Từ cháy rừng ở Úc, hãy nghĩ đến rừng Việt Nam!
Rừng của chúng ta bị mất nhiều không phải do cháy rừng mà là do con người. Diện tích rừng bị mất trong những năm sau chiến tranh còn nhiều hơn giai đoạn chiến tranh, có lúc lượng che phủ rừng chỉ còn 28%.
Từ cháy rừng ở Úc, hãy nghĩ đến rừng Việt Nam!
Rừng của chúng ta bị mất nhiều không phải do cháy rừng mà là do con người. Diện tích rừng bị mất trong những năm sau chiến tranh còn nhiều hơn giai đoạn chiến tranh, có lúc lượng che phủ rừng chỉ còn 28%.
Tuần này, khi chuyện cháy rừng ở Úc và nửa tỉ động vật đã mất cùng đám cháy, trên mạng xã hội và khắp các diễn đàn nhiều người Việt lo sợ cầu nguyện cho nước Úc, họ cũng sợ khi thấy bầu trời nước Úc biến thành màu cam vì khói bụi.
Chuyện ở Úc khiến tôi cũng nghĩ tới chuyện rừng ở Việt Nam.
Năm 1943 là năm đầu tiên ông tổng giám đốc lâm nghiệp Đông Dương công bố độ che phủ rừng ở Việt Nam là 43%. Hiện nay, nếu hỏi tỉ lệ che phủ rừng thì cũng không có gì quá thiệt hại so với 1943, bởi chỉ giảm chút ít, còn 42%.
Điều khác biệt là năm 1943 phần lớn rừng của chúng ta là rừng tự nhiên, có cây cao, cây vừa, thảm mục…, còn hiện nay rừng tự nhiên còn rất ít, rừng của chúng ta chủ yếu là rừng trồng.
Nếu so với Úc, Việt Nam có đa dạng sinh học về số loài động, thực vật hơn rất nhiều lần. Những loài cây như keo, bạch đàn, tràm trồng ở Việt Nam hiện nay là đến từ Úc. Khác với rừng tự nhiên khó cháy do đất giữ được độ ẩm thì rừng trồng lại dễ cháy do không có thảm mục, đất khô hơn.
Cùng lượng mưa 20mm, rừng tự nhiên chỉ làm ướt lá và ướt đất, còn rừng trồng sẽ có nước chảy trên bề mặt do không có lớp thảm mục, đất ở rừng trồng cũng đã thoái hóa nên thấm nước hạn chế. Nếu mưa to hơn, ở rừng tự nhiên không có tình trạng bào mòn đất đai, còn rừng trồng thì khả năng hấp thụ nước chỉ bằng 40% so với rừng tự nhiên.
Hiện nay đã có những cách để chống cháy ở rừng trồng, như “đốt rừng chủ động”, đốt để phòng cháy. Ở Việt Nam, cách làm này đã được tiến hành tại 2 nơi và tỏ ra hiệu quả.
Hay người ta trồng nhiều loài cây trên một khu rừng trồng, theo dãy, cứ vài hàng cây là một dãy và các dãy có thể ngăn cách với nhau bằng các loại cây thấp, mọng nước, khó cháy. Ngoài ra, việc bố trí các chòi gác để giám sát cháy rừng cũng đang được triển khai.
Tuy nhiên, rừng của chúng ta bị mất nhiều không phải do cháy rừng mà là do con người. Diện tích rừng bị mất trong những năm sau chiến tranh còn nhiều hơn giai đoạn chiến tranh, có lúc lượng che phủ rừng chỉ còn 28%. Sau này rừng mới được trồng lại, nhưng những gì chúng ta bị mất vì mất đi rừng tự nhiên thì sẽ rất khó lấy lại được.
Đặc biệt là đa dạng sinh học, người Úc rất thân thiện với động vật hoang dã, ở đó động vật sống chung với người, không sợ người vì không sợ bị bắt ăn thịt. Nhưng ở Việt Nam thì hươu, nai, chim, rắn… đều bị bắt để ăn. Đa dạng sinh học cả động vật và thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi con người.
Mất rừng là mất rất nhiều thứ. Chuyện ở nước Úc vì thế đang khiến cả thế giới lo lắng. Người ta đang chờ những cơn mưa vàng để làm giảm cháy rừng. Lúc này mới thấy những gì tự nhiên đã ban tặng đáng quý biết bao nhiêu.
Cầu nguyện cho nước Úc, cũng hãy nghĩ đến rừng Việt Nam. Tôi hi vọng mọi người hãy nghĩ nhiều đến rừng, đến đa dạng sinh học, đến những gì tự nhiên đã ban tặng cho đất nước chúng ta.
TTO