28/12/2024

‘Cho 100% sinh viên ra trường là trường không có chất lượng’

‘Chúng ta đang vướng phải bệnh thành tích. Nếu nhà trường tuyên bố đào tạo chất lượng nhưng tỉ lệ sinh viên ra trường 100% thì thực tế trường không có chất lượng gì cả’, GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ ý kiến.

 

‘Cho 100% sinh viên ra trường là trường không có chất lượng’

‘Chúng ta đang vướng phải bệnh thành tích. Nếu nhà trường tuyên bố đào tạo chất lượng nhưng tỉ lệ sinh viên ra trường 100% thì thực tế trường không có chất lượng gì cả’, GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ ý kiến.



Cho 100% sinh viên ra trường là trường không có chất lượng - Ảnh 1.

Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM trong giờ học – Ảnh: TỰ TRUNG

 

Liên quan chuyện ‘Giáo dục đại học: vào mở, ra đóng’, Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS.TS Trương Nguyện Thành – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang. Ông Thành là nhà khoa học, nghiên cứu phát triển giáo dục ở nước ngoài trước khi về Việt Nam làm việc.

Giáo dục Việt Nam vẫn theo tầng nấc

* Thưa GS, sau thời gian làm việc ở Việt Nam, ông nhận thấy đâu là vấn đề giáo dục ĐH Việt Nam cần lưu ý?

– Mục tiêu chính của giáo dục là đưa phân bổ lao động từ lao động chân tay lên lao động tri thức, nên cần phải nhìn lại thị trường lao động đang dịch chuyển về hướng nào. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn theo tầng nấc, chưa mở rộng cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, cần có chính sách giáo dục mở để mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và trình độ.

Nhà trường phải có khả năng đào tạo theo nhu cầu của người học, của xã hội chứ không phải theo khả năng của mình hay của chính phủ. Cơ chế giáo dục phải có lộ trình thanh lọc rõ ràng ở từng cấp học. Thực tế học sinh Việt Nam có học lực trung bình qua Mỹ học vẫn có không ít người lấy bằng tiến sĩ. 

Điều đó nói lên cách sàng lọc và đánh giá năng lực người học ở ta chưa hoàn chỉnh, môi trường đào tạo cũng chưa phát huy tối đa tiềm năng người học. Nhiều học sinh ở bậc phổ thông học chưa tốt nhưng về sau họ trưởng thành, tập trung và có động lực học tập muốn thử sức ở bậc ĐH, vậy tại sao lại cản trở họ?

* Ông có thể nói rõ hơn?

– Trường ĐH cần mở cơ hội ra cho tất cả mọi người. Người học chỉ cần chứng minh năng lực theo từng giai đoạn. Chính sách tuyển sinh hiện nay khiến học sinh nghĩ vào ĐH sẽ được ra trường nên động lực học tập không cao. Đây là tâm lý không tốt trong phát triển cá nhân. 

Một nền giáo dục mở là có thể cho phép mọi người sau bậc THPT đều có thể ghi danh vào ĐH, sau năm thứ nhất nếu không đạt yêu cầu thì cho xuống bậc CĐ. Sau đó nếu cải thiện tốt, học giỏi, có thể được trở lại học ĐH… Với cách đào tạo theo tín chỉ hoàn toàn có thể thực hiện được việc này.

Cho 100% sinh viên ra trường là trường không có chất lượng - Ảnh 2.

Một nền giáo dục mở cho phép mọi người sau bậc THPT đều có thể ghi danh vào ĐH. Sau năm thứ nhất nếu không đạt yêu cầu thì cho xuống bậc CĐ. Sau đó nếu cải thiện tốt, học giỏi có thể được trở lại học ĐH.

GS.TS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH

Mở rộng cơ hội học tập

* Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, theo ông, các trường ĐH nên thay đổi như thế nào để phù hợp xu thế thế giới?

– Bối cảnh Việt Nam hiện nay, mỗi trường ĐH cần tự xác định năng lực đào tạo của mình, giới hạn trong cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đáp ứng được tối thiểu yêu cầu đào tạo của người học. Đây là trách nhiệm đối với xã hội của lãnh đạo nhà trường. 

Khi trường ĐH có tự chủ thì đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Nếu người đứng đầu nhà trường quyết định sai phải chịu trách nhiệm với xã hội. Tôi vẫn cho rằng các trường cần mở rộng cơ hội học tập cho người học và sàng lọc kỹ từng giai đoạn, siết đầu ra và mở nhiều luồng cơ hội học tập khác nhau cho người học.

* Câu chuyện siết đầu ra hay hậu kiểm cũng đã được các chuyên gia, nhà khoa học nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, kết quả có vẻ như chưa được mong đợi. Ông nghĩ gì về việc này?

– Chúng ta đang vướng phải bệnh thành tích. Nếu nhà trường tuyên bố đào tạo chất lượng nhưng tỉ lệ sinh viên ra trường 100% thì thực tế trường không có chất lượng gì cả. Ở ĐH nước ngoài chỉ trung bình 50-60% sinh viên một khóa được ra trường đúng hạn. Phía chính phủ kiểm tra chất lượng bằng kiểm định chất lượng. 

Điều quan trọng là phải làm cho đàng hoàng và tới nơi tới chốn. Việc tham gia kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế cũng thúc đẩy các trường phải đầu tư nâng chất theo xu hướng quốc tế.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT chỉ cần nắm người đứng đầu trường ĐH, phải nâng cao tự chủ, tự giải trình cho trường ĐH. Nếu xây dựng được văn hóa chất lượng thì Chính phủ cũng không cần thiết phải đặt ra quá nhiều quy chế, rào cản…

Cho 100% sinh viên ra trường là trường không có chất lượng - Ảnh 4.

Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trong giờ làm bài tập nhóm – Ảnh: T.TR.

 

* Theo kinh nghiệm của ông, cách tuyển sinh nào được ĐH ở các nước tiên tiến sử dụng nhiều?

– Việc tuyển sinh ở ĐH các nước làm khá thoáng. Theo đó, học sinh THPT nộp học bạ, bài luận cá nhân và vài thư giới thiệu của thầy cô giáo trường phổ thông cho trường ĐH xem xét. Một số trường còn yêu cầu SAT nhưng gần đây hơn 1.000 trường ĐH đang dần bỏ yêu cầu này. Việc này thực ra là đẩy mạnh cơ hội cho người học.

 

 

TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO