11/01/2025

‘Nước Mỹ trên hết’ đấu ‘Trung Hoa mộng’

Khi hai người khổng lồ cùng ôm giấc mộng phục hưng sự vĩ đại quốc gia đụng độ nhau, nhiều người đã nghĩ đến hậu quả tồi tệ nhất: cuộc chiến một mất một còn. Có lẽ, nước Mỹ chưa bao giờ gặp phải một đối thủ xứng tầm như Trung Quốc lúc này.

 

‘Nước Mỹ trên hết’ đấu ‘Trung Hoa mộng’

Khi hai người khổng lồ cùng ôm giấc mộng phục hưng sự vĩ đại quốc gia đụng độ nhau, nhiều người đã nghĩ đến hậu quả tồi tệ nhất: cuộc chiến một mất một còn. Có lẽ, nước Mỹ chưa bao giờ gặp phải một đối thủ xứng tầm như Trung Quốc lúc này.



Nước Mỹ trên hết đấu Trung Hoa mộng - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ – Ảnh: AFP

 

Trong năm 2019, không còn gói gọn trong cuộc chiến thương mại, cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế đã lan sang nhiều lĩnh vực khác, từ công nghệ đến nhân quyền, dân chủ và cả…chủ quyền.

Cạnh tranh chiến lược gay gắt

Năm 2013, một tháng sau khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra “Hai mục tiêu trăm năm”. Đó là xây dựng một “xã hội khá giả” vào năm 2021 khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa Trung Quốc trở thành một nước “hiện đại, phát triển, giàu có và hùng mạnh” vào năm 2049 – năm đánh dấu 100 năm ngày khai sinh ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 

Hai mục tiêu đầy tham vọng này thực chất chỉ là một phần trong “giấc mộng Trung Hoa” và với ông Tập, làm cho đất nước giàu mạnh là chưa đủ.

Hoàn tất kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quét sạch tham nhũng ra khỏi tổ chức đảng, ông Tập bắt đầu hướng bước thứ hai để hiện thực hóa mộng Trung Hoa. 

Trong bài diễn văn mới đây nhân kỷ niệm 20 năm Macau được trao trả cho Trung Quốc, ông Tập đã nhấn mạnh Macau có được sự thành công như ngày nay là bởi người Macau một lòng yêu nước. Khôi phục chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ái quốc, niềm tự hào vì là người Trung Quốc là điều mà nhà lãnh đạo này đang hướng tới.

Nhưng các nỗ lực đó đã liên tục vấp phải sự cản trở từ Mỹ. Những tháng cuối cùng của năm 2019 chứng kiến các đòn công kích của Mỹ từ lĩnh vực thương mại cho đến nhân quyền, bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đến Hong Kong và cả Đài Loan.

Trong khi các chiến dịch chống tham nhũng đã giúp khôi phục niềm tin của người dân Trung Quốc đối với đảng, thu hồi Đài Loan – vùng lãnh thổ chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh kể từ năm 1949, có ý nghĩa quan trọng quyết định tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập đã gặp lực cản lớn từ Mỹ. Bài phát biểu công kích trực diện Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực của Phó tổng thống Mike Pence vào trung tuần tháng 10 năm nay đã được tiếp nối bởi phát biểu chỉ trích Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 30-10.

Ngoại trưởng Mỹ khi đó tuyên bố sẽ còn dành nhiều bài phát biểu như thế nữa trong vài tháng tới để “chỉ rõ mối đe dọa và thách thức từ Trung Quốc”, nhấn mạnh Washington đã thức tỉnh trước “những chính sách thù địch đối với phương Tây” của Bắc Kinh. 

“Chúng ta đã chần chừ và làm ít hơn những gì chúng ta đáng phải làm khi Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng, khi Bắc Kinh đưa ra yêu sách với toàn bộ Biển Đông” – ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn.

Giới quan sát chính trị có lúc đã nghĩ đến kịch bản xấu nhất cho cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung đó là chiến tranh. Tuy nhiên, cũng có nhiều học giả cho rằng Mỹ – Trung hoàn toàn có thể tránh được bẫy Thucydides, nhắc đến cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng giữa thành Sparta và thành Athens khởi nguồn từ nỗi sợ của một cường quốc lâu năm và sự tự tin của một cường quốc mới nổi đang muốn khẳng định mình.

Và trong câu hỏi đó, lại có một câu hỏi khác: Phải chăng sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân sẽ luôn giúp các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc tránh được bẫy Thucydides?

Tín hiệu tốt lành cuối năm

Giáo sư Graham Allison, một cố vấn trải qua nhiều đời tổng thống Mỹ, nhận định trong quyển Định mệnh chiến tranh xuất bản lần đầu năm 2017 rằng nếu Hollywood đang tìm kiếm diễn viên cho một bộ phim lấy chủ đề về cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ không ai thủ vai tốt hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi nhiều người nhìn nhận Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đang đối đầu nhau vì nhiều sự khác biệt, ông Tập và ông Trump lại giống nhau đến một cách kỳ lạ.

“Cả hai đều được thúc đẩy bởi cùng một tham vọng: Khôi phục sự vĩ đại cho quốc gia mình và nhận ra rằng việc đất nước của họ bị dẫn dắt bởi nước còn lại chính là trở ngại lớn nhất trên con đường hiện thực hóa tham vọng” – giáo sư Graham Allison nhận định.

Tháng cuối cùng của năm 2019 chứng kiến một tín hiệu tích cực khi Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ, làm dấy lên hi vọng có thể sớm kết thúc cuộc chiến thương mại đầy tốn kém.

Sự thỏa hiệp này đã khiến giới truyền thông tốn bút mực, nhưng nói như Đài CNBC của Mỹ, cả ông Tập và ông Trump đều cần một thỏa thuận sơ bộ để bảo đảm vị thế chính trị trong nước.

Với ông Trump, một thỏa thuận sơ bộ sẽ vớt vát uy tín của ông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm sau. Còn với ông Tập, đó là một làn nước mát sau những bất ổn chính trị ở Hong Kong – thách thức lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Đối thủ đáng gờm!

Giới học giả muốn cảnh báo về sức mạnh đang lên của Trung Quốc thường dẫn một câu nói của Napoléon Bonaparte cách đây hai thế kỷ: “Hãy để Trung Quốc ngủ yên; một khi quốc gia này thức giấc, thế giới sẽ rung chuyển”.

Trung Quốc ngày nay đã tỉnh giấc và thế giới đang bắt đầu rung chuyển, không chỉ bởi những chuyển động do quốc gia này tạo ra, mà còn bởi những thách thức họ đặt ra với Mỹ.

Cách đây 30 năm, Mỹ có hai đối thủ đáng gờm là Liên Xô về mặt quân sự và Nhật trên lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc hiện nay là sự kết hợp của cả hai nước đó.

 

 

DUY LINH