Giáo dục đại học: vào mở, ra đóng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 khẳng định tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, đồng thời cũng có nhiều quy định để siết đầu ra, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Giáo dục đại học: vào mở, ra đóng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 khẳng định tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, đồng thời cũng có nhiều quy định để siết đầu ra, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tuyển sinh được coi là sống còn, nên nhiều trường đã đầu tư hàng tỉ đồng mỗi năm cho các hoạt động quảng bá tuyển sinh. Trong ảnh: học sinh phổ thông thích thú với màn “biểu diễn” của sinh viên một trường ĐH khối kỹ thuật – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều chuyên gia nhận định suốt nhiều năm nay, các trường ĐH đều “quay cuồng” với tuyển sinh. Không chỉ trường tư, trong bối cảnh tự chủ, nguồn thu chính từ học phí, các trường công cũng đầu tư rất lớn cho chuyện tuyển sinh.
Một số trường ĐH xét tuyển đầu vào rộng rãi theo hình thức ghi danh. Trong quá trình học tập, các hoạt động đánh giá kết quả học tập chính xác và thường xuyên nên kết quả đầu ra người học vẫn đạt được chuẩn như mong muốn. Tuy nhiên, một số ngành nghề đặc thù như ngành y dược hoặc kiến trúc sư… vẫn nên thực hiện tuyển sinh đầu vào.
PGS.TS TRẦN THIÊN PHÚC
Đặt nặng tuyển đủ hơn tuyển đúng
TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng tuyển sinh là việc rất quan trọng, các trường cần phải tuyển đủ để đảm bảo có kinh phí hoạt động, đồng thời phải tuyển đúng để đảm bảo chất lượng đào tạo.
“Hiện đa số trường vẫn đặt nặng phần tuyển đủ hơn tuyển đúng. Điều này có thể giải quyết yêu cầu trước mắt nhưng rất không có lợi cho quá trình phát triển của trường” – ông Chính nói.
Thực tế cũng cho thấy hiện các trường có phương thức tuyển sinh đa dạng, nhưng mục đích chủ yếu vẫn là có thêm nguồn tuyển. TS Trần Đình Lý, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định: “Tuyển sinh là khâu hết sức quan trọng, quyết định đến việc sống còn của nhà trường. Các trường ĐH dù ở top nào cũng cần sự đa dạng phương thức xét tuyển, đồng nghĩa với đa dạng sự lựa chọn của người học”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay theo thông lệ quốc tế, phần lớn ĐH top ở các nước thường tuyển sinh dựa vào đánh giá năng lực (chẳng hạn SAT ở Mỹ).
“Ở Việt Nam, các trường ĐH đang kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng những năm tới tôi cho rằng sẽ tập trung chủ yếu kiểm tra năng lực của học sinh phổ thông để tuyển sinh. Đặc biệt, cần tách biệt việc công nhận tốt nghiệp THPT và kiểm tra năng lực để tuyển sinh ĐH” – ông Hoài nói.
Tương tự, TS Hà Thúc Viên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng cho rằng thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá năng lực học sinh sau 12 năm học, còn thi ĐH là xác định năng lực theo học ĐH ở một trường nhất định, vì vậy không nên đánh đồng hai việc này.
Tuyển sinh phải phù hợp với yêu cầu chất lượng
Cũng theo GS Nguyễn Trọng Hoài, thông thường nếu chất lượng đầu vào tốt thì quá trình đào tạo thuận lợi hơn và chất lượng đầu ra cũng ổn hơn. Tuy nhiên, xu hướng quốc tế hiện nay các ĐH chỉ dựa trên một số tiêu chí cơ bản để tuyển sinh và phải coi trọng việc đảm bảo chất lượng trong đào tạo, siết chặt đầu ra. Ví dụ, các trường tốp trên thế giới tuyển vào 100 chỉ tiêu nhưng số sinh viên ra trường chỉ 30-50 sinh viên.
“Trong khi ở Việt Nam chưa quen với thông lệ này, mọi người đều quan niệm vô ĐH là phải ra trường. Mục tiêu đào tạo các trường cũng xác định “có vào có ra” vì không muốn mất nguồn thu học phí, mặt khác cả người học và phụ huynh hiện cũng không chấp nhận việc “gãy gánh giữa đường”, nếu trường làm căng quá sẽ ít người chọn học” – ông Hoài nói.
Các chuyên gia đều cho rằng hiện nay các trường ĐH được giao quyền tự chủ cao, trong đó có tuyển sinh. Do đó, các trường cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với yêu cầu chất lượng đào tạo của mình.
“Các trường cần sớm thay đổi trong đào tạo và tuyển sinh để phù hợp với tình hình mới. Phương án tuyển sinh phải ổn định để vừa giúp học sinh không bị động, chọn trường theo năng lực học tập và trường ĐH định vị yêu cầu chất lượng đào tạo” – TS Hà Thúc Viên nói.
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Thiên Phúc – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), để tuyển được sinh viên có năng lực học tập theo các chương trình đào tạo của trường thì nên đa dạng các phương thức tuyển.
“Ngay trong một phương thức tuyển cũng sử dụng nhiều yếu tố để gia tăng độ chính xác của lựa chọn (ví dụ xem xét thêm bài luận của ứng viên về mục tiêu học tập hoặc lý do lựa chọn ngành nghề, chọn trường…). Công tác này sẽ tốn khá nhiều công sức cho bộ phận tuyển sinh của trường, nhưng đó là việc đáng làm trong tương lai” – ông Phúc nhấn mạnh.
Chuẩn đầu ra là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo
Tại hội nghị triển khai nghị định 99 của Chính phủ về hướng dẫn và thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH diễn ra hôm 6-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh vấn đề tự chủ của các trường ĐH về học thuật và hoạt động chuyên môn, đặc biệt về tuyển sinh và đào tạo.
Theo đó, các trường được xác định, công bố phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT… Khi tăng cường tính tự chủ, các trường tự chủ mở ngành nên hệ thống ngành học sẽ rất nhiều, cùng một ngành nhưng mỗi trường đào tạo mỗi khác. Do đó, chuẩn đầu ra sẽ là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của từng đơn vị. Tới đây, bộ sẽ ban hành quy định về chuẩn đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, dự kiến hoàn thành năm 2023.
“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rà soát, xây dựng các văn bản, đặc biệt là các quy chế đào tạo tuyển sinh theo tinh thần của Luật giáo dục ĐH, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình thông qua công tác kiểm định chất lượng. Bộ cũng đang có kế hoạch tiếp quản các trung tâm kiểm định và sẽ tăng cường công tác thanh tra, xử phạt” – ông Nhạ cho biết thêm.
Siết “đầu ra” thế nào?
Rõ ràng việc tăng cường đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, siết đầu ra quan trọng hơn việc chỉ chú trọng vào khâu tuyển sinh. Việc này cần được thực hiện thế nào và công tác hậu kiểm của Bộ GD-ĐT ra sao trong bối cảnh “thả lỏng” đầu vào?
TS TRẦN ĐÌNH LÝ: ”Không phải “xả van, bỏ van”, mà là phải có “van” đầu vào phù hợp. Theo đó, mỗi trường cần có hàng rào kỹ thuật phù hợp để chọn được người học phù hợp. Nếu không làm được vậy, sớm muộn người học cũng sẽ dừng bước và xã hội cũng sẽ từ chối ứng viên không phù hợp. Việc soát xét nghiêm chuẩn đầu ra vừa tuân thủ tính pháp lý vừa thể hiện việc gìn giữ uy tín, thương hiệu nhà trường. Việc một số trường thả lỏng yêu cầu chất lượng được xem là cách đưa trường đó chết yểu nhanh nhất”.
GS NGUYỄN TRỌNG HOÀI: ”Mục tiêu của kiểm định không phải để cấp giấy chứng nhận, mà qua đó chỉ ra những hạn chế của chương trình đào tạo để nhà trường khắc phục và cải tiến liên tục. Người học cũng được tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, giảng viên… sau khi kết thúc học phần. Nếu chấp nhận sàng lọc cao thì chuẩn đầu ra mới được đảm bảo”.
TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH: ”Các trường cần thể hiện vai trò tự chủ của mình để bảo đảm chất lượng đào tạo và thể hiện trách nhiệm giải trình. Bộ GD-ĐT cần thực hiện vai trò quản lý nhà nước thông qua các công cụ như kiểm toán, kiểm định để có thể đánh giá toàn diện chất lượng của cả quá trình quản trị, quản lý và hoạt động của nhà trường. Việc siết đầu vào như hiện nay thông qua việc “xác định ngưỡng đầu vào kết quả thi THPT” là cách làm không hiệu quả, vì trong thực tế các trường có nhiều cách để “đi vòng” qua các yêu cầu này”.
TTO