu cầu cho bạn bè và người quen.

Tết năm nay chị rao lạp xưởng 300.000 đồng/kg và khô gà lá chanh là 400.000 đồng/kg, cao hơn tết năm 2019 là 60.000 đồng/kg. “Giá thịt heo và cả gà sạch đều tăng gần 40% nên giá bán tăng mạnh. Cũng vì do nhà làm không chất bảo quản, không có phụ gia… nên giá cao hơn ngoài chợ hay sản phẩm cùng loại bày bán ở siêu thị. Vì giá tăng quá cao nên năm nay người mua giảm hẳn, chỉ bán được khoảng 10 kg lạp xưởng; còn khô gà hầu như chưa bán được”, chị Thi nói.
Tràn lan thực phẩm tết “handmade”

Các loại dưa hành, củ kiệu tự làm được bán mọi nơi, từ chợ…    Ảnh: Khả Hòa

 
 
Tương tự, chị Diễm Châu ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) kinh doanh qua mạng các loại túi da, nhưng đến gần tết sẽ bổ sung danh sách hàng hóa như nem chua, chả lụa, lạp xưởng, táo Phan Rang rim và sấy, bánh dứa chanh đào… Chị Diễm Châu cho biết năm nay phải tăng giá, đặc biệt chả lụa năm ngoái chỉ 200.000 đồng/kg thì nay tăng lên 280.000 đồng/kg vì thịt heo tăng chóng mặt.
Chị Châu cho biết vì giá các loại sản phẩm làm từ thịt heo tăng giá cao nên tết này lượng bán ra giảm đi 50% so với Tết 2019. Hai chị em Ngọc Vân tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đang đi làm nhưng cứ đến tết lại rao bán một số loại mứt tự làm như mứt dừa, mứt gừng, mứt vỏ bưởi, mứt cà chua. Khách hàng chủ yếu của chị em Vân cũng là người quen, bạn bè và ngày càng mở rộng hơn khi được giới thiệu dây chuyền với nhau… Có năm cả mùa tết hai chị em bán được cả trăm ký mứt các loại. Tết này chị em Ngọc Vân còn nhận làm một số món mặn như dưa chua, củ kiệu, tai heo, ba rọi rút xương ngâm nước mắm…
Tràn lan thực phẩm tết “handmade”

…đến trên mạng   Ảnh: Ngọc Dương

 
 
Nỗi lo về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường quá lớn khiến mấy năm trở về đây, nhiều người đổi hướng chuộng hàng “nhà làm” với niềm tin rằng loại hàng này sẽ an toàn hơn dù giá cao hơn sản phẩm ngoài chợ từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Chị Kim Loan ở Q.10 (TP.HCM) cho biết những cái tết gần đây chị thường xuyên mua các loại mứt, chả lụa, lạp xưởng, tai heo, kim chi… từ bạn bè hoặc người quen giới thiệu nhà làm. Hỏi lý do vì sao lựa chọn thực phẩm “handmade”, chị Loan bảo, yếu tố đầu tiên là có thể điều chỉnh theo khẩu vị. Còn những món khác đa số là vì tin bạn bè, mua ủng hộ… “Mình cũng biết không phải cứ đồ handmade là hoàn toàn sạch theo kiểu an toàn nhưng nó vẫn sạch theo kiểu người nhà làm, không có chất bảo quản, không có nhiều loại phẩm màu… Còn một số sản phẩm như chả lụa thì ăn qua nhiều lần vị quen nên tiếp tục mua. Quan trọng nhất là mua vì đã có dùng rồi, hợp khẩu vị và do người quen làm nên thấy an tâm”, chị Kim Loan thổ lộ.

Đón tâm lý “nhà làm an toàn hơn”

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm, điều này kéo theo tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tăng cao, với diễn biến phức tạp và phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lực lượng QLTT các tỉnh thành liên tục phát hiện nhiều vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán thực phẩm không nhãn mác hoặc do Trung Quốc sản xuất nhập lậu vào VN. Ví dụ ngày 9.1, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp công an tỉnh kiểm tra phát hiện một xe tải vận chuyển 7.577 sản phẩm thực phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trị giá lô hàng ước tính khoảng 300 triệu đồng. Hay ngày 8.1, Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp các lực lượng chức năng thu giữ hơn 30.000 sản phẩm là thực phẩm bao gồm xúc xích, xì dầu, đạm tương, hạt hướng dương… đang trên đường tiêu thụ nhập lậu…

Tuy nhiên thị trường đã và đang xuất hiện không ít tình trạng lạm dụng hai chữ “handmade” mà vệ sinh an toàn thực phẩm không thể kiểm soát được. Phía người bán luôn khẳng định nguyên liệu được lựa chọn kỹ, đảm bảo chất lượng cũng như khâu vệ sinh trong quá trình chế biến, đặc biệt không có các chất bảo quản. Tuy nhiên, thử “test” một vài người bán, sẽ thấy mọi cái không như khách hàng nghĩ. Ngày 13.1, bên hông chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), chúng tôi hỏi về các loại mứt, bánh và dưa kiệu, dưa món, thịt ngâm… tại một quầy hàng được người bán giới thiệu “nhà làm”. Thế nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề tự làm có an toàn thực phẩm hay không thì người bán tỏ ý khó chịu: “Xưa nay mứt, dưa tết không làm bằng tay (handmade) thì làm bằng máy à? Hàng nhà làm, vừa bán vừa ăn có sao đâu mà sợ”.

Hàng loạt sản phẩm không nhãn mác, không thương hiệu được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống dịp tết. Chẳng hạn mứt dừa non 5 màu tự nhiên giới thiệu tại chợ giá 130.000 đồng/kg được đựng trong các thùng giấy to và khi khách hàng mua bao nhiêu sẽ được bán bấy nhiêu. Thế nhưng, một số nơi rao bán hàng mứt dừa non “nhà làm” hình thức y chang với giá từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Còn theo bà Năm – bán hàng mứt bánh tại tầng hầm chợ An Đông (Q.5) chuyên đóng hàng cho một số cơ sở bán bánh mứt gọi là “nhà làm”: “5 loại mứt vỏ bưởi, mứt dừa, cà rốt, mứt gừng, bí đao được khách sạn đặt mua thêm. Họ đã mua hàng của tui 4 năm nay rồi, về để đóng gói nhỏ bán khách dịp tết. Họ bỏ vào hộp đẹp y như bánh trung thu vậy, bán mỗi hộp chỉ nửa ký các loại, bán giá 1,3 triệu đồng/hộp”.

An toàn vệ sinh: Không ai quản?

Mặc dù có nhiều băn khoăn về chất lượng, an toàn vệ sinh của thực phẩm nhà làm, bán qua mạng nhưng người tiêu dùng tự bảo vệ mình là chính mà chưa có lời cảnh báo chính thức nào từ các cơ quan quản lý. Vì vậy với nhiều người, thực phẩm tết “handmade” chỉ dám mua ở chỗ bạn bè và quen biết thật sự để tránh bị nhầm sản phẩm không an toàn.
 
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn khu vực phía nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, tết là dịp lớn nhất để người làm ăn chuyên nghiệp lẫn không chuyên tìm cơ hội kiếm tiền. Trong đó, hàng handmade được coi là hấp dẫn người tiêu dùng nhiều nhất do niềm tin vào hàng sản xuất theo mô hình công nghiệp giảm sút trầm trọng. Tuy nhiên, mọi thứ đều có mặt trái của nó, người tiêu dùng cần cảnh giác với thực phẩm “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất. Ông nói: “Nguyên liệu rau củ quả, bột, đường là nguyên liệu trong danh mục cho phép, nhưng cách làm kiểu “a ma tơ” thì khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Phổ biến nhất là dùng phẩm màu và hương liệu để làm mứt bánh do nguồn nguyên liệu không được tươi như mong muốn. Thứ hai là các loại măng, nấm… để chống mối mọt, biện pháp phổ biến là xông qua khí lưu huỳnh. Đó là chất độc và nếu ăn vào, cơ thể nhạy cảm với hóa chất này sẽ bị ngộ độc ngay lập tức hoặc nếu không lâu dài cũng ảnh hưởng các hệ tiêu hóa, thần kinh…
 
Ngoài ra, nhiều loại mứt, táo khô Trung Quốc giá rẻ với số lượng lớn cứ đến tết sẽ luôn tràn ngập thị trường VN. Người bán ham rẻ đã mua về đóng gói “ngụy trang” thành hàng quê, hàng nhà làm cũng khá phổ biến. Bác sĩ Trần Văn Ký nhấn mạnh: “Thực phẩm rẻ thường có nhiều hóa chất, nguyên liệu kém chất lượng, chất phụ gia, mùi vị để tạo nên sản phẩm bắt mắt, bắt vị người tiêu dùng. Đã là hàng không rõ nguồn gốc thì rất khó kiểm soát do tự bán đâu đó trên mạng, trong nhà… không đăng ký kinh doanh nên quản lý thị trường đôi khi khó nắm được nên cũng không ai quản được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.
 
 
 
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA 

TNO