Tranh cãi đề thi môn ngữ văn: Học sinh nói gì khi yêu cầu biết buông bỏ ?
Đa số học sinh được hỏi đã cho rằng khái niệm về sự ‘cố gắng’, ‘nỗ lực’, ‘từ bỏ’, ‘dừng lại’… cần được nhìn nhận theo quan điểm của người trẻ hiện đại, đó là một thế hệ độc lập trong tư duy.
Tranh cãi đề thi môn ngữ văn: Học sinh nói gì khi yêu cầu biết buông bỏ ?
Đa số học sinh được hỏi đã cho rằng khái niệm về sự ‘cố gắng’, ‘nỗ lực’, ‘từ bỏ’, ‘dừng lại’… cần được nhìn nhận theo quan điểm của người trẻ hiện đại, đó là một thế hệ độc lập trong tư duy.
Học sinh lớp 12 ở Đà Nẵng vừa trải qua thử thách thú vị với đề kiểm tra kỳ 1 môn ngữ văn Đ.H
Đề thi môn văn kỳ thi học kỳ 1 lớp 12 tại TP.Đà Nẵng những ngày qua gây ra nhiều dư luận trái chiều, sau khi đưa ra một đoạn trích trong Sống như khi bạn đang ở sân bay của tác giả trẻ Cúc T.
Điểm gây tranh cãi tập trung ở các khái niệm về “nỗ lực”, “cố gắng”, “từ bỏ”, hay quan điểm “buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi” và “từ bỏ cũng là một lựa chọn”. Các ý kiến cho rằng đề quá khó đối với học sinh lớp 12, độ tuổi khó có thể cảm nhận được những cái “từ bỏ”, “buông bỏ”… Ngoài ra, nhiều người nói đề văn đang “dạy” học sinh (HS) bỏ cuộc, không phù hợp với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, khát vọng…
Khó, nhưng… thú vị
Đây là nhận định chung của HS ở Đà Nẵng đối với đề văn. Thú vị do đề mở, có thể tự do nghị luận, đồng thời đưa ra một góc nhìn của người trẻ để tự do nhận định. Điều này khác với việc phân tích một tác phẩm văn học của một nhà văn từ thập niên trước, thế kỷ trước…
Lê Tuấn Hải (lớp 12/22 Trường THPT Phan Châu Trinh), HS chuyên khoa học tự nhiên, cho biết đề bất ngờ, gây lúng túng ban đầu đối với những HS không “mạnh” môn văn. “Tuy nhiên, khi đọc kỹ đề thì thấy phù hợp với người trẻ hiện nay. Em mạnh dạn bắt tay vào làm thì thấy ổn dần, thậm chí thấy viết rất “đã” vì thoải mái thể hiện suy nghĩ của chính mình”, Hải chia sẻ.
Cũng theo Hải, với các bạn có cái nhìn tốt, kỹ năng tốt, biết cách phản biện sẽ làm ổn, thậm chí là hay; còn đối với các bạn học tủ, học lệch thì sẽ gặp khó. Tính phân loại HS theo đó cũng sẽ rất rõ…
Trần Mỹ Ý (lớp 12/25 Trường THPT Phan Châu Trinh) cũng cho rằng đề mở, hơi khó và bất ngờ, nhưng thú vị ở chỗ đánh giá đúng tư duy của HS. Theo bạn, quan trọng không phải chuyện điểm số, mà là đề ra ở thời điểm HS lớp 12 lựa chọn hướng đi của mình, cho thấy có sự quan tâm của các thầy cô, có dụng ý của những người làm trong ngành giáo dục. “Vì đây là sự nhắc nhở bọn em phải cân nhắc đối với các mục tiêu của đời mình, lựa chọn nó một cách tỉnh táo. Đôi khi phải biết chấp nhận từ bỏ mục tiêu này để chọn mục tiêu phù hợp với năng lực nhất để đi đến thành công. Không phải ảo tưởng, phí sức dẫn đến thất bại. Tóm lại, đề hay và đúng thời điểm, cho bọn em thoải mái thể hiện suy nghĩ, quan điểm cá nhân dưới dạng một bài thi”, Mỹ Ý chia sẻ.
Đừng áp đặt cái “buông” của người lớn
Tranh cãi nhiều nhất là đề văn này “không phù hợp” với lứa tuổi, là “dạy” HS từ bỏ, buông bỏ ở độ tuổi cần nỗ lực nhất, khát khao và nhiệt huyết nhất.
Phan Yên Nhi (lớp 12/2 Trường THPT Trần Phú) khẳng định đề nhiều thử thách nhưng hay nhất là đã tạo cơ hội phản biện. Yên Nhi cho rằng đề không “cổ vũ sự từ bỏ”. “Đó là chấp nhận dừng lại để chọn mở một cánh cửa khác phù hợp hơn, hiểu theo nghĩa tích cực nhất của nó. Vì vậy, không nhất định phải có sự trải nghiệm thì mới có thể nói chuyện dừng lại hay từ bỏ”, Yên Nhi nói.
Nhiều HS cho rằng người lớn đã dùng kinh nghiệm và sự từng trải của mình để bình luận rằng đề thi khuyến khích HS buông bỏ mục tiêu quá sớm, và đó chỉ là cách nghĩ của… người lớn. “Người trẻ cũng trải qua những khó khăn, vấp váp, có cảm nhận nhất định và khá sâu sắc về “từ bỏ” và “lựa chọn từ bỏ”. Người lớn không nhất thiết phải lấy kinh nghiệm sống của mình để áp đặt cho người nhỏ, vì người 18 tuổi họ có cái lý của họ. Đặc biệt, người lớn đừng áp đặt cái “buông” của họ cho người trẻ”, Tuấn Hải bày tỏ.
Nguyễn Hà Linh (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền) cho hay với đề văn này, các bạn trẻ sẽ không nghĩ đó là chuyện “dạy bỏ cuộc”, mà là tư duy độc lập, không phải áp lực quá nhiều đối với kỳ vọng của người khác. “Thậm chí nhiều bạn nghĩ ‘từ bỏ cũng là một lựa chọn’ đó cũng là một sự cân nhắc một cách đầy tích cực, có trách nhiệm đối với các mục tiêu của bản thân”, Linh nói thêm.
Ý kiến
Tránh học tủ, học vẹt
Đề thi có tính sáng tạo, buộc HS phải đưa việc học văn gắn liền với thực tiễn đời sống; tránh được học tủ, học vẹt. Nếu mới đọc qua thì có cảm giác đề thi sẽ khó đối với HS có sức học trung bình trở xuống, nhưng thực ra là lại lợi cho các HS này vì nếu không nắm tác phẩm văn học, các em vẫn có thể chủ động làm bài kiếm điểm tốt.
Nguyễn Đình Hòa
(giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, TP.Đà Nẵng)
(giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, TP.Đà Nẵng)
Đề hay, phân loại học sinh
Tư duy của HS phụ thuộc phần nhiều vào kiến thức xã hội mà HS đó lĩnh hội, cách nhìn nhận của HS đối với các vấn đề xã hội. Vì vậy, đây là đề hay, và phân loại được HS.
Nguyễn Hồng Hạnh
(nguyên giáo viên văn THPT)
(nguyên giáo viên văn THPT)
AN DY
TNO