Thuốc giải rượu có tẩy hết nồng độ cồn?
Trước thông tin CSGT phạt “gắt” người uống rượu bia lái xe, thị trường lập tức xuất hiện nhiều loại thuốc giải rượu với lời quảng cáo “tẩy hết nồng độ cồn”. Thực hư ra sao?
Thuốc giải rượu có tẩy hết nồng độ cồn?
Trước thông tin CSGT phạt “gắt” người uống rượu bia lái xe, thị trường lập tức xuất hiện nhiều loại thuốc giải rượu với lời quảng cáo “tẩy hết nồng độ cồn”. Thực hư ra sao?
CSGT Thanh Hoá kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến QL45 chiều 5.1 Ảnh: Minh Hải
Ngày 5.1, khảo sát của PV Thanh Niên tại một số nhà thuốc ở TP.HCM, nhân viên bán thuốc cho biết các loại thuốc giải rượu hiện bán rất ăn khách. Còn trên các trang mạng xã hội, sản phẩm giải rượu được quảng cáo rất “thần tiên”, như sản phẩm D. có tác dụng khử mùi bia rượu và giảm nồng độ cồn trong máu giúp bạn tỉnh táo… Từ hôm nay không còn lo nghĩ mỗi khi nhập tiệc cùng bạn bè!
Tại một nhà thuốc lớn trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), khi PV Thanh Niên hỏi mua thuốc giải rượu, nhân viên nhà thuốc giới thiệu sản phẩm giải rượu loại chai 75 ml của Hàn Quốc, giá 50.000 đồng, mỗi lần uống một chai trước hoặc sau 30 phút nhậu là cơ thể sẽ không còn cồn (?); viên giải rượu của Nhật Bản, đóng gói tại Việt Nam, uống 2 viên trước khi nhậu và 2 viên sau nhậu 30 phút “đảm bảo sẽ hết say”. Loại này bán cả hộp 30 viên giá 496.000 đồng. Hay sản phẩm khác giống chai si rô nước, xuất xứ Nhật, giá 56.000 đồng/chai, uống trước hoặc sau 30 phút nhậu thì sẽ giải được rượu (?).
Tại một nhà thuốc trên đường Đồng Đen, Q.Tân Bình (TP.HCM), nữ nhân viên cho biết loại sản phẩm giải rượu rất hút hàng đã bán hết, nhà thuốc đã đặt hàng nhưng chưa có lại. Hiện chỉ còn viên giải rượu (tên G.R) giá 3.000 đồng/viên, uống 2 – 4 viên/lần trước hoặc sau uống rượu, liều duy trì 2 viên/ngày. PV hỏi “có chắc giải được rượu, cồn không?”, cô nhân viên lắc đầu bảo: “không biết”!
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết về mặt cơ chế, các sản phẩm giải rượu ức chế sự hấp thu rượu, tăng đào thải như lợi tiểu. Nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì không thuốc nào giải được.
“Thuốc hay sản phẩm giải rượu nhằm giảm hấp thu rượu nhưng không thể giải quyết được vấn đề cồn trong máu, trong hơi thở”, BS Lan khuyến cáo, đồng thời cho rằng: “Suy nghĩ đã uống thuốc giải rượu nên uống rượu bao nhiêu cũng được là sai. Thuốc mua phải rõ nguồn gốc và do Bộ Y tế cấp phép lưu hành”.
DUY TÍNH