28/12/2024

Nghiện game và những hệ luỵ – Kỳ 2: Đường đến với game

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nghiện game online nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính lại liên quan tới các bậc làm cha, làm mẹ.

 

Nghiện game và những hệ luỵ – Kỳ 2: Đường đến với game

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nghiện game online nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính lại liên quan tới các bậc làm cha, làm mẹ.



Nghiện game và những hệ lụy - Kỳ 2: Đường đến với game - Ảnh 1.

Tại Trường cai nghiện game IVS, ngoài giờ học, các em được tập luyện thể thao để vượt qua cơn nghiện game online – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

“Từ nhỏ em đã không có nhiều bạn, sống khép kín. Càng lớn, áp lực học hành hằng ngày cộng với sự mệt mỏi, đau đớn trong gia đình khiến em cảm thấy cô đơn. Em chỉ có game làm bạn. Khi chơi game, em làm quen được nhiều bạn trên mạng cũng cùng chơi game như mình. Em cảm thấy được an ủi rất nhiều khi các bạn ấy tỏ ra quan tâm đến em, hỏi han, trò chuyện, chia sẻ với em nhiều điều”.

Nga (17 tuổi) 

T. (18 tuổi, ở TP.HCM) đã từng là học sinh giỏi, từng thi đậu vào trường THPT nổi tiếng vùng ven TP.HCM. Khi T. vào lớp 10, cậu được mẹ sắm cho một chiếc điện thoại riêng. Rồi do nhu cầu học tập phải thường xuyên trao đổi với thầy cô trên mạng, đồng thời phải làm PowerPoint, tìm tư liệu để làm dự án nên gia đình T. mua laptop cho con trai. Và con đường đến với game online gắn chặt với nó bắt đầu từ đó…

Sẵn điện thoại, laptop

Có “đồ chơi”, T. chơi game nhiều hơn: “Lúc đầu mẹ bảo mỗi ngày chỉ được chơi 30 phút thôi nhưng em mê quá mẹ nói gì cũng mặc kệ, cứ chơi. Nhắc hoài không được, mẹ chạy lại tắt máy. Cứ tưởng như thế là xong, nhưng em không chịu thua, em mang máy vô nhà vệ sinh chơi tiếp”.

Thời gian chơi game cứ thế tăng lên mỗi ngày, 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng rồi bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ. Và T. phải trốn học để được chơi nhiều hơn. Mới đầu T. lấy lý do đi toilet và “ngồi đồng” trong đó để chơi game. Nhưng “chiêu này” chỉ dùng được một thời gian thì bị thầy giám thị phát hiện. Thế là T. trốn cả những tiết học văn hóa: “Em chuẩn bị rất kỹ, tránh để bố mẹ biết mình trốn học. Em đi xin áo đồng phục cũ (cùng với phù hiệu) của học sinh lớp khác. Đầu giờ học, em sẽ vào lớp điểm danh đàng hoàng, bảo đảm nhà trường không gọi về cho phụ huynh. Sau đó, em canh lớp nào trống tiết là lấy áo đồng phục lớp đó ra mặc vào rồi điềm nhiên ra khỏi cổng trường trước mặt bác bảo vệ”.

Nhưng cấp độ chơi game của T. không chỉ tăng lên về thời gian mà càng ngày những game online T. chơi cũng nặng đô hơn. “Chơi trên điện thoại hoặc laptop đều không “mượt”. Em rất bực!” – T. nói và giải thích lý do cậu tìm đến tiệm net để chơi cho thỏa chí. Và đỉnh điểm là T. bỏ học năm lớp 11, trộm của mẹ 10 triệu đồng rồi bỏ nhà ra đi để “toàn tâm toàn ý” với game.

Thời gian đầu T. tá túc ở nhà hai đứa bạn thân nhưng cũng chỉ được vài ngày, không biết đi đâu nên đành ra tiệm net. Khi biết con bỏ nhà ra đi, ba mẹ T. thay phiên nhau nhắn tin cho con: “Bây giờ con có về nhà không? Nếu không về thì cắt đứt quan hệ luôn”, “Con có về không, nếu đi là đi luôn”… Nhưng sau một tuần không thấy bóng dáng con trai, gọi điện thì con không nghe máy, ba mẹ T. đành xuống nước: “Thôi về nhà đi con! Còn bao nhiêu tiền cũng về nhà đi con. Về rồi lo học hành lại là được”.

Nhưng ngay lúc ấy, ông chủ tiệm net đã rất ngọt ngào bảo T.: “Cứ ở lại đây chơi cho thoải mái, nếu muốn thì ở lại đêm cũng được, chú cho mượn gối mà ngủ”. Được lời như cởi tấm lòng, T. quyết định ở lại luôn trong quán net “cày” game. Hơn 1 tháng thì T. hết tiền. Lúc này ông chủ tiệm net lại dỗ ngọt: “Cứ ở đây chơi tiếp, ban ngày trông xe, quét và lau nhà rồi chú trả lương cho. Ban đêm lại được chơi”.

Rồi mẹ T. cũng tìm ra con trai mình nhưng T. khăng khăng không về nhà dù người thân năn nỉ, dỗ dành… cho đến ngày T. bị các thầy ở trường cai nghiện game đến “bắt” đi.

Nghiện game và những hệ lụy - Kỳ 2: Đường đến với game - Ảnh 3.

Tại Trường cai nghiện game IVS, ngoài giờ học, các em vui chơi cùng nhau để vượt qua cơn nghiện game online – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Cô đơn và… nghiện game

Khi Nga (17 tuổi, TP.HCM) tròn 3 tuổi thì ba mẹ ly hôn, em gái Nga được ở với mẹ, còn Nga ở với ba. “Đến khi em vào lớp 1 thì ba có mẹ kế. Thật ra, ba thương em lắm. Nhưng ba rất bận với công việc ở cửa tiệm nên mọi việc của em, ba giao hết cho mẹ kế. Những năm tháng đó, không ngày nào em được vui vẻ, lành lặn vì không ngày nào em thoát khỏi những trận đòn vô cớ của mẹ kế. Thế nhưng, khi em méc ba thì ba lại tin lời của mẹ kế rằng em không ngoan nên mới bị đòn” – Nga kể trong nước mắt.

“Do vậy, từ khi học lớp 5 em đã tìm niềm vui trong tiệm net. Tất cả tiền bà nội cho, mẹ kế cho để ăn sáng em đều để dành trả tiền cho tiệm net. Đến khi lên lớp 6, mẹ kế còn bắt em đi học thêm đến 9h tối mới về nhà. Về nhà lại học bài tiếp đến 12h mới được đi ngủ. Rồi em nhìn thấy mẹ kế đi với người đàn ông khác ở ngoài đường và nói cho ba biết chuyện đó” – Nga tâm sự.

Nga bị mẹ kế trả thù bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Nhưng lúc ấy cô bé 14 tuổi đã không đứng im chịu trận nữa, cô đánh lại, thành ra trận đòn là cuộc giằng co giữa hai người phụ nữ và hậu quả là mẹ kế đóng cửa không cho Nga vô nhà.

Những năm học THCS, Nga bỏ nhà đi nhiều lần để ra tiệm net tìm niềm vui, có khi 1 tuần, có khi 2 tuần thì lại quay về nhà: “Em trốn học và “ngồi đồng” ở tiệm net để chơi thâu đêm. Lúc ấy, đối với em, chỉ có chơi game mới mang lại niềm vui, mới là lẽ sống của mình”.

Nghiện game và những hệ lụy - Kỳ 2: Đường đến với game - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

 

Bất lực với con

Chị Dung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm nghề buôn bán nên hai vợ chồng chị thường đi sớm về khuya. Chị có cậu con trai học lớp 7 “mê điện thoại hơn bất cứ thứ gì”. Suốt ngày con chị cắm mặt vào điện thoại để chơi game, xem YouTube, lướt Facebook… “Nhiều đêm nó đi chơi ở tiệm net và tụ tập bạn bè có khi không về. Gọi điện nó không nghe, mấy lần tôi đi tìm con trong vô vọng, nhiều lúc muốn đánh nó chết luôn vì nói gì cháu cũng không nghe. Mỗi lần xin tiền không cho thì cháu hung hăng. Có lần nó đã cầm dao đe dọa tôi phải cho tiền để ra tiệm net chơi vì cháu nói ra đó thì game mới mạnh, còn chơi điện thoại hay máy vi tính ở nhà không đáp ứng nhu cầu của cháu” – chị Dung tâm sự.

KIM ANH

Nguyên nhân sâu xa chính là phụ huynh

 

phu huynh hoc sinh

Thầy Đặng Lê Anh hướng dẫn các em tập thể thao tại Trường IVS – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nghiện game nhưng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là do phụ huynh. Họ không ý thức được sự nguy hiểm của game. Từ khi trẻ còn rất nhỏ, nhiều phụ huynh đã quẳng cho con cái điện thoại hoặc iPad với suy nghĩ: chơi một tí thì không sao. Đến khi trẻ chơi 2 tiếng, 3 tiếng mỗi ngày, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn nghĩ: “Không sao”. Dần dần mức độ và thời gian chơi game tăng lên, trẻ nghiện lúc nào không hay.

Còn một số nguyên nhân khác nữa khiến nhiều học sinh lao vào game như một sự chạy trốn, ví dụ do trẻ chơi thân với nhóm bạn có sở thích chơi game, do áp lực học tập, do sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ vào con cái”…

Thầy Đặng Lê Anh (phó viện trưởng Viện IVS – quản lý Trường nội trú dành cho trẻ đặc biệt và cai nghiện game IVS)

 

 

HOÀNG HƯƠNG

TTO