26/12/2024

Rượu bia đi đến đâu, tàn phá cơ thể đến đó: Tết cổ truyền nên làm thế nào?

Khi nói đến tác hại của rượu, bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Rượu bia đi đến đâu, tàn phá cơ thể đến đó: Tết cổ truyền nên làm thế nào? 

 

Khi nói đến tác hại của rượu, bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Vì vậy Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia không chỉ tập trung vào phòng, chống uống rượu, bia và lái xe, mà còn có nhiều quy định quan trọng khác để ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với sức kho, xã hội và kinh tế, đặc biệt là để phòng tránh mắc, tàn phế và tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm.

Theo số liệu thống kê của WHO, năm 2016 Việt Nam có tổng cộng 549.000 ca tử vong do mọi nguyên nhân thì trong đó rượu, bia được quy cho là nguyên nhân gây ra khoảng 39.000 ca, chiếm 7,2% tổng số tử vong, chủ yếu là gây mắc và tử vong do các bệnh tim mạch (12.200 ca), xơ gan (9.000 ca), ung thư (4.600 ca), rối loạn tâm thần (1.100 ca) và tai nạn giao thông…

Tác hại lên cơ thể do rượu bia gây ra.

1 lượng rượu bia nhỏ cũng gây nguy cơ cho sức khoẻ

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp chính gồm:

Thứ nhất, ngay với liều nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần,…), ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần.

Thứ hai, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực, hành vi nguy cơ…).

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang khẳng định: Nếu sẽ lái xe thì không nên uống rượu bia trước đó hoặc đã uống thì không lái xe vì không có ngưỡng an toàn khi uống rượu bia.
Tốt nhất là không nên uống hoặc hạn chế uống. Nam giới khoẻ mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khoẻ mạnh không uống quá 1 đơn vị cồn một ngày và không quá 5 ngày/tuần.

Thứ ba, chất cồn là chất hướng thần gây lệ thuộc làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Việc uống rượu, bia thường xuyên dẫn đến thích nghi thần kinh khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng uống sẽ dẫn đến hội chứng “cai rượu”. Lệ thuộc rượu, bia sẽ gây ra loạn thần do rượu và dẫn đến mắc các bệnh mạn tính cũng như gây ra các hậu quả trước mắt và gánh nặng lâu dài cho xã hội.

Cuối cùng chất cồn có thể tương tác xấu với các chất hoá học khác trong cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn.

Trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia khác nhau.

 

Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khoẻ nhất định.

Khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết

Nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu, bia, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội, các chuyên gia khuyến cáo:

– Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.

– Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.

– Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

– Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống.

Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Dựa vào các bằng chứng khoa học, trong năm 2016 Cơ quan y tế của Vương quốc Anh đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn, trong đó cảnh báo rằng uống rượu, bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ quan trọng gây mắc các bệnh ung thư: khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Theo công bố của WHO, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu = 0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc ¼ lon bia thôi, thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh,… trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

Vì vậy uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề.
 

Suckhoedoisong