24/11/2024

Lãng phí hàng tỉ USD từ kinh tế biển

Đó là thực trạng được ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, chỉ rõ trong buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sáng qua (13.1).

 

Lãng phí hàng tỉ USD từ kinh tế biển

Đó là thực trạng được ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, chỉ rõ trong buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sáng qua (13.1).
 
 
 
 
 

Việt Nam có đủ lợi thế để giàu, mạnh nhờ phát triển kinh tế biển	  /// Ảnh: H.Mai

Việt Nam có đủ lợi thế để giàu, mạnh nhờ phát triển kinh tế biển  Ảnh: H.Mai

 

 

Tàu đến và đi đều phụ thuộc nước ngoài

Mỗi năm chúng ta có gần 500 tỉ USD xuất nhập khẩu, giả sử các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nắm khoảng một nửa con số kim ngạch đó, thì đã có thể mang về hàng tỉ USD rồi. Số tiền này hiện đang phải trả cho nước ngoài. Cả xuất đi và nhập vào đều là tàu của người ta

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư

Báo cáo với đoàn công tác, đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) cho biết hoạt động kinh doanh của công ty năm 2019 cũng như các năm qua luôn bảo toàn và phát triển tốt vốn nhà nước. Từ quỹ tiền mặt ban đầu là 114 triệu đồng, vốn chủ sở hữu 14,7 tỉ đồng vào năm 1989, tính đến 31.12.2019, tổng tài sản hợp nhất của TCT đã đạt 24.600,3 tỉ đồng, tăng 8,1% so với năm 2018. Vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng lên 14.287 tỉ đồng; doanh thu hợp nhất năm 2019 tăng 5,2% và lợi nhuận hợp nhất năm 2019 tăng 13%, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm.

Đánh giá cao về những kết quả đã đạt được của TCT trong suốt 30 năm xây dựng và trưởng thành, ông Nguyễn Văn Bình nhận xét, TCT TCSG đã năng động, sáng tạo, trở thành nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại, lớn nhất Việt Nam và là điểm sáng về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh trong thời gian tới, TCT TCSG cần tập trung hơn nữa vào 3 lĩnh vực trọng tâm là cảng biển, logistics và vận tải biển.
 
Theo ông Bình, để Việt Nam có thể giàu nhờ biển, mạnh vì biển, đây là 3 lĩnh vực quan trọng nhất, nhưng vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Cụ thể, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có một hệ thống cảng biển hiện đại, số lượng các cảng biển rất nhiều, hầu như địa phương ven biển nào cũng có cảng nhưng chất lượng còn kém, quy mô chưa lớn. Điều này dẫn đến việc phát triển cảng biển theo kiểu rải mành mành, vừa tốn kém ngân sách địa phương, vừa không cần thiết. Chúng ta không cần quá nhiều cảng. Chỉ cần 5 cảng lớn, trải dài từ bắc – nam trên cơ sở nâng tầm những cảng hiện có. Có chăng chỉ cần xây dựng thêm 1 cảng tầm cỡ quốc gia tại khu vực Tây Nam bộ, cộng thêm cơ chế quản lý và kết nối giao thông tốt là được. Quan trọng, mỗi cảng phải có cơ chế đầu tư thích đáng để đạt quy mô đủ lớn, không chỉ phát triển cho tỉnh, cho vùng mà phải nhìn theo tầm cỡ quốc gia và quốc tế”, ông Bình nêu ý kiến.
 
Về logistics, ông Nguyễn Văn Bình phân tích, việc thiếu các trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia, kết nối giao thông yếu kém khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở ngưỡng cao so với thế giới, tác động tiêu cực tới hệ thống hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, ông Bình chỉ rõ vận tải biển của Việt Nam đang rất yếu kém và có dấu hiệu ngày càng thụt lùi. “Vận tải biển nội lực có lúc đã chiếm tới 20% tổng vận tải xuất nhập khẩu, nhưng đến nay chỉ còn được mấy phần trăm. Dịch vụ quốc tế tự làm ra rất thấp trong khi trả cho nước ngoài rất cao. Mỗi năm chúng ta có gần 500 tỉ USD xuất nhập khẩu, giả sử các DN vận tải biển Việt Nam nắm khoảng một nửa con số kim ngạch đó, thì đã có thể mang về hàng tỉ USD rồi. Số tiền này hiện đang phải trả cho nước ngoài. Cả xuất đi và nhập vào đều là tàu của người ta”, ông Bình nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ, giảm 3/4 thời gian giao nhận

Ông Nguyễn Văn Bình: “Đất nước ta thời gian tới sẽ tập trung chuyển mình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng phát triển về chất. Cơ chế, chính sách cũng sẽ dần được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. TCT nên đúc kết các kinh nghiệm, bài học và kết quả đạt được của mình trong hơn 30 năm qua để tạo nền tảng phát triển về chất, tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới”.

Đưa đoàn công tác thực địa từ hệ thống cảng bãi tới khu vực điều hành, an ninh…, đại tá Ngô Minh Thuấn thông tin nhờ vận hành các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, đi đầu trong dự báo và triển khai các giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TCT TCSG đã kéo giảm 55% thời gian tàu nằm bến cho các hãng tàu; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng, giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao, đồng thời giảm 2/3 số lượng nhân viên tại khu thủ tục.

Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống cảng biển là vô cùng quan trọng. Chưa đủ tiềm lực để xây dựng hệ thống cảng tự động như các nước có nền kinh tế phát triển mạnh nhưng TCT TCSG cũng đã cải tiến công nghệ kịp thời, mang lại hiệu quả cao, đưa Tân Cảng Cát Lái trở thành cảng quốc tế hiện đại ngang tầm các nước lân cận như Singapore… “Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay bố trí khá hợp lý. Chỉ cần hệ thống quản trị tốt và phối hợp ứng dụng công nghệ hiệu quả sẽ phát triển rất tốt”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư gợi ý.
 
 
 
HÀ MAI 

TNO