26/12/2024

Cảnh báo gì khi Việt Nam bị kiện tới 20 vụ chống lẩn tránh thuế?

Tính đến tháng 12-2019, Việt Nam đã bị 20 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hoá xuất khẩu. Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh, sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.

 

Cảnh báo gì khi Việt Nam bị kiện tới 20 vụ chống lẩn tránh thuế?

Tính đến tháng 12-2019, Việt Nam đã bị 20 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hoá xuất khẩu. Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh, sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.


 

Cảnh báo gì khi Việt Nam bị kiện tới 20 vụ chống lẩn tránh thuế? - Ảnh 1.

Thép là sản phẩm bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng khởi kiện và điều tra nhiều nhất – Ảnh:TRẦN NGUYỄN NGHI

 

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết thông tin trên khi thống kê các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng gần đây.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp.

Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp: hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. 

Hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP).

Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong thời gian qua, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỉ lệ 30% trong tổng số các vụ kiện.  

Hầu hết các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.

Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục khuyến nghị các doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra.

Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nếu không, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

“Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại quốc tế, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, cùng sự điều chỉnh chính sách của một số đối tác thương mại lớn trong thời gian qua.

Nghị quyết nhấn mạnh các bộ, ngành tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Chủ động kiểm tra, điều tra, xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm minh các vụ việc được phát hiện.

Đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa để triển khai có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trên.

 

 

TRẦN VŨ NGHI

TTO