28/11/2024

Trường ĐH có tiếp tục xét điểm thi THPT quốc gia sau năm 2020?

Năm 2020 có trường ĐH chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Khi kỳ thi có những thay đổi căn bản sau năm 2021, các trường có tiếp tục sử dụng kết quả này để xét tuyển?

 

Trường ĐH có tiếp tục xét điểm thi THPT quốc gia sau năm 2020?

Năm 2020 có trường ĐH chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Khi kỳ thi có những thay đổi căn bản sau năm 2021, các trường có tiếp tục sử dụng kết quả này để xét tuyển?


 
 
 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 /// Ngọc Dương

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019   Ngọc Dương

 

 

‘Các trường ĐH đang đón đầu’

Cách đây 3-4 năm, điểm thi THPT quốc gia gần như là phương thức tuyển sinh truyền thống và duy nhất của hầu hết các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH khối công lập. Nhưng vài năm gần đây, phương thức này đang dần bị thay thế bởi nhiều cách thức tuyển sinh mới, như xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, xét chứng chỉ quốc tế, tổ chức kỳ thi riêng… Điều này không chỉ diễn ra ở các trường tư thục mà cả công lập và ngay cả ĐH quốc gia.
 
Đáng chú ý, ở năm 2020, theo phương án tuyển sinh dự kiến đã công bố, có trường chủ trương tiếp tục giảm “sâu” chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi THPT quốc gia xuống chỉ còn 40% và dự tính tiếp tục giảm trong năm kế tiếp. Chẳng hạn, theo đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, năm 2020 trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi chung và dự kiến có thể tiếp tục giảm thêm 10% trong năm tới. Đây cũng là cách làm của nhiều trường khi dần thay thế chỉ tiêu xét điểm kỳ thi chung bằng các phương thức tuyển sinh mới.
 
Trước hiện tượng này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 chính là xu hướng đón đầu của các trường ĐH cho đợt tuyển sinh 2021”.
 
Theo tiến sĩ Nghĩa, năm 2020 là năm cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo luật Giáo dục hiện hành. Theo luật Giáo dục mới, kỳ thi này sẽ thay đổi nhiều, từ đó tác động đến việc tuyển sinh của các trường. Ngay ở thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đều xét điểm thi THPT quốc gia nhưng số trường còn xét tuyển dựa vào kỳ thi này không còn nhiều.
 
“Với xu hướng này thì các trường sẽ ngày càng giảm tỷ lệ xét kết quả kỳ thi chung và tăng thêm các hình thức xét tuyển khác. Trong đó, đáng chú ý là việc tổ chức các kỳ thi riêng, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực sẽ ngày càng mở rộng hơn để các trường có nguồn tuyển”, tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận.

Tuyển sinh sau 2020 sẽ ra sao?

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, việc điều chỉnh phương án tuyển sinh chỉ là sự thay đổi thứ ba sau hai sự thay đổi khác: kỳ thi và đề thi. Kỳ thi chung sau 2020 dự kiến sẽ có rất nhiều thay đổi mà trước hết là không còn bắt buộc học sinh phải dự kỳ thi chung để đủ điều kiện xét tốt nghiệp như hiện nay. Thay vào đó, học sinh có thể dự thi để nhận bằng tốt nghiệp hoặc không thi mà vẫn được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT do hiệu trưởng cấp.
 
“Từ số liệu học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển ĐH những năm trước có thể dự đoán khoảng 20-25% học sinh không tham gia kỳ thi này từ năm 2021”, chuyên gia này đánh giá.
 
Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, sự thay đổi thứ 2 cũng tác động lớn đến việc tuyển sinh của các trường là về đề thi. “Chưa nói sự thay đổi hình thức thi trắc nghiệm có thể chuyển từ giấy lên máy tính thì đề thi cũng dự kiến sẽ thay đổi lớn. Khi đó có thể không còn nhiều bài và môn thi riêng lẻ hay tổ hợp như hiện nay mà chỉ bài thi tích hợp nhiều môn thi với các câu hỏi được xáo trộn. Không còn điểm từng môn bài riêng, điều này sẽ tác động rất lớn đến các trường khi mà hầu hết đều đang thực hiện xét tuyển theo tổ hợp môn như hiện nay”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
 
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nghĩa, trong tương lai dù kỳ thi THPT quốc gia có thay đổi nhưng các trường sẽ vẫn sử dụng kết quả này để xét tuyển nhưng với hình thức xét phù hợp hơn.
 
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: “Theo chủ trương của luật thì kỳ thi THPT quốc gia mục tiêu chính sẽ phục vụ xét tốt nghiệp THPT, các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển hoặc không tùy điều kiện của mình. Tuy nhiên, nếu sử dụng để tuyển sinh thì nên coi đây là một trong các tham số chứ không nên là căn cứ duy nhất để tăng tính toàn diện”.
 
Về phía trường ĐH, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh sau 2020. Theo ông Dũng, năm nay trường dành tới 80% chỉ tiêu để xét kỳ thi chung và sẽ giữ phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển phương thức này trong thời gian tới.
 
Lý giải định hướng này, theo ông Dũng, kỳ thi chung vẫn đảm bảo sự tiết kiệm và đánh giá người học trên một chuẩn chung. Đặc biệt, kỳ thi này phù hợp hơn cho các thí sinh ở những khu vực khó khăn.
 
 
 
HÀ ÁNH 

TNO