17/01/2025

Có hiện tượng làm giá heo hơi?

Thông tin heo khan hiếm liên tục được đưa ra nhưng khảo sát thực tế tại các chợ, thịt heo được bày bán ê hề. Nhiều tiểu thương không dám ôm hàng vì sợ lỗ.

  

Có hiện tượng làm giá heo hơi?

Thông tin heo khan hiếm liên tục được đưa ra nhưng khảo sát thực tế tại các chợ, thịt heo được bày bán ê hề. Nhiều tiểu thương không dám ôm hàng vì sợ lỗ.

 
 
 

Đến 11 giờ trưa, lượng thịt heo tại các chợ bán lẻ vẫn còn nhiều  /// Ảnh: Ngọc Dương

Đến 11 giờ trưa, lượng thịt heo tại các chợ bán lẻ vẫn còn nhiều  Ảnh: Ngọc Dương

 

 

11 giờ trưa còn cả con heo trên sạp

1 giờ sáng 15.12 tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), lượng heo đổ về chợ liên tục, đến khoảng 3 giờ sáng thì thưa dần. Tính đến 5 giờ sáng, có khoảng 4.400 con heo về chợ này, trong đó, heo nhỏ từ 40 – 60 kg khoảng 1.100 con. Giá heo mảnh tại chợ Hóc Môn sáng 15.12 đã giảm khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, từ 112.000 – 118.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm.
 
Bà Trang, chủ 2 sạp chuyên pha lóc tại chợ này, cho biết giá thịt pha lóc cũng đang chững lại, các sạp lớn lấy giá 138.000 đồng/kg, từ đó chọn phân loại bán lại với giá 145.000 – 148.000 đồng/kg. Là chợ đầu mối lớn, nên thường thịt heo mảnh tại chợ được bán hết rất sớm, đến 5 giờ sáng hầu như gần hết heo mảnh, thay vào đó tập trung khu vực pha lóc kéo dài thêm 30 phút hoặc vài tiếng nữa là kết thúc. Tuy nhiên, sáng 15.12, đến 6 giờ sáng, lượng heo mảnh tại chợ vẫn còn khá nhiều.
 
“Chợ hai hôm nay bán rất chán, chậm và heo quá nhỏ nên người mua vào giờ cao điểm giảm gần một nửa”, bà Trang chép miệng. Tại chợ đầu mối Bình Điền hôm qua có 1.350 con. Do giá tốt hơn chợ Hóc Môn nên theo phản ánh của tiểu thương, sức mua khá tốt, bán hết sớm.
 
Cùng ngày, tại chợ truyền thống Ông Địa (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM), đến 10 giờ 30 sáng thịt heo vẫn còn treo ê hề trên các móc sắt. Bà Lan, chủ quầy thịt lớn trong chợ, cho biết lượng hàng của sạp lấy về giảm hơn một nửa nhưng số vốn bỏ ra gấp 3 lần so với trước.
 
“Trước vốn chỉ cần 120 triệu đồng, nay phải 300 triệu đồng mới mua đủ lượng thịt bán. Nhưng cả tuần nay khi giá thịt lên cơn “điên”, hàng lấy về chưa được một nửa, vì càng mua nhiều càng lỗ. Thịt đến trưa dư nhiều đi bán đổ bán tháo cho các tiệm cơm, hủ tíu. Hôm nay chủ nhật, nghĩ chợ sẽ đông người mua nên tôi lấy hơn hôm qua 1 con, nay đến giờ này còn hơn con heo nằm trên sạp. Người đi mua thịt trước 10 nay còn 3 thôi”, bà Lan nói một hơi, như xả tức.
 
Tương tự, tại chợ Ông Tạ (Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM), đến 11 giờ trưa nhiều sạp vẫn còn quá nhiều thịt. Anh Hà, bán thịt tại chợ này lắc đầu: “Chợ ế lắm, trước lấy 5 con, nay chỉ 3 con mà đến giờ này còn 1,5 con. Toàn nghe tin giá thịt tăng nên người mua không còn mặn mà nữa. Trước giờ này thường rửa dao thớt về rồi, đâu còn cả đống thế này. Buôn bán kiểu này sốt ruột quá!”.
 
Khảo sát tại một số cửa hàng tiện lợi và siêu thị như: Vinmart (Tân Phước, Q.11), Co.opMart (Lữ Gia, Q.11), BigC Tô Hiến Thành và Lotte Mart Lê Đại Hành (Q.11), lượng thịt heo bán trong các siêu thị ngập đầy quầy kệ. Đáng lưu ý, trong khi chợ sỉ đang tăng giá đua theo giá heo hơi, chợ bán lẻ tăng dè dặt thì trong siêu thị, mặc dù 5 ngày qua, giá vẫn khá ổn định.
 

Các “ông lớn” ghim hàng?

Trong khi đó, giá heo hơi vẫn đang trong cơn lốc của bão giá. Các công ty chăn nuôi lớn liên tục báo tăng giá từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Công ty chăn nuôi CP miền Bắc ngày 15.12 tiếp tục điều chỉnh tăng ngày thứ 6 liên tục, thêm 2.000 đồng lên 81.000 đồng/kg heo hơi, giá heo hơi CP miền Nam vẫn 80.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 14.12, hàng loạt công ty chăn nuôi lớn như Japfa tăng 4.000 đồng lên 86.000 đồng/kg, Công ty Emivest tăng 1.000 đồng lên 84.500 đồng/kg, Công ty CJ tăng 1.000 đồng lên 83.500 đồng/kg.
 
Ông P.H.H, thương lái có “số” tại khu vực miền Nam, cho biết các công ty điều chỉnh tăng giá nhưng muốn mua không dễ. Phải mua đúng giá thị trường, nghĩa là tăng 4.000 – 6.000 đồng/kg so với giá công ty công bố mới có heo. Chẳng hạn, theo hợp đồng với công ty chăn nuôi C, cung cấp cho khách hàng lớn 2.000 con mỗi ngày, nhưng một mặt công ty điều chỉnh tăng giá, một mặt chỉ cung cấp được 500 – 600 con mỗi ngày.
 
“Có dấu hiệu ém hàng từ các công ty lớn. Nếu giữ lại heo thêm 15 – 30 ngày, sát Tết Nguyên đán, heo tăng thêm 15 – 30 kg nữa, lớn hơn 1 tạ, bán giá rất tốt. Tôi nghĩ các “nhà giàu” đang chọn chiêu đó. Bởi thực tế nguồn cung cho tết đang thiếu. Tình trạng ghim hàng đã xảy ra từ trước nhưng phổ biến hơn khi giá heo hơi tăng như vũ bão mất kiểm soát mấy hôm nay”, ông H. nói.
 
Một thành viên Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam bộ thừa nhận có phản ánh hiện tượng ghim hàng từ các công ty lớn, bán không đủ lượng theo hợp đồng…Không bao giờ thương lái mua được hàng đúng giá công bố, nhưng nếu trả thêm 3 – 5 giá, bằng giá thị trường lại có heo ngay”. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng xác nhận thương lái khó mua được hàng theo đúng giá các công ty đưa ra, thường phải thêm vài giá.
 
Chỉ riêng trong 1 tuần qua, giá heo hơi tăng đến 20.000 đồng/kg, nếu tính từ đầu tháng 12 đến nay tăng 30.000 đồng/kg. “Thị trường thịt heo nếu không có giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý, cứ để giá thị trường tăng tự do như tuần qua, chắc chắn giá heo hơi sẽ vượt mốc 100.000 đồng/kg trong nay mai. Nhu cầu thị trường hiện chỉ chiếm 2/3 so với trước, nhưng khi giá tăng kiểu đó, người tiêu dùng có lựa chọn khác, người bán thịt tại chợ gặp khó khăn trong khi nguồn lợi phải nhìn khách quan lại rơi vào tay các nhà chăn nuôi lớn”, ông Đoán nhận xét.
 
Theo Bloomberg, giá thịt heo tăng chóng mặt lên 200% trong năm nay tại Trung Quốc giúp một số nhà sản xuất thịt heo nước này giàu lên nhanh chóng, đặc biệt là tỉ phú Qin Yinglin.
 
Phần lớn tài sản của ông Qin Yinglin đến từ 60% cổ phần ở Công ty Muyuan Foodstuff, tính hết quý 3/2019, khối tài sản của Chủ tịch Công ty Muyuan Foodstuff đã tăng 400% lên 8,6 tỉ USD trong năm nay, đưa ông trở thành tỉ phú có tài sản tăng nhanh nhất trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.
 
 
NGUYÊN NGA