11/01/2025

‘Con đường thành công bằng sự tử tế’ vào đề thi học sinh giỏi quốc gia

Đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 môn văn yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về “con đường” trong nhan cuốn sách của Inamori Kazuo – một doanh nhân người Nhật: “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”.

 

‘Con đường thành công bằng sự tử tế’ vào đề thi học sinh giỏi quốc gia

 Đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 môn văn yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về “con đường” trong nhan cuốn sách của Inamori Kazuo – một doanh nhân người Nhật: “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”.


 

Con đường thành công bằng sự tử tế vào đề thi học sinh giỏi quốc gia - Ảnh 1.

 

Đề thi gồm 2 câu. Câu 1 (nghị luận xã hội), đề yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về “con đường” trong nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Inamori Kazuo – một doanh nhân người Nhật, qua câu: “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”. Câu 2 (nghị luận văn học) đề hướng đề yêu cầu trả lời cho câu chuyện, trong thời đại ngày nay, liệu văn học có khả năng giúp con người hóa giải được những áp lực trong đời sống tinh thần?

Với thời gian làm bài 180 phút, em Phan Thanh Thảo, Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho rằng đề thi không làm em bất ngờ, mà ngược lại em rất cảm hứng với đề thi này. “Em thấy đề không khó, em thích câu 2 hơn, vì em thấy văn học có giá trị nhất định để hướng mình đến sự tự giải quyết, em viết có nhiệt huyết hơn khi trình bày vấn đề” – Thảo nói.

Nói về mức độ của đề, cô Lê Thị Hà Giang, giáo viên văn Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho biết đề hay, gợi mở. “Học sinh tư duy tốt, có khả năng trình bày vấn đề thì tôi tin rằng đề thi này rất ấn tượng. Câu 2 là câu hay, hay vì đề cập đến sứ mệnh văn học, nó giúp người ta có niềm tin. Cuộc sống có lúc căng thẳng, khiến người ta có suy nghĩ tiêu cực, thì văn học lại mang lại cho con người động lực. Ở phương diện nào đó, nó đem đến giây phút giúp ta thoát ly cuộc sống, tìm về với cái tĩnh, lắng đọng”, cô Giang nhận xét.

Cũng cho rằng đây là một đề thi tốt, độ mở cao và giàu ý nghĩa đối với cuộc sống hiện tại, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh – tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) – chia sẻ: “Giữa lúc mà xã hội ngày càng trở nên vô cùng phức tạp với không ít trí trá, lọc lừa thì vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội có ý nghĩa sâu sắc. Cách hỏi cũng tương đối mở nên học sinh khá tự do để thể hiện quan điểm của mình. 

Còn câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh nghĩ về khả năng của văn học trong việc giúp con người hóa giải những áp lực tinh thần trong đời sống hiện đại. Đây cũng là một vấn đề hay, gắn kết được văn học với thực tế đời sống hiện tại, giảm nhẹ hơn tính hàn lâm so với những năm trước. Cách hỏi cũng linh hoạt, tạo sự thoải mái cho học sinh khi làm bài”.

Quan điểm đây là đề thi có cấu trúc ổn định, quen thuộc và bao quát, thầy Nguyễn Tấn Huy – tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), ủy viên hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới – nhận xét: “Đề thi không hay, nhưng cũng không dở. Câu nghị luận xã hội vấn đề quen thuộc, suy nghĩ con đường thành công bằng sự tử tế không quá khó với học sinh chuyên, nhưng đòi hỏi học sinh phải biết đào sâu, lật ngược vấn đề, phản biện tốt, chứ không sẽ viết theo lối mòn. 

Còn câu nghị luận văn học thì khá rộng, không đề cập trực tiếp phạm vi kiến thức hàn lâm nào, mà tổng hợp nhiều mảng. Điều này đòi hỏi khả năng cảm thụ tốt, am hiểu thực sự, đặc biệt là có năng khiếu, say mê văn chương”.

 

 

THẢO THƯƠNG